Bí mật không được tiết lộ đằng sau những chuyến thăm xác tàu Titanic

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Cái chết được nhắc lại ba lần vào giấy miễn trừ trách nhiệm và trong trường hợp tàu lặn Titan gặp sự cố, phương án giải cứu không hề dễ dàng.

Bí mật không được tiết lộ đằng sau những chuyến thăm xác tàu Titanic - 1

Xác tàu Titanic được quan sát từ tàu lặn Titan (Ảnh: Elle).

Ngày 19/6, tàu lặn Titan chở 5 người gồm một người điều khiển và 4 du khách đã mất tích ở Đại Tây Dương trong lúc lặn thám hiểm xác tàu ngầm Titanic. Một trong số các hành khách là tỷ phú Anh, Hamish Harding.

Con tàu mất liên lạc sau khi lặn khoảng 1 giờ 45 phút.

Câu chuyện tàu Titan mất tích khi chở khách du lịch thăm quan xác tàu Titanic khiến cả thế giới quan tâm. Đằng sau những chuyến du lịch mạo hiểm này luôn có những bí mật chỉ người trong cuộc mới biết.

Cái chết được nhắc lại 3 lần

Nhà sản xuất phim nổi tiếng người Mỹ, Mike Reiss đã có ba chuyến thám hiểm với công ty OceanGate, chuyên cung cấp những tour du lịch thăm quan xác tàu Titanic hé lộ: "Ở độ sâu của Đại Tây Dương, chúng tôi hoàn toàn bị cô lập và hầu như luôn mất liên lạc với bên ngoài". 

Vào năm ngoái, chính ông đã lặn trên chiếc tàu Titan mất tích vào ngày 19/6 trong quá trình tham quan xác tàu Titanic. 

Theo Mike Reiss, mọi người đều nhận thức rõ về những nguy hiểm liên quan khi tham gia du lịch thăm xác tàu Titanic.

Ông chia sẻ: "Bạn phải ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm trước khi lặn xuống và cái chết được nhắc đến 3 lần ở trang một. Đây không phải là một kỳ nghỉ dưỡng, nó luôn luôn tiềm ẩn những nguy hiểm". 

"Một khi chúng tôi xuống vị trí xác tàu Titanic (độ sâu khoảng 3.800 mét), mọi thiết bị chỉ đường, hệ thống định vị, la bàn hầu như không còn tác dụng gì.

Đoàn tham quan trên tàu lặn loay hoay một cách mù quáng dù biết rằng xác tàu Titanic ở đâu đó ngoài kia", Mike Reiss nhớ lại, "nhưng trời tối đến mức ngay cả xác tàu Titanic chỉ cách vị trí tàu lặn 500 mét thì chúng tôi đã phải mất 90 phút để tìm kiếm nó". 

Tàu Titan có dễ dàng được giải cứu khi gặp sự cố?

Không giống như một chiếc tàu ngầm có thể ra vào các cảng bằng sức mạnh của chính nó, tàu Titan là một con tàu lặn dài khoảng 6 mét và nặng 9 tấn, nó phụ thuộc vào một con tàu hỗ trợ để vận chuyển nó đến một địa điểm trước khi lặn.

Con tàu này sử dụng hệ thống két nước để có thể lặn xuống và nổi lên kết hợp với 4 động cơ đẩy chạy điện, giúp nó có thể nổi lơ lửng để di chuyển dưới đáy biển. 

Bí mật không được tiết lộ đằng sau những chuyến thăm xác tàu Titanic - 2

Tàu Titan không thể mở cửa từ bên trong khi đang lặn (Ảnh: Futura Science).

Do tính vật lý của nước, đặc biệt ở độ sâu lớn như trong khu vực tham quan xác tàu Titanic, các công nghệ chúng ta thường sử dụng trên đất liền và thậm chí trong không gian như hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh hay định vị GPS sẽ không hoạt động. 

Tàu Titan giao tiếp với tàu hỗ trợ bằng cách sử dụng các hệ thống âm thanh gửi "ping" qua lại để cung cấp vị trí. Việc giao tiếp sẽ rất hạn chế từ tàu Titan đến tàu hỗ trợ nếu tàu lặn nằm trong phạm vi không phù hợp. 

Cụ thể, quá trình giao tiếp sẽ bị gián đoạn trong trường hợp Titan không ở vị trí thẳng đứng hoặc vướng vào xác tàu Titanic dưới đáy biển. 

Trong trường hợp tàu Titan ở dưới đáy đại dương, công việc giải cứu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Giải pháp đầu tiên là đội giải cứu phải sử dụng một con tàu khác có thể di chuyển đến độ sâu xung quanh xác tàu Titanic và trên thế giới có rất ít con tàu có thể làm được điều này.

Nhưng ngay cả khi có một chiếc tàu ngầm có khả năng di chuyển đến khu vực này, nó cũng không có cách nào để chuyển hành khách từ Titan sang tàu ngầm cứu hộ bởi vì tàu lặn Titan không có cửa sập, bên cạnh đó, áp suất dưới môi trường nước xác tàu Titanic là rất lớn.

Do tàu Titan có cấu trúc thân vỏ tổng hợp từ sợi carbon và titan, nên nó có thể chịu được áp lực cực lớn trong môi trường, nhưng Titan là con tàu kín khiến hành khách không thể mở cửa từ bên trong và vào tàu từ bên ngoài theo đúng nghĩa đen.

Chính vì thế, giải pháp khả thi bây giờ chính là đưa một tàu lặn xuống để có thể bảo vệ tàu Titan và đưa nó lên mặt biển. 

Vụ mất tích tàu Titan đã khiến nhiều người nhớ lại thảm họa hàng hải Kursk năm 2000, khi đó một quả ngư lôi trên tàu ngầm Hải quân Nga phát nổ đã giết chết nhiều thủy thủ đoàn ở độ sâu 106 mét so với mực nước biển. 

Hay như vào năm 1973, thủy thủ đoàn của tàu ngầm Song Ngư III đã bị mắc kẹt ngoài khơi Ireland trong 76 giờ, nó đã được tàu ngầm khác giải cứu khi lượng oxy cung cấp cho thủy thủ đoàn chỉ còn 12 phút.

Nhưng cuộc giải cứu đó chỉ ở độ sâu vừa phải trong khi tàu lặn Titan trong trường hợp không may gặp sự cố ở vị trí xác tàu Titanic có độ sâu lên tới 3.800 mét và áp lực nước ở đây là vô cùng lớn.