1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Xây trường cho trẻ mồ côi: Trẻ học cùng 100 bạn cũng mồ côi như mình?

(Dân trí) - Trưởng thành trong môi trường "cộng đồng trẻ mồ côi", trẻ thường gặp các vấn đề lâu dài về phát triển cảm xúc, nhận thức. Để trẻ hòa nhập tốt hơn so với việc học cùng 100 bạn cũng mồ côi giống mình...

Trẻ mồ côi vì Covid-19 là thảm cảnh đau thương, hậu quả để lại dài lâu của dịch bệnh. Chỉ riêng tại TPHCM đã có trên 1.500 học sinh phổ thông mồ côi vì Covid-19. Con số này chỉ mới tính đến ngày 11/9 và chưa thống kê với trẻ dưới 6 tuổi. 

Xây trường cho trẻ mồ côi: Trẻ học cùng 100 bạn cũng mồ côi như mình? - 1

Một học trò ở TPHCM mồ côi mẹ vì Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Quang).

Trước nỗi mất mát quá lớn của các em, một số tổ chức đã lập tức lên kế hoạch xây dựng trường cho trẻ mồ côi do Covid-19. Các ý tưởng này thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đồng thời đặt ra vấn đề, hỗ trợ trẻ mồ côi vì Covid-19 như thế nào để tốt nhất cho hiện tại và cả tương lai của các em?

Trân trọng và ngưỡng mộ cho những người đã quyết định khởi xướng và dấn thân cho ý tưởng rất cao đẹp và đầy thách thức này, Nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương (Nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ giáo dục, Đại học Illinois, Hoa Kỳ; người đưa mô hình trường học kiến tạo về Việt Nam) muốn đóng góp thêm góc nhìn về mô hình trường cho trẻ mồ côi vì Covid-19.

Cộng đồng "khác biệt" có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ

Qua thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông về những dự án xây trường cho trẻ mồ côi, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương phân tích, bản chất những trường học này gần với mô hình "mái ấm"/"nhà cho trẻ mồ côi" (orphanage) hoặc "làng cư trú cho trẻ mồ côi" (residential care) hơn là trường học.  

Xây trường cho trẻ mồ côi: Trẻ học cùng 100 bạn cũng mồ côi như mình? - 2

Nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương.

Mô hình này có đặc điểm chung: Quy tụ các em lại thành một cộng đồng riêng, có quy mô tương đối lớn; Không chỉ dạy học, mà còn nuôi ăn ở, chăm sóc đến lớn.

Điều khiến nhà nghiên cứu giáo dục này băn khoăn là mô hình "mái ấm"/"làng trẻ", thời gian gần đây đã được nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em chỉ ra rằng đó không phải là giải pháp tốt và đúng nhất cho trẻ bị tổn thương. 

Save The Children, tổ chức hàng đầu thế giới về các hoạt động nhân đạo cho trẻ em còn có cả một chiến dịch vận động các tình nguyện viên không tham gia tình nguyện cho các mái ấm/ trại mồ côi.

Điều này xuất phát từ vấn đề, việc dùng tình nguyện viên ngắn hạn đến dạy học để giảm chi phí hoặc đến chơi với các em đã được các tổ chức quốc tế lên tiếng là "lợi bất cập hại". Nó gây ra cho các em một vấn đề gọi là "fake attachment" (sự gắn bó giả tạo). Nhiều em rơi vào trạng thái hụt hẫng, có những vết thương tâm lý lớn sau khi một tình nguyện viên mà em yêu thương, gắn bó rời đi, sau đó phải mất nhiều thời gian để chữa lành.

"Nhiều nghiên cứu đáng tin cậy cũng chỉ ra rằng, những trẻ em trưởng thành trong môi trường này thường gặp các vấn đề lâu dài về phát triển cảm xúc, nhận thức và rối loạn tâm lý. Mô hình này không thực sự giải quyết được thiếu hụt lớn nhất của các em là có một gia đình riêng quan tâm đến mình một cách riêng biệt. Mô hình này còn có thể khiến các em bị tách khỏi "gia đình mở rộng", tức họ hàng, người thân ngoài cha mẹ và trở thành một cộng đồng "khác biệt" - ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương nhấn mạnh. 

