1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo

(Dân trí) - Không chỉ tiếp cận nghiên cứu các tri thức khoa học và công nghệ trên thế giới, các công bố quốc tế của Việt Nam cũng được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và tạo cơ sở cho hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ , đổi mới sáng tạo cũng như nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Trong 5 năm qua, các bài báo từ các tác giả Việt Nam được xuất bản trên ScienceDirect đã được 4.632.239 lần tải xuống bởi các nhà nghiên cứu từ 123 quốc gia (không bao gồm: các quốc gia thuộc chương trình "Research4Life").

Theo thống kê Elsevier Web Analytics Department, 20 quốc gia tham khảo công bố quốc tế của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, Pháp, Đức, Malaysia, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Indonesia, Iran, Ý, Tây Ba Nha.

Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo - 1

Top 20 quốc gia tham khảo công bố quốc tế của Việt Nam nhiều nhất. Nguồn: Elsevier Web Analytics Department.

Những quốc gia tìm hiểu các công bố quốc tế của Việt Nam và được các tác giả Việt Nam nghiên cứu nhiều nhất đồng thời cũng là những nước có quan hệ hợp tác song phương, đa phương nhiều nhất với Việt Nam hiện nay trên các lĩnh vực. Vì vậy, có thể khẳng định, công bố quốc tế là một kênh quan trọng giúp Việt Nam phổ biến kết quả nghiên cứu ra thế giới và là cơ sở cho hoạt động hợp tác trong nghiên cứu, KH&CN, kinh tế xã hội...

Tuy số lượng công bố quốc tế tăng nhanh trong những năm gần đây, tuy nhiên Việt Nam vẫn chỉ đạt thứ hạng trung bình ở khu vực Đông Nam Á.

Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh

Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo - 2

Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam 05 năm gần đây (2015-2019). Nguồn: Scopus, truy cập ngày 13/12/2019. (*) Số liệu năm 2019 đang tiếp tục cập nhật

Theo số liệu trích xuất từ Scopus, trong giai đoạn 2015-2019, các tác giả Việt Nam đã công bố tổng cộng 36.745 bài trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo và sách quốc tế. Nếu như năm 2015, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam là 4.484 bài thì tới năm 2019, tuy số liệu cập nhật chưa đầy đủ nhưng số lượng này đã tăng 2,5 lần, đạt 11.061 bài. Tốc độ gia tăng trung bình hàng năm của giai đoạn này đạt là 25,5%/năm.

Việt Nam chủ yếu công bố trong các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học máy tính, toán học, khoa học nông nghiệp và sinh học, vật lý và thiên văn học, dược phẩm, khoa học vật liệu, hóa sinh, di truyền học và sinh học phân tử, hóa học, khoa học môi trường, khoa học xã hội... Đây cũng là những lĩnh vực mũi nhọn được nhà nước ta quan tâm phát triển trong thời gian qua.

Trong giai đoạn 2015-2019, mỗi năm các nhà nghiên cứu Việt Nam đã tải về khoảng 2.568.000 tài liệu tham khảo từ CSDL ScienceDirect của 299 quốc gia trên thế giới, trong đó 20 quốc gia được tham khảo nhiều nhất là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Pháp, Tây Ba Nha, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ý, Đài Loan, Canada, Iran, Brazil, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và của chính các tác giả Việt Nam (đứng thứ 12/299 quốc gia).

Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo - 3

Top 20 quốc gia được Việt Nam tham khảo nhiều nhất. Nguồn: Elsevier Web Analytics Department.

Không chỉ tiếp cận nghiên cứu các tri thức khoa học và công nghệ trên thế giới, các công bố quốc tế của Việt Nam cũng được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và tạo cơ sở cho hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ , đổi mới sáng tạo cũng như nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Các công bố quốc tế của Việt Nam được nhiều quốc gia nghiên cứu, tìm hiểu tham khảo - 4

So sánh công bố quốc tế của Việt Nam và một số nước ASEAN. Nguồn: Scopus, truy cập ngày 13/12/2018.

Ở khu vực ASEAN, Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 về số lượng công bố quốc tế trên Scopus giai đoạn 2015-2019, xếp sau Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Số lượng công bố quốc tế của nước ta chỉ bằng 1/4 của Malaysia, 1/3 Singapore và Indonesia và một nửa của Thái Lan.

Để tham gia được vào dòng thác nghiên cứu khoa học của thế giới, việc đăng được các bài trong tạp chí khoa học có giá trị của quốc tế là một trong những khía cạnh then chốt giúp "đi tắt đón đầu” hoặc ít nhất không bị tụt hậu trong bối cảnh khốc liệt của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và những thách thức của thời kỳ hội nhập và phát triển.

Để nâng cao thứ hạng của Việt Nam nói chung và các viện nghiên cứu, trường đại học nói riêng trong lĩnh vực công bố quốc tế, một trong những yêu cầu quan trọng là bảo đảm đủ thông tin khoa học “đầu vào” cho hoạt động nghiên cứu. Trong những năm qua, Cục Thông tin KH&CN quốc gia (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã mua quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của các nhà xuất bản uy tín trên thế giới, đồng thời xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ phục vụ cộng đồng nghiên cứu trong cả nước thông qua Thư viện Khoa học và Công nghệ quốc gia.

Theo lãnh đạo của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, hiện tại các nhà khoa học có thể tham khảo, đọc và tải không giới hạn các nguồn thông tin chính thống và có giá trị từ các cơ sở dữ liệu: Cơ sở dữ liệu Công bố khoa học Việt Nam: bao gồm toàn văn 260.000 bài nghiên cứu của các tác giả trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị hội thảo trong nước; Cơ sở dữ liệu Nhiệm vụ KH&CN Việt Nam: tham khảo 34.000 kết quả nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở của Việt Nam.

Đọc và tải 40 triệu tài liệu từ các CSDL KH&CN quốc tế ScienceDirect, Springer Nature, IEEE, ASC, ProQuest Central... Sử dụng các CSDL phân tích trích dẫn Scopus, ISI-Web of Knowledge.

S.H