Bất ngờ với "công cụ" của khỉ rất giống với các đồ tạo tác của người cổ đại
(Dân trí) - Khỉ Capuchin (còn gọi là Khỉ mũ) trong Công viên quốc gia Serra da Capivara của Braxin đã làm nứt các mảnh đá và liếm các bụi đá bay ra. Trong quá trình này, chúng tạo ra các mảnh đá có tác dụng tương tự như công cụ cắt của người cổ đại.
Vào tháng Giêng vừa qua, nhà khảo cổ học Tomos Proffitt đã xem xét 1 bộ các đồ tạo tác bằng đá do đồng nghiệp của ông là Michael Haslam mang tới. 1 số các mảnh đá trong số đó nhìn giống như các công cụ bằng đá sắc nhọn mà người cổ đại ở Đông Phi tạo ra từ khoảng 2-3 triệu năm trước.
Tuy nhiên Haslam đã cho Proffitt biết rằng những đồ vật đó là do loài khỉ mũ ở Braxin tạo ra khoảng 2 năm trước. Profitt cho biết ông đã không thể tin được điều đó, vì ông đã làm nghiên cứu Tiến sĩ với những công cụ bằng đá của người cổ đại, và ông biết làm thế nào mới có thể tạo ra những thứ đó. Và những công cụ này trông giống như do con người làm ra.
Nhóm nghiên cứu do Proffitt và Haslam hướng dẫn đã mô tả lại các công cụ này trong 1 bài báo đăng ngày 19/10 trên tạp chí Nature, cả Proffitt và Haslam hiện đang công tác tại Đại học Oxford, Anh.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng khỉ Capuchin đã vô tình tạo ra các công cụ này khi làm vỡ các tảng đá. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, điều này làm dấy lên các nghi vấn về 1 số công cụ đã từng được cho là do người cổ đại chế tạo ra – bao gồm cả những công cụ lâu đời nhất theo ghi chép trên dữ liệu - từ khoảng 3,3 triệu năm trước do người Kenya tạo ra.
Nhà khảo cổ về các loài linh trưởng – Susana Carbalhho, tại Đại học Oxford cho biết “phát hiện này là một báo cáo mang tính bước ngoặt. Trên thực tế, những con khỉ mũ này đã vô tình tạo ra các thứ đồ mà được chúng ta gọi là công cụ bằng đá”
1 vài loài linh trưởng đã được quan sát trong khi chúng đang sử dụng các công cụ thô sơ. Khi nhà linh trưởng học Jane Goodall mô tả loài tinh tinh sử dụng gậy để thu thập mối, nhà nghiên cứu nổi tiếng Louis Leakey đã cho rằng “chúng ta cần phải định nghĩa lại về “công cụ” – do con người tạo ra – hoặc chúng ta sẽ chấp nhận rằng tinh tinh cũng giống như con người”.
Và khỉ mũ là 1 trong số các loài sử dụng công cụ thành thạo nhất trong thế giới động vật. Trong công viên quốc gia Serra da Capivara ở Braxin, loài khỉ mũ râu hoang dã (Sapajus libidinosus) đã sử dụng các mảnh đá để đập vỏ hạt, để đào hố và thậm chí là để thể hiện các hành vi giới tính.
Năm 2005, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã thấy các con khỉ mũ trong công viên này sử dụng các mảnh đá thạch anh theo 1 cách đặc biệt. Ngay cạnh 1 vách đá đã bị xói mòn, những con khỉ đã nhặt các mảnh đá thạch anh và đập nhiều lần vào các tảng đá khác, sau đó chúng đã liếm các bụi đá thu được. Proffitt đoán rằng thạch anh có thể cung cấp khoáng chất, cải thiện sức khỏe đường ruột hay đơn giản là hành động đó làm cho lưỡi của chúng có cảm giác dễ chịu. Ông cho biết các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa giải thích được lý do tại sao chúng lại liếm các bụi đá.
Các nghiên cứu trước đây về việc các con khỉ mũ liếm các bụi đá thạch anh đều xem xét kích thước và hình dạng của những viên đá lớn hơn bị vỡ. Profitt cho biết không ai thu thập các mảnh nhỏ hơn – cho đến khi Haslam làm điều đó.
Đối với Proffitt, rất nhiều trong số những mảnh đá này trông giống như những “mảnh” sắc nhọn ở Olduvai Gorge, Tanzania mà Leakey và vợ ông – Mary đã phục hồi từ những năm 1930. Những công cụ bằng đá “Oldowan” đó có niên đại khoảng 2,5 -1,7 triệu năm trước, chúng được cho là được tạo thành bằng cách đập 1 chiếc búa đá lên 1 cái đe, khiến cho các mảnh nhọn bị vỡ ra từ chiếc búa (Các vết cắt trên những mảnh xưởng tìm thấy ở gần đó đã cho thấy những người cổ đại đã sử dụng các mảnh đá đó để cắt thịt động vật).
Khoảng ½ trong số các mảnh đá do khỉ mũ tạo ra mang các đặc điểm nổi bật của công cụ bằng đá Oldowan. 1 bộ các mảnh đá dường như bị vỡ ra liên tục từ cùng 1 chiếc búa, Proffitt cho rằng “những thứ đó từng được cho là chỉ có con người có thể tạo ra”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng những con khỉ chỉ tạo ra các thứ đồ đó 1 cách tình cờ và “chúng không sử dụng các mảnh vỡ, chúng chỉ đập các cục đá vào nhau”.
Ông cũng cho rằng, sẽ không chính xác nếu quy kết rằng công cụ Oldowan chỉ do người cổ đại tạo ra chỉ vì những đồ đó được tìm thấy cùng với những thứ còn sót lại của người cổ đại và các bằng chứng khác liên hệ chúng với hành vi của con người. Các nhà khảo cổ học nên thận trọng khi phân bổ các dụng cụ đó cho người cổ đại trong khi thiếu mất 1 bằng chứng khác: các loài vượn hoặc khỉ cổ đại có những hành vi giống loài khỉ mũ và cũng có thể tạo ra những thứ đó.
Proffitt vẫn nghĩ rằng những đồ chế tác 3,3 triệu năm tuổi mới được tìm thấy ở khu vực Lomekwi, Kenya – vẫn được cho rằng những ví dụ cổ xưa nhất về việc chế tạo công cụ - là có liên quan đến loài người, nhưng Carvalho lại ít tin vào điều đó, bà cho rằng “các dụng cụ đó có thể do các loài khác tạo ra chứ không phải loài người? Về mặt kỹ thuật, với những bằng chứng từ loài khỉ mũ thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra”
Hélène Roche – một nhà khảo cổ học tại Đại học Paris-Nanterre – và là 1 thành viên trong nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các công cụ Lomekwi cho rằng không có nhầm lẫn nào về các đồ tạo tác cồng kềnh (trọng lượng khoảng 15kg) vì những thứ do loài khỉ mũ tạo ra nhẹ hơn nhiều. Bà cho rằng “các quan sát này rất tốt và rất quan trọng, nó cũng rất quan trọng đối với loài khỉ mũ”.
Nhà nghiên cứu về người nguyên thủy – Bernard Wood, công tác tại Đạihọc Washington, Washington DC cũng đồng ý rằng các công cụ của khỉ mũ rất giống với các đồ tạo tác của người cổ đại. Tuy nhiên, ông cũng không cho rằng các phát hiện này có ý nghĩa đối với ngành nghiên cứu về nhân loại cổ đại.
Anh Thư (Theo Nature)