DMagazine

Bộ Khoa học và khát vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới

(Dân trí) - Mới được hình thành trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ, chỉ tính riêng năm 2018 đã thu hút gần số vốn đầu tư lên đến gần 900 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017.

Mới được hình thành trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ, chỉ tính riêng năm 2018 đã thu hút gần số vốn đầu tư lên đến gần 900 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017.

Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang được quan tâm, chú trọng và thúc đẩy phát triển cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ…Và với những động thái “đặc biệt” gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang cho thấy một tham vọng rất lớn của đơn vị này trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới.  

Tạo mọi điều kiện để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt

Nhận thức được vai trò chiến lược và trọng yếu của phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày18/5/2016 đã có sự vào cuộc đồng lòng, thống nhất của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, của các nhà sáng lập, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, huấn luyện viên, tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021, ra mắt Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (SyS).

Đồng thời, trên 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844. Hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đã được các cơ quan chức năng quyết liệt xây dựng, ban hành: Từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, được giao trách nhiệm chủ trì triển khai Đề án, Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch tổng thể, hướng dẫn Bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, dựa trên tinh thần hỗ trợ các tổ chức trung gian, đào tạo, ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh cung cấp dịch vụ phục vụ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ Khoa học và khát vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới - 1

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định Chính phủ đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Cụ thể, Bộ KH&CN đã lựa chọn được một số đối tác có năng lực, có kinh nghiệm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm liên kết chặt chẽ các thành phần của hệ sinh thái, mở rộng liên kết quốc tế; tạo lập mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, mạng lưới huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh…

“Liều thuốc” thúc đẩy mang tên “Abivin”

Sự kiện Abivin - Startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, đội thắng cuộc ở cuộc thi Techfest Vietnam 2018 đã vinh dự vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Startup World Cup (San Francisco) với giải thưởng 1 triệu USD đầu tư như là một “liều thuốc” thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ ở trong nước và quan trọng hơn cả là yếu tố tự tin khi ra sân chơi quốc tế.

Bộ Khoa học và khát vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới - 2
Bộ Khoa học và khát vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới - 3

Thành công của Abivin ở đấu trường quốc tế như là một "liều thuốc" tinh thần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. 

Theo anh Phạm Nam Long - người sáng lập Abivin thì những yếu tố tạo nên thành công của Abivin đó chính là tìm được vấn đề trong thị trường logistics thời điểm đó và lựa chọn giải quyết bằng sản phẩm công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo; sự đồng lòng của các nhân sự của Abivin từ những ngày đầu dù công ty khởi nghiệp còn nhiều khó khăn về danh tiếng, khách hàng, sản phẩm; và đặc biệt là những hỗ trợ từ phía chính phủ, mà đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ với Đề án 844 đã giới thiệu các chuyên gia, cố vấn, đứng ra chủ trì tổ chức các chương trình và kết nối Abivin với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Tiết lộ thêm về câu chuyện của Abivin, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ, ở Mỹ nói là giải thưởng nhưng thực chất đó là một sự đầu tư đến từ một Quỹ. Quỹ đầu tư này nhận các kinh phí của các doanh nghiệp lớn, của các tập đoàn của Mỹ. Tổ chức của Quỹ này đứng ra tổ chức cuộc thi để phát hiện ra ý tưởng tốt thì phần thưởng chính là sự đầu tư.

“Khi người ta trao giải thưởng 1 triệu USD là có nghĩa giữ 20% doanh nghiệp Abivin, như vậy người ta định giá doanh nghiệp Abivin là 5 triệu USD. Như vậy đây là một sự đầu tư đến từ một Quỹ đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Qua đây cho thấy, doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã đi cùng với Hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước, mà thung lũng silicon là một điển hình – đây là nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhất thế giới”, Thứ trưởng Tùng nói.

Thứ trưởng Tùng cũng tiết lộ thêm, khi Bộ KH&CN làm việc với Quỹ đầu tư cho Abivin thì họ cho hay: Khi xem xét hai ý tưởng gồm một của Việt Nam và một của Indonesia thì Quỹ đánh giá ý tưởng của Indonesia khá là tốt, nhưng người đại diện của Abivin khi trình bày, diễn đạt rất mạch lạc và tự tin nên đã thuyết phục được hội đồng.

