Bằng chứng mới về "lục địa thứ 8" thất lạc của Trái đất

Phép đo dựa trên một dải đất thuộc "lục địa thứ 8" Zealandia cho thấy nó cổ xưa hơn gấp đôi so với suy nghĩ trước đây, hình thành cùng lúc với các lục địa đang hiện hữu.

Theo Science Alert, nhóm chuyên gia địa chất từ GNS Science của New Zealand đã tìm ra bằng chứng mới để chứng minh cấu trúc đáng kinh ngạc mà họ tìm thấy vài năm trước thật sự là một lục địa.

Bằng chứng mới về lục địa thứ 8 thất lạc của Trái đất - 1

"Lục địa thứ 8" của Trái Đất - Ảnh: NOAA

Zealandia, được các nhà khoa học New Zealand phát hiện và khẳng định là lục địa thứ 8 đã bị chìm của Trái Đất, bấy lâu vẫn gây tranh cãi trong giới khoa học. Trở ngại lớn nhất chính là các mẫu vỏ và đá lâu đời nhất được khai quật ở Zealandia chỉ mới 500 triệu năm tuổi, trong khi tất cả các lục địa khác đều chứa lớp vỏ 1 tỉ năm tuổi trở lên.

Nhưng tiến sĩ Nick Mortimer và các cộng sự từ GNS Science đã tìm ra được bằng chứng mới mang tính quyết định. Họ đã xem xét 169 khối đá granite được lấy lên từ dải đất bên dưới quần đảo Nam và Stewart của New Zealand. Đây là loại đá hình thành khi magma kết tinh sâu trong vỏ Trái Đất. Bằng cách chiết xuất các tinh thể cực nhỏ từ các tảng đá này, họ đã tính được tuổi của các tinh thể, cũng là tuổi của phần vỏ lục địa ở địa điểm đó.

Theo Insider, kết quả cho thấy lục địa thứ 8 này đã được hình thành từ 900 triệu đến 1,3 tỉ năm trước, và là một phần của siêu lục địa cổ đại tên Rodinia. Nói cách khác, tuổi đời của nó xưa gấp đôi suy nghĩ trước đây và có tuổi ngang ngửa với các lục địa khác trên thế giới, với nguồn gốc tương tự.

Hiện các nhà khoa học đang nỗ lực lập bản đồ lục địa thứ 8 và hoàn tất các thủ tục cần thiết để nó được công nhận rõ ràng là một lục địa, lục địa "mỏng nhất, chìm sâu nhất và nhỏ nhất", theo cách nói của tiến sĩ Mortimer.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm