Bí ẩn xung quanh hiện tượng "đêm trắng"
(Dân trí) - Sự phát sáng bất thường trên bầu trời sau khi trời tối, hay còn có tên gọi "đêm trắng" là một vấn đề mà các nhà khoa học đã đau đầu để đi tìm câu trả lời trong thời gian qua.
Hiện tượng đêm trắng là gì?
Đêm trắng hay "bạch dạ" (bright nights), là tên gọi để chỉ những ngày với khoảng thời gian ban đêm (tại địa phương) có độ chiếu sáng tự nhiên không quá thấp cho dù Mặt Trời đã lặn xuống dưới đường chân trời, nghĩa là khoảng thời gian ban đêm chỉ có thể coi như là bao gồm mỗi hiện tượng chạng vạng (hoàng hôn hay rạng đông).
Vì vậy, khoảng thời gian ban đêm tại nơi đó chỉ diễn ra trong khoảng rất ngắn, thường chỉ từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng, có thể xem là hiện tượng tranh tối tranh sáng, hoàng hôn hay rạng đông.
Nếu có điều kiện và muốn hiểu rõ hơn hiện tượng đêm trắng là gì bạn có thể đến tại các địa điểm có vĩ độ cao hơn vòng cực, chiêm ngưỡng hiện tượng ở châu Âu hoặc hiện tượng đêm trắng ở Nga. Chính vì vậy mà người ta vẫn gọi chúng là những ngày địa cực, đêm địa cực.
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng
Theo Science World Report, "đêm trắng" là hiện tượng hiếm xảy ra. Các tài liệu ghi chép cho biết khi xảy ra hiện tượng, dù là ban đêm nhưng ánh sáng vẫn đủ để bạn đọc một quyển sách như ban ngày.
Sự phát sáng bất thường trên bầu trời sau khi trời tối cũng đã trở thành một vấn đề mà các nhà khoa học đã đau đầu để đi tìm câu trả lời trong thời gian qua.
Theo Deccan Chronicle, các nhà nghiên cứu ban đầu nghĩ rằng những đợt sóng hội tụ phía trên khí quyển của Trái đất, chúng có thể khuếch đại sự phát sáng tự nhiên trong không khí (thường là màu xanh) nhờ sự chuyển động của các nguyên tử oxy trong khí quyển. Sự phát sáng này thường không gây chú ý. Tuy nhiên, vào những đêm xảy ra hiện tượng "đêm trắng", con người dễ dàng nhận ra ánh sáng này.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học York ở Canada đã tiến hành so sánh với dữ liệu thu thập được về sự đột biến của ánh sáng mặt trời với các sóng bầu khí quyển. Kết quả, họ tìm thấy sự liên kết giữa 2 yếu tố này.
Mặc dù ngày nay "đêm trắng" ít xảy ra do ô nhiễm không khí nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại. Ánh sáng trong không khí phát ra từ các phản ứng hóa học ở tầng khí quyển phía trên (với nhiều màu sắc khác nhau) thường được cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Màu xanh lá cây trong không khí được nhìn thấy khi các phân tử oxy được tách ra bởi Mặt trời lại liên kết với nhau một lần nữa.
Dữ liệu do các nhà nghiên cứu thu thập cho thấy, những "đêm trắng" thường xảy ra mỗi năm một lần tại một địa điểm (thường tại những nơi ít có ô nhiễm không khí). Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý rằng "đêm trắng" xảy ra tại thời điểm không có trăng thì chúng ta mới nhìn ra được sự khác biệt.
Những nước nào hay gặp hiện tượng "đêm trắng"?
Nga là một trong những quốc gia nơi người yêu các hiện tượng thiên văn có thể dễ dàng quan sát hiện tượng đêm trắng như ở St. Petersburg, diễn ra trong vòng 2 tháng mùa hè, từ khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 7.
Lúc ấy, Mặt trời thường lặn lúc 23h25, giúp kéo dài thời gian ban ngày lên tới trên 18 tiếng. Khi xảy ra "đêm trắng", tất cả sự vật, con người đều đắm chìm trong khung cảnh ảo diệu, mơ hồ giữa hai quãng hoàng hôn và bình minh.
Tận dụng thời gian này, người dân đã tạo ra một loạt lễ hội, đi dạo trong đêm, mọi người cùng nhau thức trắng cả đêm, kéo ra đường để chiêm ngưỡng khung cảnh huyền ảo của thành phố, đổ về những buổi hòa nhạc, xem biểu diễn ballet và tiệc tùng thâu đêm.
Cũng bởi lý do này mà những đêm trắng đã đi vào sâu trong nghệ thuật và văn chương của nước Nga, trở thành huyền thoại và là biểu tượng của một đất nước rộng lớn nhưng thanh bình và vô cùng hiếu khách.
Hiện tượng đêm trắng là gì còn diễn ra ở một số nước ở châu Âu như: Helsinki - Phần Lan, Stockholm - Thụy Điển, Reykjavik - Iceland, Longyearbyen - Na Uy, Riga - Latvia, Paris - Pháp, Salisbury - Anh… Hiện tượng đêm trắng ở châu Âu luôn có sức hấp dẫn kì lạ đối với du khách thập phương đổ về đây mỗi năm.