1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Báo động miệng núi lửa “cánh cổng vào địa ngục” ngày càng mở rộng

Trang Phạm

(Dân trí) - Băng vĩnh cửu của núi lửa được người dân địa phương gọi là “cánh cổng đến địa ngục” ở Siberia đang có xu hướng tan chảy khiến giới khoa học không khỏi lo ngại.

Báo động miệng núi lửa “cánh cổng vào địa ngục” ngày càng mở rộng - 1
Miệng núi lửa Batagaika cổ đại đang có xu hướng mở rộng do băng vĩnh cửu tan chảy.

Một miệng núi lửa rộng lớn ở vùng xa xôi tại Siberia có tên Batagaika đang có xu hướng ngày càng lớn hơn do băng vĩnh cửu tan chảy có thể hé lộ những khu rừng cổ, xác động vật và giải phóng bí mật về biến đổi khí hậu trong quá khứ.

Nằm cách thành phố Yakutsk khoảng 660km về phía đông bắc, miệng núi lửa Batagaika đang phát triển với một tốc độ đáng báo động. Các lớp băng vĩnh cửu được cho đã bị tác động bởi nạn phá rừng ngày càng trầm trọng.

Các cảm biến theo dõi sự phát triển của miệng núi lửa đang cảnh báo rằng nó đang di chuyển khoảng 20-30 mét mỗi năm khi băng tan chảy.

Bên dưới bề mặt, các loại khí và khoáng chất bị mắc kẹt dưới lớp băng trong hàng ngàn năm đột nhiên sẽ được phơi bày trở lại. Khí hậu ấm lên đang đẩy nhanh quá trình này.

Trước đó, một thị trấn phía đông bắc Siberia đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ ​​trước đến nay của Bắc Cực. Nhiệt độ cao đến 38 độ C ở khu vực đã được các nhà khí tượng học Nga ghi lại vào ngày 20 tháng 6 tại Verkhoyansk.

Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết sự phân bố băng không đồng đều của núi lửa Batagaika cho thấy khi nó mở rộng có hình dạng của một con cá đuối khổng lồ.

Giáo sư địa chất Julian Murton, Đại học Sussex, nói rằng vấn đề có thể bắt đầu từ những năm 1950 và 60. Khai thác khoáng sản và gỗ đã khiến bề mặt bị xói mòn.

Sự tan băng của núi lửa này đang khiến các nhà khoa học lo lắng vì khi băng tan và biến thành nước, hiện tượng này sẽ giải phóng khí carbon dioxide và khí mê-tan trước đó vào khí quyển, tiếp tục đẩy nhanh sự thay đổi khí hậu.

"Điều gây chú ý với Batagaika đó là mặc dù nó đã tồn tại qua nhiều giai đoạn ấm lên trong quá khứ, nơi sự nóng lên là điều tự nhiên nhưng trong 50 hoặc 60 năm qua, sự xáo trộn của con người đã làm mất ổn định vùng băng vĩnh cửu cổ đại này”, giáo sư địa chất Julian Murton nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được tuổi của núi lửa cổ đại này lên đến 65.000 năm nhờ nghiên cứu các lớp dưới cùng của lớp băng vĩnh cửu. Nghiên cứu Batagaika có thể giúp các nhà khoa học hiểu được mối liên hệ giữa con người và động vật, thảm thực vật và môi trường trong quá khứ.