1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bồn cầu thông minh và loạt nghiên cứu độc lạ giành giải Ig Nobel

Minh Khôi

(Dân trí) - Giải khoa học vui Ig Nobel 2023 được tổ chức thường niên hướng đến tiêu chí "tiếng cười ẩn sau là suy ngẫm".

Bồn cầu thông minh và loạt nghiên cứu độc lạ giành giải Ig Nobel - 1

Seung-min Park, chủ nhân giải Ig Nobel trong hạng mục sức khỏe cộng đồng, với nghiên cứu về bồn cầu thông minh (Ảnh: PR Image).

Ngày 15/9, tạp chí Annals of Improbable Research - đơn vị sáng lập giải thưởng Ig Nobel - đã chính thức công bố giải Ig Nobel 2023 với 10 hạng mục khác nhau dành cho các nhà khoa học trên khắp thế giới.

Với mục đích chủ yếu là tạo ra tiếng cười, những giải thưởng dự thi phải đảm bảo tiêu chí vừa độc, lạ, vừa hài hước, và đôi khi chẳng hề giải quyết được bất kỳ vấn đề gì của cuộc sống.

Phần thưởng dành cho người chiến thắng cũng rất độc đáo, khi họ sẽ nhận được bằng khen, cùng một tờ tiền có mệnh giá 10.000 tỷ đôla Zimbabwe.

Chủ nhân của giải Ig Nobel trong lĩnh vực y tế cộng đồng là các nhà nghiên cứu do bác sĩ tiết niệu Seung-min Park thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đứng đầu. Họ đã phát triển một loại bồn cầu thông minh, sử dụng nhiều công nghệ để giám sát trực tiếp dấu hiệu bệnh tật thông qua chất thải của người dùng.

Tuy nhiên, một số người có lẽ sẽ không thật sự thoải mái khi ngồi trên những chiếc bồn cầu với hàng chục cảm biến đi kèm, luôn chực chờ tìm kiếm dấu hiệu về nhiễm trùng, tiểu đường và một loạt các bệnh khác.

Giải thưởng văn học được trao cho các nhà nghiên cứu tìm ra hiện tượng được gọi là "jamais vu". Đây là hiện tượng khi người ta cảm thấy có một thứ gì đó xa lạ vừa xảy ra.

Nó trái ngược với hiện tượng déjà vu, vốn xảy ra khi một người cảm thấy họ trải qua tình huống từng xảy ra trước đây, dù không chắc chắn hoặc được cho là không thể đã xảy ra.

Bồn cầu thông minh và loạt nghiên cứu độc lạ giành giải Ig Nobel - 2

Giải Ig Nobel 2023 hạng mục hóa học và địa chất giải thích lý giải vì sao nhiều nhà khoa học thích liếm sỏi, đá (Ảnh: AP).

Akira O'Connor, nhà khoa học thần kinh tại Đại học St. Andrews, giải thích rằng cảm giác này xảy ra khi họ yêu cầu các đối tượng lặp lại một từ rất nhiều lần, cho đến khi từ bắt đầu phát ra âm thanh không thể nhận ra.

Ở hạng mục hóa học và địa chất, nhà nghiên cứu Jan Zalasiewicz thuộc Đại học Southampton (Anh) đã trở thành chủ nhân giải Ig Nobel nhờ lý giải vì sao nhiều nhà khoa học thích liếm sỏi, đá.

Theo ông, thói quen này bắt nguồn từ một nhà địa chất học người Italia Giovanni Arduino hồi thế kỷ 18, khi ông dùng vị giác để phân biệt các loại đá và khoáng chất.

Tuy nhiên giờ đây, các nhà khoa học dường như liếm sỏi, đá... để tạo ra bề mặt ẩm ướt, từ đó giúp nhận dạng đá dễ dàng hơn dựa trên các hạt khoáng chất.

Một số giải thưởng đáng chú ý khác, như khám phá xem lỗ mũi của một người có số lông bằng nhau hay không; hồi sinh nhện chết làm dụng cụ cơ học; nghiên cứu về những người có khả năng nói ngược; nguyên nhân gây ra "cơn lốc nhỏ" khi đàn cá cơm giao phối...

Bồn cầu thông minh và loạt nghiên cứu độc lạ giành giải Ig Nobel - 3

Lễ trao giải Ig Nobel được tổ chức thường niên thường mang đậm bản sắc châm biếm, hài hước trong các nghiên cứu khoa học (Ảnh: Getty).

Giải Ig Nobel là một giải thưởng châm biếm, được trao thường niên kể từ năm 1991 để tôn vinh 10 thành tựu bất thường, hoặc tầm thường trong nghiên cứu khoa học.

Mục đích của giải là tôn vinh những thành tựu khiến mọi người cười trước, rồi sau đó khiến họ phải suy nghĩ. Tên của giải thưởng là một cách chơi chữ của giải thưởng Nobel và từ "ignoble" ("thấp kém", "không danh giá").

Theo truyền thống, lễ trao giải Ig Nobel được kết thúc với dòng chữ: "Nếu bạn không giành giải, và đặc biệt nếu bạn có giành giải, chúc bạn may mắn vào năm sau".

Sir Andre Geim, chủ nhân giải Ig Nobel năm 2000 với nghiên cứu nhấc bổng một con ếch bằng từ tính, đã được trao giải Nobel vật lý năm 2010 cho công trình nghiên cứu của ông về các tính chất điện từ của graphene.

Do đó, ông là người duy nhất từng giành cả giải Nobel và Ig Nobel tính đến nay.