1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bên trong chai rượu vang 1.700 năm tuổi

Minh Khôi

(Dân trí) - Chai rượu vang trứ danh mang tên Speyer là chai rượu lâu đời nhất từng được biết đến, với tuổi đời từ những năm 325 - 359 sau Công nguyên.

Bí ẩn chai rượu 1.700 năm tuổi

Bên trong chai rượu vang 1.700 năm tuổi - 1

Hình ảnh chai rượu vang lâu đời nhất từng được biết đến, với thứ bên trong vẫn còn là một ẩn số (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Palatinate).

Bảo tàng Lịch sử Palatinate ở Speyer, Đức vẫn còn lưu giữ một chai rượu vang loại 1,5 lít, có niên đại lên tới 1.700 năm, và được niêm phong trong chai trong suốt thời gian đó.

Theo Ancient-origins, bên trong chai chứa một loại rượu cổ xưa, bao gồm nguyên liệu là hỗn hợp từ các loại nho địa phương, và các loại thảo mộc, dầu ô liu… với tuổi đời từ những năm 325 - 359 sau Công nguyên.

Các nhà khảo cổ cho rằng chai rượu đã bị thất lạc trong nhiều thế kỷ, trước khi được tìm thấy trong ngôi mộ của một cặp vợ chồng quý tộc La Mã gần thành phố Speyer, Đức vào năm 1867. Báo cáo ghi lại đây là chai rượu thứ 16 tìm thấy trong ngôi mộ, nhưng là chai duy nhất còn chứa rượu.

Trải qua hàng thiên niên kỷ, rượu bên trong chai trở nên đặc sệt giống như một loại bùn kém hấp dẫn, tựa như nhựa cây và có màu đục do mất hết hàm lượng ethanol. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng thứ bên trong chai vẫn có thể uống được an toàn. 

"Về mặt vi sinh, bên trong chai rượu có thể không ghi nhận sự hư hại nào xảy ra. Nhưng chắc chắn sẽ không mang đến cảm giác ngon miệng", Monika Christmann - chuyên gia về rượu vang, cho biết.

Bên trong chai rượu vang 1.700 năm tuổi - 2

Cận cảnh chai rượu vang "có một không hai" (Ảnh: Immanuel Giel).

Chai rượu Speyer đã được phân tích sơ lược bởi một nhà hóa học vào đầu thế kỷ 20, nhưng thực tế là nó chưa bao giờ được mở ra. Vì thế, bí ẩn về hợp chất bên trong vẫn chỉ là những giả thuyết, và không ai dám đưa ra lời khẳng định.

Theo nghiên cứu, sở dĩ chai rượu có thể giữ được chất lỏng bên trong là nhờ được bịt bằng sáp mà không phải nút bần. Vì vậy, nó đã tránh được hoàn toàn quá trình oxy hóa do không tiếp xúc trực tiếp với không khí. Bên cạnh đó, lượng dầu ô liu dày nhằm bảo quản bên trong chai rượu dường như đã phát huy hiệu quả đáng kinh ngạc.

Trong suốt nhiều năm, một cuộc tranh luận không có hồi kết giữa các nhà sử học đương đại và nhà nghiên cứu đã xảy ra, với chủ đề rằng họ có nên mở nắp chai rượu để kiểm tra thứ bên trong hay không.

Người phụ trách của Lịch sử Palatinate, ông Ludger Tekampe, từng cho biết: "Chúng tôi không chắc liệu thứ bên trong chai rượu có thể chịu được khi tiếp xúc với không khí hay không. Nó vẫn ở dạng lỏng và có một số người tin rằng nó cần được phân tích khoa học, nhưng chúng tôi không dám chắc".

Rượu vang có từ bao giờ?

Rượu vang có một lịch sử phong phú lên tới hàng ngàn năm, với việc sản xuất rượu vang sớm nhất cho đến nay được phát hiện đã xảy ra từ khoảng năm 6000 TCN ở Georgia, Mỹ. Loại rượu này cũng đã được sử dụng để chào mừng trong các dịp lễ hội lớn tại Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Về cơ bản, đây là một loại thức uống có cồn được lên men từ nho. Sự cân bằng hóa học tự nhiên cho phép nho được lên men bên trong chai không cần thêm các loại đường, axit, enzym, nước hoặc chất dinh dưỡng khác.

Men tiêu thụ đường trong nho và sau đó chuyển đổi chúng thành rượu, cùng carbon dioxide. Các dạng khác nhau của rượu vang chủ yếu được tạo thành từ những loại nho khác nhau và chủng nấm men khác nhau.

Tuy nhiên, những loại rượu vang nổi tiếng bên cạnh các phản ứng lên men, còn có sự can thiệp của con người trong quá trình tổng thể.