1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bánh kẹo "hậu Tết": Mối đe dọa tiềm ẩn cho sức khỏe và môi trường

Minh Khôi

(Dân trí) - Lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là một cuộc khủng hoảng về môi trường và ý thức của mỗi người tiêu dùng.

Chén trà, khay mứt, đĩa bánh kẹo mời khách mỗi dịp Tết đến đã là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt. Chúng không chỉ là biểu tượng của sự ngọt ngào, sum vầy mà còn là phương tiện giao tiếp, thể hiện tình cảm, sự trân trọng trong các mối quan hệ.

Tuy nhiên, khi Tết qua, những gói mứt, bánh kẹo thừa, không còn giá trị sử dụng, lại vô tình trở thành gánh nặng cho sức khỏe và môi trường.

Lãng phí thực phẩm

Bánh kẹo hậu Tết: Mối đe dọa tiềm ẩn cho sức khỏe và môi trường - 1

Bãi rác ngập bánh kẹo còn nguyên bao bì ở huyện Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh: Hồng Anh).

Như Dân trí đã đưa tin, nhiều ngày nay, tại bãi rác tự phát gần đường tàu thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, số lượng lớn bánh kẹo, đồ ăn nhanh được đổ thành đống dù còn được đựng trong thùng hoặc các bao nilon.

Tại đây, tình trạng rác thải lẫn bánh, kẹo tràn ra đường, ảnh hưởng tới giao thông. Nhiều gói kẹo, bánh bị bung ra xen lẫn với rác thải sinh hoạt bốc mùi hôi thối, kéo theo ruồi nhặng ở khắp nơi đổ về.

Bên cạnh đó còn có các loại đồ ăn nhanh như chân gà, đùi gà, xúc xích, khoai tây sấy... hay những loại kẹo được trẻ em ưa thích.

Không chỉ ở Việt Nam, lãng phí thực phẩm đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), có tới khoảng 1/3 lượng thực phẩm sản xuất trên thế giới bị lãng phí mỗi năm, tương đương với 1,3 tỷ tấn.

Phần lớn trong số này đến từ sự thiếu ý thức từ người tiêu dùng, khi chúng ta mua quá nhiều thực phẩm nhưng lại không tiêu thụ hết, dẫn đến việc thực phẩm bị hỏng và phải vứt bỏ.

Một phần khác của rác thải thực phẩm đến từ các siêu thị và nhà sản xuất, khi họ loại bỏ thực phẩm ngay cả khi chúng vẫn còn sử dụng được do quy định về hạn sử dụng in trên bao bì.

Hệ quả, những thực phẩm bị bỏ lại này được chuyển tới các bãi rác, góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

Tác động tiềm ẩn tới sức khỏe, môi trường

Bánh kẹo hậu Tết: Mối đe dọa tiềm ẩn cho sức khỏe và môi trường - 2

Thực phẩm phân hủy tại các bãi rác tạo ra mối đe dọa lớn cho sức khỏe và môi trường (Ảnh minh họa).

Thực phẩm phân hủy tại các bãi rác tạo ra một lượng lớn khí methane (CH4), một loại khí nhà kính có tác động mạnh gấp 25 lần so với carbon dioxide (CO2).

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), phát thải khí methane từ các bãi rác là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ngoài ra, lãng phí thực phẩm cũng gây áp lực lên tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, để sản xuất thực phẩm, cần sử dụng một lượng lớn nước, đất và năng lượng.

FAO ước tính rằng lượng nước tiêu tốn để sản xuất số thực phẩm bị lãng phí mỗi năm đủ để cung cấp nước uống cho hàng tỷ người trên thế giới.

Không chỉ rác thực phẩm, mà cả những bao bì đóng gói đi kèm với chúng cũng sẵn sàng trở thành một mối lo tiềm ẩn.

Được biết, thực phẩm bị bỏ lại thường đi kèm với bao bì nhựa, túi nilon, và một số thành phần có thể gây nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Dưới ảnh hưởng của thời tiết và tác động môi trường, các vỏ nilon, hộp nhựa phân hủy tạo ra vi nhựa xâm nhập vào đất, nguồn nước.

Nhiều nghiên cứu cho thấy vi nhựa từ rác thải nhựa khi xâm nhập vào đất và nước sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, động vật và con người. Vi nhựa đi vào chuỗi thức ăn, gây nguy hiểm cho sức khỏe khi tích tụ trong cơ thể con người qua đồ ăn.

Theo GS Seth Marder, hành tinh của chúng ta đang tồn tại khoảng 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa.

Con số này tương đương với khối lượng của 1 tỷ con voi châu Phi và nặng hơn khối lượng của tất cả mọi người trên trái đất cộng lại. Trong khi đó, chỉ có xấp xỉ 9% rác thải nhựa có thể tái chế để tái sử dụng.