7 sứ mệnh chinh phục không gian đáng chú ý trong năm 2024
(Dân trí) - Từ cực nam của Mặt Trăng đến thế giới đại dương phủ đầy băng của vũ trụ: Đây sẽ là những điểm đến của nhân loại trong năm 2024 với hàng loạt sứ mệnh không gian táo bạo được triển khai.
Phóng tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên lên Mặt Trăng
Công ty Astrobotic có trụ sở tại Pittsburgh (Mỹ) đang chuẩn bị những bước cuối cùng để phóng tàu vũ trụ Mặt Trăng vào hôm nay (8/1) dưới sự hợp tác chặt chẽ với NASA.
Sứ mệnh mang tên Peregrine Mission One cũng đánh dấu lần phóng đầu tiên của tên lửa Vulcan Centaur do công ty United Launch Alliance (ULA) chế tạo. Dự kiến, tên lửa Vulcan cùng tàu vũ trụ Peregrine sẽ được khởi động tại Trạm không quân Mũi Canaveral, Florida (Mỹ) vào lúc 14:18 chiều 8/1.
Nếu thành công, đây sẽ là sứ mệnh hạ cánh lên Mặt Trăng đầu tiên do một công ty tư nhân thực hiện. Nó cũng đánh dấu lần hạ cánh đầu tiên của Mỹ lên vệ tinh Trái Đất kể từ sứ mệnh Apollo 17 của NASA năm 1972.
Khám phá mặt trăng của Sao Mộc
Vào tháng 10, NASA sẽ phóng tàu thăm dò Europa Clipper, hướng đến Europa - một trong những mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc.
Europa nhỏ hơn Mặt Trăng của Trái Đất một chút, với bề mặt được bao phủ bởi lớp băng giá. Các nhà khoa học cho rằng bên dưới lớp vỏ băng, Europa có khả năng chứa một đại dương nước mặn, với trữ lượng nước nhiều gấp đôi so với tất cả các đại dương trên Trái Đất cộng lại.
Với Europa Clipper, nhân loại có cơ hội để điều tra xem liệu đại dương của Europa có thể là môi trường sống thích hợp cho sự sống ngoài Trái Đất hay không
Nhiệm vụ này được giới chuyên môn cho rằng sẽ làm thay đổi cuộc chơi và kiến thức của chúng ta về vũ trụ, cũng như giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các thế giới đại dương như Europa.
Sứ mệnh Artemis 2 đưa con người quay trở lại Mặt Trăng
Lần gần nhất con người đặt chân lên Mặt Trăng đã vào năm 1972. Giờ đây, với sứ mệnh Artemis, các phi hành gia của NASA sẽ có cơ hội quay lại "mảnh đất cũ", trước khi tiếp tục tới những chuyến đi xa hơn, như tới Sao Hỏa.
Artemis 2 là bước đầu tiên của phi hành đoàn trong kế hoạch này, với việc 4 phi hành gia sẽ bay tới Mặt Trăng trong sứ mệnh kéo dài 10 ngày, rồi quay trở lại Trái Đất. NASA cho biết nếu không có gì thay đổi, kế hoạch dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 11.
Với sự góp mặt của phi hành đoàn trên cabin, Artemis 2 sẽ giúp NASA đánh giá chuẩn xác các hệ thống lấy con người làm trung tâm của tàu Orion, như hỗ trợ sự sống, thông tin liên lạc và điều khiển.
Nhìn chung, toàn bộ sứ mệnh Artemis 2 sẽ chỉ đóng vai trò như bài test ở cấp độ cao dành cho tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion. Nếu thành công, đây là bước chạy đà hoàn hảo cho sứ mệnh Artemis 3 - cũng chính là sứ mệnh có người lái đầu tiên hạ cánh xuống Mặt Trăng kể từ sứ mệnh Apollo.
Khám phá cực nam Mặt Trăng
Cực nam của Mặt Trăng hiện đang là điểm đến hấp dẫn của các sứ mệnh ngoài không gian, vì khu vực này được cho là có tồn tại một trữ lượng nước lớn dưới dạng băng lỏng dưới lòng đất.
VIPER, một robot có kích thước bằng chiếc xe golf, sẽ được NASA phóng lên Mặt Trăng để bắt đầu sứ mệnh khám phá khu vực này vào cuối năm 2024.
Mục tiêu của sứ mệnh là tìm kiếm các phân tử dễ bay hơi như nước và carbon dioxide, ở nhiệt độ Mặt Trăng. Theo lý giải, những vật chất này có thể cung cấp nguồn tài nguyên quý giá cho hoạt động khám phá Mặt Trăng của nhân loại trong tương lai.
Robot VIPER sẽ hoạt động độc lập dựa vào pin Mặt Trời, ống dẫn nhiệt và bộ tản nhiệt trong suốt hành trình kéo dài 100 ngày của mình. Thử thách lớn nhất mà robot sẽ phải đương đầu là nhiệt độ, khi mức nhiệt trên Mặt Trăng thường dao động từ 107⁰C vào ban ngày tới -240⁰C vào ban đêm.
Nhật Bản và sứ mệnh lịch sử
Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành quốc gia thứ 5 hạ cánh tàu vũ trụ lên bề mặt Mặt Trăng trong tháng 1, từ đó tiếp bước Ấn Độ với sứ mệnh Chandrayaan-3 lịch sử được thực hiện vào tháng 8/2023.
Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đang triển khai một sứ mệnh hướng tới các mặt trăng Phobos và Deimos của Sao Hỏa, dự kiến phóng vào tháng 9.
Mục tiêu khoa học chính của sứ mệnh là xác định nguồn gốc hình thành nên các mặt trăng của Sao Hỏa, xem chúng có phải do các tiểu hành tinh trước đây được Sao Hỏa đưa vào quỹ đạo bằng lực hấp dẫn, hay từ các mảnh vụn đã có trên quỹ đạo quanh Sao Hỏa.
Tàu vũ trụ sẽ dành 3 năm quay quanh Sao Hỏa để tiến hành các hoạt động quan sát Phobos và Deimos. Tàu cũng sẽ đáp xuống bề mặt của Phobos và thu thập mẫu đất đá trước khi quay trở lại Trái Đất vào năm 2027.
Ghé thăm tiểu hành tinh từng bị con người "bắn phá"
Hera là tên sứ mệnh do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) triển khai nhằm quay trở lại hệ tiểu hành tinh Didymos-Dimorphos. Đây là tiểu hành tinh từng bị công kích bởi tên lửa do sứ mệnh DART của NASA thực hiện vào năm 2022.
Tại thời điểm ấy, tên lửa DART đã đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos với lực mạnh đến mức làm nó thay đổi quỹ đạo di chuyển.
Sứ mệnh Hera được triển khai vào tháng 10, dự kiến sẽ chạm đến Didymos và Dimorphos vào cuối năm 2026. Tại đây, tàu vũ trụ sẽ nghiên cứu các đặc tính vật lý của tiểu hành tinh sau khi bị ảnh hưởng bởi va chạm.
Trung Quốc thực hiện hàng loạt sứ mệnh bay vào vũ trụ
Văn phòng Nghiên cứu Không gian có người lái của Trung Quốc (CMSEO) cho biết trong năm 2024, nước này sẽ thực hiện 4 sứ mệnh đưa tàu vũ trụ chở hàng và chở người vào không gian.
Cụ thể, đó là các tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 7 (Tianzhou-7), tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 18 (Shenzhou-18), tàu chở hàng Thiên Châu 8 (Tianzhou-8), tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 19 (Shenzhou-19).
Được biết, Trung Quốc đang đẩy mạnh các kế hoạch chinh phục vũ trụ. Theo đó, nước này đặt mục tiêu đưa một phi hành đoàn lên Mặt Trăng vào năm 2030 và tiếp đó xây dựng một căn cứ trên bề mặt Mặt Trăng.