42.000 năm trước, từ trường Trái Đất đột ngột thay đổi làm đảo lộn thế giới

Phạm Hường

(Dân trí) - Các cực từ của Trái Đất đảo ngược cùng với những biến đổi trong hoạt động của Mặt Trời trong một vài thế kỷ cách đây 42.000 năm chính là thời điểm tận thế của Trái Đất.

Đây chính là lần đảo ngược địa từ gần nhất với thời đại ngày nay và đã gây ra hàng loạt sự kiện cực đoan với những hậu quả sâu rộng cho hành tinh chúng ta.

42.000 năm trước, từ trường Trái Đất đột ngột thay đổi làm đảo lộn thế giới - 1

Tình trạng khi đó không khác gì một bộ phim kinh dị: tầng ozon bị phá hủy, các cơn bão điện hoành hành khắp vùng nhiệt đới, gió mặt trời tạo ra các màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục (cực quang), không khí Bắc Cực tràn qua Bắc Mỹ, các tảng băng và sông băng dâng cao và các mô hình thời tiết thay đổi dữ dội.

Mọi dạng sự sống trên Trái Đất tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng cực tím vô cùng mạnh, người Neanderthal và những loài vật khổng lồ đã bị tuyệt chủng, còn người hiện đại thì sống sót nhờ biết tìm chỗ ẩn náu trong các hang động.

Cực Bắc từ, là phía mà kim la bàn hướng về, không có vị trí cố định mà thường dao động gần cực Bắc địa lý do các chuyển động trong lõi Trái Đất. Vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa ai hiểu rõ hoàn toàn, các chuyển động của cực từ đôi khi trở nên rất mạnh, khiến cực từ dời đi rất xa.

Một trong những lần như thế đã xảy ra cách đây khoảng 42.000 năm, và được đặt tên là Chuyến tham quan Laschamp, theo tên của ngôi làng mà cực từ di chuyển đến ở vùng Trung Massif, Pháp. Sự kiện dịch chuyển cực từ này đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động trên Trái Đất.

Những loài cây cổ đại

Để biết được điều gì đã xảy ra khi đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích những cây kauri cổ ở New Zealand vốn được bảo tồn trong những đầm than bùn và các lớp trầm tích khác suốt hơn 40.000 năm qua.

Nhờ các vòng phát triển của thân cây, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được một bản đồ thời gian sự biến đổi của khí quyển Trái Đất vào thời kỳ đó. Mức carbon phóng xạ trong khí quyển tăng đột biến trong một thời gian dài do từ trường Trái Đất bị phá vỡ khi hai cực đổi vị trí.

42.000 năm trước, từ trường Trái Đất đột ngột thay đổi làm đảo lộn thế giới - 2

Một khúc gỗ cây kauri cổ thụ ở Ngāwhā, New Zealand.

Nhờ có bản đồ thời gian này, các nhà nghiên cứu có thể chứng minh rằng các vành đai mưa nhiệt đới Thái Bình Dương và gió Tây Nam Đại Dương đột ngột thay đổi cùng một lúc, gây ra tình trạng khô cằn ở Úc khiến cho các loài động vật lớn, trong đó có kangaroo khổng lồ và gấu túi khổng lồ, bị tuyệt chủng.

Xa hơn về phía Bắc, dải băng Laurentide rộng lớn ngày càng phát triển nhanh chóng ra khắp đông Mỹ và Canada, còn ở châu Âu thì người Neanderthal rơi vào tình trạng tuyệt chủng.

Lập mô hình khí hậu

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chương trình máy tính để mô phỏng những biến đổi và tác động qua lại trên toàn cầu cả về mặt hóa học và khí hậu và tìm hiểu tác động của từ trường yếu hơn cùng với những biến đổi trong hoạt động của Mặt Trời ảnh hưởng đến Trái Đất.

Điều quan trọng là trong thời gian cực từ dịch chuyển, cường độ từ trường giảm xuống chỉ còn chưa đến 6% so với ngày nay. Nếu có một chiếc la bàn vào thời đó thì hẳn là nó cũng vô cùng vất vả để tìm ra đâu là phương Bắc.

Về cơ bản, khi không có từ trường, hành tinh của chúng ta mất đi tấm lá chắn vô cùng hữu hiệu chống lại bức xạ vũ trụ, và càng có thêm nhiều các loại hạt xuyên qua được không gian và tác động đến lớp ngoài cùng của khí quyển Trái Đất.

Quan trọng hơn cả là Mặt Trời khi đó trải qua một số đợt "cực tiểu mặt trời" là khi hoạt động của Mặt Trời giảm sút rất nhiều đồng thời cũng rất bất ổn định, do đó nó cũng phát ra vô số những cơn bão mặt trời cực mạnh mang theo càng nhiều tia vũ trụ ion hóa cực mạnh đến Trái Đất.

Các mô hình nghiên cứu cho thấy sự kết hợp của các yếu tố này đã gây ra một hậu quả vô cùng lớn. Các tia vũ trụ năng lượng cao từ thiên hà và vô số vụ nổ khổng lồ của các tia vũ trụ từ các cơn bão mặt trời đã xuyên qua lớp khí quyển trên cùng, tích điện cho các hạt trong không khí và gây ra những biến đổi hóa học làm mất ozon tầng bình lưu.

Các phép mô phỏng này hoàn toàn phù hợp với những biến đổi môi trường đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu khác về khí hậu tự nhiên và biến đổi môi trường trong lịch sử. Những điều kiện tự nhiên khi đó cũng gây ra hiện tượng cực quang trên khắp thế giới, đêm cũng sáng không kém gì ban ngày.

Theo các nhà nghiên cứu, người cổ đại khi đó đã cảm nhận được tác hại của những biến đổi dữ dội đó cùng với mức UV cao chưa từng thấy nên đã tìm cách trú ẩn trong các hang động. Điều này giải thích cho sự có mặt của nhiều hình vẽ trong vô số hang động trên khắp thế giới được xác định có tuổi đời khoảng 42.000 năm. Tình hình khi đó giống như ngày tận thế.

Sự kiện Adams

Do có sự trùng hợp giữa các sự kiện vũ trụ vô cùng hiếm hoi và những biến đổi môi trường cực lớn vào khoảng 42.000 năm trước, người ta đặt tên cho thời kỳ này là "sự kiện Adams" như một cách tưởng nhớ nhà văn khoa học viễn tưởng vĩ đại Douglas Adams, người đã viết cuốn tiểu thuyết "Bí quyết quá giang vào Ngân Hà" và xác định con số "42" là câu trả lời cho sự sống, vũ trụ và toàn bộ mọi vật. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm