Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức thông tin về vụ việc xăng giả

(Dân trí) - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa chính thức thông tin về việc năm 2018 tổ chức thanh tra chuyên đề nhằm hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng dầu trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường nhưng lại không phát hiện được xăng giả.

Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức thông tin về vụ việc xăng giả - 1

Trao đổi với phóng viên báo chí trước thông tin về vụ việc sản xuất, pha chế xăng dầu giả thời gian gần đây, ông  Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, với tình trạng pha chế xăng dầu trái phép có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ngành  KH&CN đã và đang  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường khảo sát, phát hiện, tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật

Phát hiện về sự gia tăng vi phạm từ năm 2017 là cơ sở để Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) ban hành Kế hoạch 410/KH-BCĐ389 ngày 14/6/2017 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại xăng dầu.

Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai thanh tra chuyên đề năm 2018 nhằm hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng dầu trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

Thông tin gửi cho báo chí từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quá trình triển khai đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu, các địa phương đã xử phạt với số tiền gần 6,7 tỷ đồng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các Sở KH&CN cùng các sở, ngành khác cũng đã phát hiện một số thủ đoạn hết sức tinh vi trong việc gian lận về xăng dầu (như việc sẵn có các ngăn chứa dung môi được lắp đặt bí mật trong các xi téc chứa xăng…), và kịp thời chuyển thông tin cho cơ quan công an để vào cuộc điều tra, đấu tranh với các thủ đoạn này.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, đối với vụ việc xăng dầu không đảm bảo chất lượng tại Đăk Nông, trong quá trình điều tra, xử lý, các cơ quan chức năng của ngành KH&CN tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan Công an tỉnh Đăk Nông trong việc thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá chất lượng xăng dầu phục vụ quá trình điều tra; phối hợp hỗ trợ cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đăk Nông trong việc phân tích, làm rõ các căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học trong việc xác định bản chất các hành vi vi phạm. Việc phát hiện đường dây sản xuất xăng giả và đấu tranh kịp thời với các đối tượng vi phạm pháp luật xăng dầu là một chiến công lớn và nỗ lực lớn của các cơ quan công an trong công tác chống gian lận thương mại.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an tiếp tục đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xăng dầu, kiến nghị xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm. Đồng thời, Bộ KHCN đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu, tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để xử lý theo quy định của pháp luật. Lưu ý tập trung lấy mẫu tại các điểm là bể chứa xăng dầu để tăng khả năng phát hiện gian lận về chất lượng.

Trước đó, trả lời báo chí liên quan đến thanh tra xăng dầu năm 2018, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, chỉ có 50 địa phương triển khai với các nội dung thanh tra chấp hành quy định pháp luật về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và sử dụng mã số mã vạch.

Theo đó, có 2.723 cơ sở được thanh tra, trong đó, 2.301 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 422 sử dụng mã số mã vạch. Qua thanh tra, phát hiện 149 cơ sở vi phạm, trong đó 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 36 cơ sở sử dụng mã số mã vạch; xử phạt hành chính gần 6,7 tỷ đồng.

Có nhiều địa phương tiến hành hoạt động thanh tra: Đồng Nai 100 cơ sở, Khánh Hoà 90 cơ sở, Bình Định 89 cơ sở, Đồng Tháp 84 cơ sở, Đà Nẵng 62 cơ sở, Sóc Trăng 57 cơ sở, Vĩnh Long 54 cơ sở, Hà Tĩnh 51 cơ sở. Các địa phương xử phạt nhiều: Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Định.

Qua thanh tra, cho thấy, các hành vi chủ yếu được phát hiện qua hoạt động thanh tra kinh doanh xăng dầu. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, các hành vi kịp tháo dỡ, niêm phong kẹp trì trên phương tiện đo; giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo hết hiệu lực mà vẫn tiếp tục kinh doanh, sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường; niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với quy định; kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hết hiệu lực; bán xăng có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn quốc gia.

Nguyễn Hùng