7 bí mật của kính viễn vọng không gian James Webb
(Dân trí) - Kính viễn vọng không gian James Webb là một điều kỳ diệu của thế giới hiện đại.
Webb mạnh hơn Hubble, một kính viễn vọng khác cũng rất hiện đại, những sáu lần
Với nhiệm vụ lớn lao được NASA và các cơ quan nghiên cứu khác kỳ vọng mang lại những kết quả quan sát chất lượng nhất, Webb phải được thiết kế sao cho cực kỳ vượt trội, nhưng chắc bạn cũng khó tưởng tượng nó mạnh hơn Hubble những sáu lần.
Đó không hẳn là điều bí mật mà NASA muốn giữ kín, nhưng nếu bạn chưa theo dõi quá trình xây dựng và phóng thành công đài thiên văn này, chắc bạn không thể nhận ra sức mạnh của nó.
Webb nhẹ hơn Hubble
Không phải cứ mạnh hơn thì phải nặng hơn. Khi được phóng vào không gian, Hubble nặng 11.100 kg còn Webb nặng 6.500 kg. Đó là chưa kể trọng lượng bổ sung của Hubble trong quá trình nâng cấp suốt những năm qua.
Nghe có vẻ không có gì ghê gớm, nhưng bí mật này của Webb cho thấy công nghệ đã tiến xa đến mức nào qua việc các kỹ sư có thể tạo ra vật liệu nhẹ hơn cho kính viễn vọng này.
Webb có thể nhìn ngược thời gian về điểm khởi đầu của vũ trụ
Kể từ khi được đưa lên vị trí L2 trong không gian, James Webb đã cho chúng ta thấy một số hình ảnh kỳ thú. Không chỉ có vậy, kính viễn vọng này còn có thể nhìn ngược thời gian về những ngày đầu vũ trụ hình thành.
Tất nhiên, đó là một nhiệm vụ quan trọng mà các nhà khoa học dành cho Webb ngay từ khi thiết kế nó. Đến nay, nó đã giúp chúng ta thu thập được một kho dữ liệu để hiểu rõ hơn về sự hình thành của các thiên hà trong thời kỳ sơ khai của vũ trụ.
Đây là kính viễn vọng không gian lạnh nhất từng được chế tạo
Không gian ngoài vũ trụ thường được cho là lạnh lẽo, nhưng rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để đảm bảo một con tàu vũ trụ như Webb không bị quá nóng khi nó quay quanh Mặt Trời và thực hiện nhiệm vụ quan sát ngoài không gian. Theo thiết kế, nó có thể tự hạ nhiệt xuống khoảng gần 7 độ K (tương đương -266 độ C), khiến nó trở thành kính viễn vọng không gian lạnh nhất mà con người từng chế tạo cho đến nay.
Điều đó đảm bảo cho lõi phần cứng của đài thiên văn này không bao giờ bị quá nóng, nhờ đó nó có thể hoạt động được lâu dài như kế hoạch của NASA.
Webb sẽ hết nhiên liệu
Rồi sẽ đến lúc kính viễn vọng này cạn nhiên liệu. Hiện tại, James Webb được cung cấp một lượng nhiên liệu hữu hạn dùng để điều hướng đi hoặc tự định hướng đến mục tiêu tiềm năng. Tuy nhiên, khi nguồn nhiên liệu đó cạn kiệt, Webb không còn cách nào khác mà sẽ trở thành đống rác quay quanh Mặt Trời.
Nó sẽ không bao giờ trở về Trái Đất
Một trong những điều có thể bạn chưa biết về James Webb là nó sẽ không quay về Trái Đất. Đoạn video về kính viễn vọng này sau khi nó được phóng đi là hình ảnh cuối cùng con người nhìn thấy nó từ Trái Đất. Trong khi Hubble, bay ở quỹ đạo thấp quanh Trái Đất, sẽ trở lại hành tinh của chúng ta, thì Webb sẽ vẫn bay trong không gian kể cả sau khi chết.
Điều này nghe thật đáng buồn, vì một thiết bị công nghệ quan trọng như vậy rồi cũng trở thành rác trôi nổi trong vũ trụ, nhưng thực sự không có cách nào khác tốt hơn để xử lý nó.
Tuy vậy, các nhà khoa học hy vọng nó vẫn có thêm khoảng 5 - 10 năm hoạt động sau khi hết thời gian vận hành theo thiết kế, với hy vọng chừng đó thời gian đủ để chúng ta đưa một thiết bị khác lên thay thế nó.