Bàn tay giả in 3D giá 15 USD
Với một máy in 3D và khoảng 15 USD, Ryan Bouricious, sinh viên năm cuối chuyên ngành vật lí, Đại học Ithaca, New York, đã tạo ra một bàn tay giả có thể dùng để cầm, viết và thậm chí là bắt bóng.
Bàn tay giả này được thiết kế cho người vẫn có khả năng cử động cổ tay. Bằng cách cử động cổ tay, họ có thể kiểm soát và sử dụng các ngón của bàn tay giả để cầm và giữ nhiều vật khác nhau.
Bàn tay giả này được thiết kế cho người vẫn có khả năng cử động cổ tay. Bằng cách cử động cổ tay, họ có thể kiểm soát và sử dụng các ngón của bàn tay giả để cầm và giữ nhiều vật khác nhau.
Bouricius, với tư cách một trợ giảng điều hành phòng thí nghiệm in 3D của Đại học Ithaca, bắt đầu quan tâm đến việc tạo ra những bộ phận giả của cơ thể sau khi xem qua một video về quá trình in và lắp ráp những bàn tay giả với chi phí thấp. Sau khi tìm được những thiết kế miễn phí trên mạng, anh in ra từng phần và ráp lại thành bàn tay hoàn chỉnh trong một ngày.
Thông qua thử nghiệm và cải tiến, Bouricious đã tạo ra những thay đổi so với thiết kế ban đầu, giúp cho bàn tay giả có nhiều chức năng hơn. Chẳng hạn, anh đã thay đổi hướng của ngón cái vốn ban đầu vuông góc với các ngón còn lại, để nó có thể cầm được nhiều loại đồ vật hơn, từ bút đánh dấu đến cốc cà phê. Theo Giáo sư vật lí Michael 'Bodhi' Rogers, người quản lí phòng thí nghiệm in 3D và theo dõi quá trình Boricius hoàn thiện bàn tay giả, bàn tay giả in 3D có nhiều ưu điểm so với bàn giả bằng điện tử.
“Có nhiều người đang nghiên cứu chế tạo những bàn tay điện tử, nhưng chúng vô cùng đắt đỏ, không dễ sửa chữa, và nhiều cái không bán”, Rogers nói. Còn Bouricius cho biết, “Điều thú vị về in 3D là giá cả chỉ phụ thuộc vào lượng nhựa được sử dụng, chứ không phụ thuộc vào độ phức tạp của các bộ phận cấu thành. Vì vậy các bộ phận cấu thành dù có thay đổi sang những hình dạng phức tạp hơn, nhưng vì nó dùng cùng một lượng plastic, nên giá của nó vẫn không đổi”.
Điều này đặc biệt quan trọng với những gia đình có con em sử dụng các bộ phận giả. Vì trẻ em lớn rất nhanh, nên chi phí của những bộ phận giả theo thời gian cũng ngày càng đắt lên đáng kể. Tuy nhiên, với công nghệ in 3D, mô hình của Bouricius có thể được in lại ở kích cỡ lớn hơn với chi phí hết sức phải chăng.
Bouricius đang hợp tác với eNABLE, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tìm những người có nhu cầu sử dụng những bộ phận cơ thể giả in 3D. Tổ chức này chỉ giới thiệu người có nhu cầu với Bouricius, những việc còn lại anh sẽ làm nốt, theo Bouricius.
Nhưng gần đây, anh bắt đầu cộng tác thêm với những giảng viên có chuyên môn và kinh nghiệm về các bộ phận giả. Khi eNABLE tìm được một người muốn nhận bàn tay giả, họ sẽ hỗ trợ anh chỉnh sửa lần cuối để bộ phận giả vừa vặn hoàn hảo và tạo cảm giác thoải mái nhất cho người sử dụng trong thời gian dài.
Theo Tiasang