“Tại sao chúng ta lại thành công như vậy? Bởi Abivin trước khi đi Mỹ đã được đào tạo, bồi dưỡng, làm việc ở các dự án của Bộ KH&CN trong đó có dự án đổi mới sáng tạo của Bộ KH&CN, tham gia vào khóa đào tạo ở các khu ươm tạo, ở các khu khởi nghiệp… Chính các hoạt động như vậy đã giúp cho Abivin tự tin trước hội đồng. Đây chính là một ví dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã và đang đi cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước”, Thứ trưởng Tùng tự hào nói.

Và những động thái “đặc biệt” để đưa hệ sinh thái khởi nghiệp vươn ra thế giới

Sự thành công của Abivin cũng xuất phát điểm từ việc tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) quốc gia và đạt giải cao ở cuộc thi khởi nghiệp. Chính vì vậy, năm 2019, Bộ KH&CN đã phối hợp với địa phương tổ chức các sự kiện ngày hội tại 4 vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, để quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ra thế giới và thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, Bộ KH&CN đã tổ chức các kỳ techfest quốc tế tại Hoa Kỳ; Hàn Quốc; Singapore. Mục đích của những động thái này không chỉ thu hút nguồn lực, vốn đầu từ mà Bộ KH&CN còn tính đến chặng đường dài hơi để vươn tầm ra thế giới.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ: Chính phủ đã tạo điều kiện về môi trường, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng có một điều quan trọng là làm sao để các doanh nghiệp này đi cùng với các doanh nghiệp ở trên thế giới? Điều thực hiện tốt nhất là được các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đi đến với tất cả các nước.

“Năm 2019, Bộ KH&CN đã xây dựng một kế hoạch để đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đến các thị trường mà đang phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất và chúng ta đã đón nhận được nhiều tín hiệu khả quan. Chẳng hạn như ở Singapore thì chúng ta đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng đã gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe những ý từ các doanh nghiệp của Việt Nam”, Thứ trưởng Tùng nói.

Thứ trưởng Tùng cũng cho hay, nhiều người cho rằng cơ sở vật chất là quan trọng nhưng thật ra phần quan trọng nhất chính là yếu tố con người được đào tạo, được bồi dưỡng, được huấn luyện về các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp – đây mới chính là nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.  

Vì thế trong khuôn khổ hoạt động ở Singapore vừa qua, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đại diện củaTemasek Polytechnic (một cơ sở đào tạo rất lớn về khởi nghiệp ở Singapore) đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, tăng cường các nguồn lực khác nhau để phát triển nền kỹ thuật khoa học công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan.

Bộ Khoa học và khát vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới - 4

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đi thăm một số gian hàng giới thiệu sản phẩm sáng tạo của ĐH Temasek Politechnik.

“Khi tôi đi tham quan của Temasek Polytechnic thì họ có những cơ sở đào tạo cho những người khởi nghiệp mà ở đây chỉ cần người khởi nghiệp có một ý tưởng thôi là người ta có cả một bộ phận kỹ thuật giúp làm ra được sản phẩm đó. Điều này là hết sức quan trọng với đội ngũ khởi nghiệp. Hoạt động này cũng được chúng tôi đánh giá rất cao”, Thứ trưởng Tùng thông tin.

Bộ Khoa học và khát vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới - 5

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) và đại diện củaTemasek Polytechnic đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Trao đổi thêm về việc xây dựng nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường khoa học và công nghệ tiết tộ: Bộ KH&CN sẽ kết hợp với Tổng cục Dạy nghề để học tập nước bạn về 3 nhóm gồm người lãnh đạo nhà trường, người quản lý thiết kế chương trình đào tạo và giảng viên – chính là những người truyền đạt trực tiếp cho các startup. Bên cạnh đó, cùng với các startup điển hình có những đào tạo thử ở trong nước cũng như thực hành ở Singapore với sự hỗ trợ các đối tác đã ký kết ở Singapore.

Bộ KH&CN cũng sẽ ký hợp tác với Seoul startup – Một vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố Seoul hay Busan startup. Những nơi này cũng có chương trình đào tạo hướng đến thực hành nhiều hơn, kỹ năng kêu gọi vốn và quan trọng là họ sẽ hỗ trợ đối tác thực thành miễn phí trong thời gian nhất định ở đây. Đây cũng là cách để các startup Việt Nam cọ sát và nâng tầm của mình lên ngang tầm với các quốc gia này.

Bộ KH&CN, cụ thể là Đề án 844 cũng sẽ kết hợp chặt chẽ với Đề án 168 của Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tổ chức khởi nghiệp của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khởi nghiệp.

Sỹ Hùng