1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

1,2 triệu năm trước: loài người đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

(Dân trí) - Có một thảm họa xảy ra cách đây khoảng 1 triệu năm với sức hủy diệt ít nhất cũng bằng núi lửa Toba phun trào và gần như đã tiêu diệt hết loài người.

Các nhà khoa học cho rằng trong thời gian 1 triệu năm bắt đầu từ cách đây 1,2 triệu năm, khi tổ tiên chúng ta đang trong quá trình di cư từ châu Phi sang châu Âu và châu Á, có khoảng từ 18.500 đến 26.000 cá thể có khả năng sinh sản (và không thể hơn 26.000). Tổng dân số khi đó khoảng 55.500 người. Con số này cho thấy con người cũng là loài bị đe dọa như khỉ đột (25.000 con) và tinh tinh (21.000 con) ngày nay. 

Từ hai bộ gen người, các nhà di truyền học đã tính ra được kích thước cơ thể loài người cổ đại là tổ tiên của tất cả các chủng người ngày nay.

Về mặt sinh học, con người khi đó không phải là loài thành công lắm. Dân số loài người khi đó không đạt đến mức cao cho đến khi con người biết làm nông nghiệp.

Năm 2011, các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải thích, như là những sự kiện làm chết rất nhiều người hoặc khiến cho loài người không thể sinh sản. Một trong những sự kiện đó là sự kiện siêu núi lửa Toba ở Indonesia phun trào vào khoảng 70.000 năm trước đã gây ra một mùa đông hạt nhân (mùa đông hạt nhân là kết quả giả định của quá trình làm mát khí hậu toàn cầu trầm trọng và kéo dài xảy ra sau những đợt bão lửa lan rộng). Chỉ có khoảng 15.000 người sống sót sau thảm họa đó mặc dù một nghiên cứu mới đây cho rằng núi lửa Toba phun trào không hề đe dọa sự tồn tại của loài người. Một cách giải thích khác là số lượng người thời đó lúc nào cũng ít trong suốt 2 triệu năm, có những thời điểm chỉ còn 10.000 cá thể có khả năng sinh sản là sống được.

1,2 triệu năm trước: loài người đứng trước nguy cơ tuyệt chủng - 1

Nghiên cứu này quan tâm đến toàn bộ hệ gen chứ không chỉ một số giống loài di truyền cụ thể đã được nghiên cứu trước đây. Bằng một phương pháp mới, các nhà khoa học đã nghiên cứu các dấu hiệu di truyền DNA trong bộ gen. Nhờ đó họ tìm hiểu được đặc điểm di truyền không chỉ của người hiện đại mà còn của tổ tiên chúng ta ví  dụ như Homo erectus, Homo ergaster và Homo archaic. Họ phát hiện ra rằng chỉ có 2 chuỗi DNA người là có đủ thông tin để tính được quy mô dân số cổ đại.

Nhà di truyền học loài người, ông Lynn B. Jorde cùng các đồng nghiệp ở Trường đại học Utah, Mỹ, đã nghiên cứu các phần của bộ gen mang những thành phần di động gọi là chuỗi Alu. Đây là những đoạn DNA dài khoảng 300 cặp cơ bản ngẫu nhiên xen vào bộ gen. Việc này rất hiếm xảy ra, nhưng một khi đã xen vào, chúng có xu hướng di truyền qua nhiều thế hệ và trở thành những dấu hiệu di truyền của bộ gen cổ đại.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Jorde tính ra rằng đa dạng gen xảy ra nhiều hơn vào thời tổ tiên của chúng ta hơn là thời của người hiện đại. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng đã có một thảm họa xảy ra cách đây khoảng 1 triệu năm với sức hủy diệt ít nhất cũng bằng núi lửa Toba phun trào và gần như đã tiêu diệt hết loài người.

Một triệu năm về trước, đại diện cho dân số loài người là loài Homo ergaster ở châu Phi và Homo erectus ở Đông Á. Chỉ có 18.500 người vào thời đó, sống rải rác khắp thế giới thì quả là một con số nhỏ bất thường.

Nhưng con số ước tính này chỉ áp dụng cho toàn bộ dân số thế giới nếu có sự giao phối cận huyết giữa các giống người ở các lục địa khác nhau. Nếu không, và nếu loài người hiện đại chỉ là hậu duệ của một trong số những nhóm người cổ đại này, như là nhóm Homo ergaster ở châu Phi chẳng hạn, thì phép tính này chỉ đúng với nhóm người này mà thôi.

Phạm Hường 

Theo Daily Galaxy