Cá chết trắng ở ao hồ do nguyên nhân nào?
(Dân trí) - Nhiều trường hợp cá chết rất khó xác định rõ nguyên nhân, bởi những khó khăn và thiếu quy trình tiêu chuẩn để điều tra khi xảy ra sự việc.
Thời gian gần đây, tại đoạn qua đường Nguyễn Đình Thi (ven hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội) xuất hiện nhiều loại cá chết, nổi trắng mặt hồ, gây mất cảnh quan khu vực và ảnh hưởng đến môi trường.
Theo UBND quận Tây Hồ, tính từ ngày 28/9 đến ngày 6/10, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thu gom được khoảng hơn 800 kg cá chết trên mặt nước Hồ Tây.
Trước đó, vào các năm 2016 và 2018, tại hồ Tây cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết trắng. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã có các giải pháp cải thiện nước hồ Tây như bơm thêm ô xy vào nước hồ, mời các chuyên gia phân tích về chất lượng nước...
Theo các chuyên gia, thuật ngữ "cá chết trắng" dùng để chỉ hiện tượng chết hàng loạt của các quần thể cá sống ở các vùng sông, hồ, ven biển... hoặc trong một số trường hợp có thể áp dụng cho thủy sinh.
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới cá chết hàng loạt là lượng oxy trong nước giảm, do ảnh hưởng từ các yếu tố như hạn hán, tảo phát triển, quần thể quá đông hoặc nhiệt độ nước xáo trộn. Tại một số khu vực, đặc biệt là các thành thị, nguyên nhân cá chết do ô nhiễm từ nước thải hoặc độc tố sinh học, ký sinh trùng... cũng rất đáng lo ngại.
Dẫu vậy, nhiều trường hợp cá chết được cho là không rõ nguyên nhân, bởi những khó khăn và thiếu quy trình tiêu chuẩn để điều tra khi xảy ra sự việc.
Dưới đây là một số lý do có thể gây nên việc cá chết hàng loạt ở các hồ ao:
Cạn kiệt oxy
Theo Nature, oxy cạn kiệt trong nước là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cá chết. Đa số các loài cá sinh sống ở sông, hồ... chỉ có thể chịu được lượng oxy suy giảm trong thời gian ngắn.
Chúng ta biết rằng oxy đi vào nước thông qua quá trình khuếch tán, thường hình thành do các dòng chảy. Tuy nhiên, mức độ oxy thực tế trong nước phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhiệt độ, lượng ánh sáng mặt trời có sẵn và lượng động/thực vật trong nước.
Thí dụ như ở 20 độ C, lượng oxy trong nước có thể dao động ở mức 9 mg/lít. Tuy nhiên cứ mỗi 10 độ C được gia tăng, lượng oxy trong nước sẽ giảm khoảng 1 mg/lít.
Ở nhiều khu vực (thường là các vùng có nhiều thủy sinh), nồng độ ôxy ở sông, hồ vào mùa hè có thể dao động rất đáng kể, với lượng ôxy siêu bão hòa trong nhiều giờ vào ban ngày, sau đó đột ngột giảm vào ban đêm.
Đó là bởi nhịp quang hợp của hệ thực vật dưới nước đã ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ oxy.
Tảo sinh trưởng
Tảo sinh trưởng, hay còn gọi là tảo nở hoa, là sự xuất hiện của một số lượng lớn các tảo nổi trên bề mặt của một vùng nước.
Một thời gian ngắn sau khi tảo sinh trưởng, chúng sẽ chết, kéo theo quá trình phân hủy sử dụng oxy trong nước có sẵn cho cá.
Năm 2002, hiện tượng cá chết trắng đã được phát hiện bên trong một hồ nước ở Estonia. Sau khi khám nghiệm, người ta kết luận rằng cá chết là do sự kết hợp của tảo nở hoa và nhiệt độ môi trường tăng cao, khiến mặt nước thậm chí đóng váng, và cá không thể có đủ oxy trong nước để hô hấp.
Tảo cũng có thể gây ra một số bệnh, khiến cá chết hàng loạt. Nổi bật trong số đó là loài tảo Karenia brevis, cực kỳ phổ biến ở vùng biển Vịnh Mexico.
Khi loại tảo này sinh trưởng, nó sẽ tiết ra một độc tố hòa tan trong nước, tạo ra màu đó, và được người dân gọi là "thủy triều đỏ".
Chất độc này làm tê liệt hệ thần kinh trung ương của cá khiến chúng không thể thở được, và chết hàng loạt. Con người cũng có thể bị bệnh nặng nếu như ăn phải hàu hay các động vật biển khác bị nhiễm độc tố thủy triều đỏ.
Nhiệt độ nước
Hiện tượng cá chết có thể xảy ra khi nhiệt độ nước dao động nhanh, hoặc thường xuyên duy trì ở nhiệt độ cao kéo dài.
Theo lý giải, lớp nước ấm (tạm gọi là A) chứa nhiều oxy thường có xu hướng ở gần bề mặt do bị không khí, Mặt Trời làm nóng. Tuy nhiên, thể tích nước chứa oxy thấp (tạm gọi là B) lại lớn hơn nhiều so với thể tích ở lớp A.
Khi nhiệt độ bị xáo trộn, điển hình như khi mưa dông, gió lớn... các lớp A và B có thể bị xáo trộn với nhau, dẫn tới giảm nồng độ ôxy trong toàn bộ khối nước, dẫn đến cá chết hàng loạt.
Ô nhiễm nguồn nước
Ô nhiễm nước là một nguyên nhân khá phổ biến, dẫn tới cá chết tại các khu vực cửa sông, cửa biển, hay tại các sông, hồ... thường xuyên đón nhận dòng nước thải sinh hoạt.
Những chất thải này chứa hóa chất, độc tố nguy hại, có thể dẫn đến nhiễm độc nguồn nước và giết chết cá.
Không chỉ vậy, chúng cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra tình trạng thay đổi nhiệt độ hoặc nồng độ pH của nước, dẫn tới cá chết như đã nên trên.
Thường rất khó, hay thậm chí là không thể xác định được liệu độc tố tiềm ẩn từ nước thải sinh hoạt có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết hay không.
Thí dụ như vào năm 2019, hàng trăm nghìn con cá đã chết sau một vụ tràn rượu whisky xuống sông Kentucky, gần thành phố Lawrenceburg, thuộc bang Indiana, Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức địa phương không thể xác định được rằng liệu cá chết là do trực tiếp rượu whisky được đổ xuống, hay do sự suy giảm oxy gây ra bởi các vi sinh vật dưới nước khi chúng bắt đầu tiêu thụ thứ chất lỏng này một cách nhanh chóng.