1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

BMI của vợ ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường của chồng

(Dân trí) - Nghiên cứu của Đan Mạch chỉ ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI) của người vợ cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển tiểu đường týp 2 của người chồng. Tiểu đường là căn bệnh ảnh hưởng tới hơn 400 triệu người trên thế giới.

BMI của vợ ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường của chồng - 1

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng một người đàn ông có vợ có BMI là 30 kg/m2 có nguy cơ mắc tiểu đường týp 2 cao hơn 21% so với những người có vợ có BMI là 25 kg/m2 bất kể BMI của người đàn ông đó là bao nhiêu.

Tuy nhiên, điều này không được tìm thấy ở phụ nữ.

Tác giả chính Jannie Nielsen, nghiên cứu sinh tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết: “Nếu chúng tôi điều chỉnh cân nặng của phụ nữ, họ không có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2 cao hơn do chỉ số BMI của chồng họ. Nhưng ngay cả khi chúng tôi điều chỉnh cân nặng ở nam giới, những người này vẫn có nguy cơ cao hơn do BMI của vợ”. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này xảy ra là vì phụ nữ chủ yếu phụ trách chế độ ăn uống trong gia đình.

Nielsen bổ sung, trong một bài báo đăng trên tạp chí Diabetologia: “Chúng tôi tin rằng đó là bởi vì phụ nữ thường quyết định những gì chúng ta ăn ở nhà. Phụ nữ có ảnh hưởng lớn hơn đến thói quen ăn uống của thành viên trong gia đình so với nam giới”.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 3.649 nam giới và 3.478 phụ nữ.

Dựa trên kết quả, Nielsen tin rằng việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường týp 2 có thể được cải thiện nếu chúng ta thay đổi cách tiếp cận đối với căn bệnh này.

“Cách tiếp cận bệnh tiểu đường týp 2 của chúng tôi không tập trung vào cá nhân, mà thay vào đó tập trung vào cả gia đình. Nếu một người phụ nữ có nguy cơ cao thì có xác suất cao rằng nguy cơ đó được chia sẻ cho cả chồng của họ", Nielsen nói

Nguyễn Hà

Theo Indianexpress