1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự sống của con người

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Việt Nam trong khoảng từ 20 năm trở lại đây đã ghi nhận nhiều nỗ lực từ các tổ chức bảo tồn, và cả những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã.

Trong cách nói "rừng vàng biển bạc", Bác Hồ từng nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho thế hệ sau. Người nói: "Ta thường nói "rừng vàng biển bạc". Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý" (Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, ngày 31/8/1963).

Tuy nhiên, thực tế từ nạn chặt phá rừng đã khiến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt; nạn săn bắn trái phép, vô tội vạ đã khiến nhiều loài động vật "biến mất". Thậm chí trong những năm gần đây, đã sản sinh ra khái niệm "the empty forest - rừng trống" khi nói về những khu rừng ở Việt Nam.

Rừng trống

Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự sống của con người - 1

Vườn Quốc gia Cát tiên (Đồng Nai) là một trong những khu dự trữ sinh quyển và là di sản thiên nhiên hiếm hoi của Việt Nam còn sót lại hệ thực vật và động vật phong phú, đa dạng. 

Theo ông Phạm Văn Thông, Quản lý nghiên cứu dự án động vật hoang dã và bảo tồn loài tại Save Vietnam's Wildlife, Việt Nam vốn dĩ đứng top 16 thế giới về đa dạng sinh học, sinh cảnh.

Tuy nhiên khi bước vào những cánh rừng lớn, du khách sẽ không khỏi bàng hoàng khi không nghe thấy tiếng chim kêu, không thấy sự hoạt động của động vật hoang dã. Theo ông Thông, đây là một sự thật rất đáng buồn. "Chừng nào còn tiếng súng nổ, thì khó mà quan sát được loài động vật nào", ông chia sẻ.

Còn theo ông Tăng A Pẩu, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực chụp ảnh động vật hoang dã, nước ta từ lâu đã không còn loài thú ăn thịt nào sống trong tự nhiên, ở các khu rừng.

Còn đa số những loài động vật khác chỉ gói gọn trong từ một đến hai khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Có những khu rừng vốn dĩ rất nhiều động vật hoang dã, nhưng đến nay đa phần không còn một bóng loài thú nào, dẫn đến tuyệt giống.

Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự sống của con người - 2

Đàn bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên đang đối mặt với nạn săn bắn trái phép (Ảnh: Tăng A Pẩu).

Theo thống kê, trong vòng 50 năm qua, quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm đến 68%. Tại Việt Nam, nhiều loài động vật hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức… điển hình là Tê Tê, Chà vá Chân xám.

Ngoài ra, môi trường sống của loài động vật đặc biệt là độ che phủ rừng đang ngày càng bị thu hẹp do khai thác rừng quá mức ảnh hưởng đến tập tính sống tự nhiên của nhiều loài động vật.

"Ngày trước khi còn bé, chúng ta thường nghe các cụ kể chuyện động vật chạy quanh nhà, quanh đồi, rãnh nước... Nhưng đến nay chúng là cực kỳ hiếm. Nhiều bạn trẻ chưa từng nghe đến các loài như tê tê, rái cá, mèo rừng... vì chúng gần như biến mất trong tự nhiên", ông Thông chia sẻ.

Sự hồi sinh tại các cánh rừng ở Việt Nam

Tuy nhiên, Việt Nam trong khoảng từ 20 năm trở lại đây đã ghi nhận nhiều nỗ lực từ các tổ chức bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã, và cả những người có tầm ảnh hưởng.

Những hoạt động này bao gồm chống săn trộm, xử lý vi phạm, cũng như các chiến dịch tuyên truyền từ địa phương tới trung ương, từ làng quê tới thành thị. Từ đó, các tổ chức bảo tồn chung tay vận động xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các khung chính sách trong quản lý động vật hoang dã tại Việt Nam.

Đây được xem là một nỗ lực lớn lao, nhưng mới chỉ bước đầu đem lại kết quả nhỏ bé, khi một số quần thể động vật hoang dã có dấu hiệu "hồi sinh". Trong đó, có nhiều loài mang tính tiên phong trong việc tái tạo hệ sinh thái rừng như lợn rừng, cầy vằn, cầy gấm... đã bắt đầu sinh sống trở lại. Một bộ phận các loài động vật hoang dã đang được bảo vệ tốt, và phục hồi dần như voọc mũi hếch, chà vá, voi, tê tê, rùa hộp...

Theo ông Phạm Văn Thông, việc gìn giữ và duy trì những thành công ấy được xem là giá trị sống còn, vì "bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ sự sống của con người".