Trong khi đó, chi phí cho một trẻ trong mô hình này cao gấp nhiều lần chi phí của các mô hình hỗ trợ có tính chất gần với gia đình hơn như nhận con nuôi hoặc cha mẹ đỡ đầu. 

Những vấn đề trên, theo bà Uyên Phương, không chỉ được nhận thấy ở những mô hình được quản lý kém, mà cả những mô hình được quản lý tốt, có cơ sở vật chất đảm bảo.

Ưu tiên mô hình gần giống gia đình nhất

Đối với vấn đề này, ThS Nguyễn Thụy Uyên Phương đưa ra một số đề xuất:

Thứ nhất, nếu có tài chính và có lòng muốn giúp đỡ các em, các mạnh thường quân hãy kết nối, hợp tác với các chuyên gia, các tổ chức có uy tín và có chuyên môn về bảo vệ trẻ em. Các tổ chức này có giấy phép, có mạng lưới, có kinh nghiệm. 

Xây trường cho trẻ mồ côi: Trẻ học cùng 100 bạn cũng mồ côi như mình? - 3

Tại TPHCM, có trên 1.500 học sinh phổ thông trở thành trẻ mồ côi vì Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Khuyến cáo "đừng tự làm một mình", lý do, theo bà Phương, vì đây là một vấn đề không chỉ cần "trái tim nóng" mà cần cả "cái đầu lạnh" để đi được xa. 

Nữ chuyên gia giáo dục chỉ rõ, không phải chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng cả triệu trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid, cộng đồng bảo vệ trẻ em thế giới cũng đã có những kế hoạch nhất định để giải quyết vấn đề này mà Việt Nam có thể tham khảo, nhờ trợ giúp.

Thứ hai, bà Phương khuyến cáo, hãy ưu tiên thực hiện những mô hình bảo trợ gần với mô hình một gia đình nhất.

Nếu các em có người thân, họ hàng có thể nhận nuôi dưỡng các em, xin hãy hỗ trợ cho họ để họ là gia đình thứ hai của các em (tất nhiên cần quy trình thẩm định và đồng hành dài hạn).

Nếu các em không còn họ hàng hoặc họ hàng không đảm bảo được việc nuôi dạy các em, có thể cân nhắc mô hình "gia đình đỡ đầu" hoặc những mái ấm có quy mô nhỏ như một gia đình, không nên "ôm" số lượng để làm một trung tâm tập trung nuôi trẻ quy mô lớn.

Nếu không có lựa chọn khác tốt hơn các mô hình trên, có một số việc có thể làm, theo ThS.Nguyễn Thúy Uyên Phương:

Thay vì tập hợp các em vào một ngôi trường riêng, hãy tài trợ để các em được đi học trong các ngôi trường bình thường, hòa nhập và kết nối với những trẻ em bình thường khác. Điều đó tốt hơn cho các em so với việc học chung với 100 bạn mà cả 100 bạn đều mồ côi giống mình 

Bà cũng lưu ý, không dùng tình nguyện viên tạm thời, ngắn hạn mà cần đầu tư ngân sách để tuyển dụng giáo viên, nhân viên làm việc dài hạn và cam kết gắn bó lâu dài. Lý do, nuôi ăn ở, lo học là không đủ với trẻ. Các mô hình bảo trợ cần đầu tư mạnh cho các chương trình tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em. 

Xây trường cho trẻ mồ côi: Trẻ học cùng 100 bạn cũng mồ côi như mình? - 4

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Bộ tư lệnh TPHCM nhận làm cha đỡ đầu bé 4 tuổi có mẹ mất vì Covid-19 nhưng vẫn ưu tiên phương án để bé gái được ở với những người ruột thịt còn lại của mình.

Nhà nghiên cứu này cũng thông tin, năm qua, bà có cơ hội được làm việc trong một dự án giáo dục cảm xúc và chăm sóc tinh thần cho các trẻ em ở một số mái ấm ở Việt Nam do một quỹ thiện nguyện Việt-Úc tài trợ. Chính những người lãnh đạo của các mái ấm đã giúp bà hiểu ra những khiếm khuyết của mô hình mà họ theo đuổi và hiện tại, họ đang nỗ lực để cải tiến nó. 

Theo bà Uyên Phương, điều các mạnh thường quân khởi đầu vô cùng đẹp đẽ, mong họ bước thêm một bước nữa để những đẹp đẽ này đi được xa hơn.

Thúc đẩy mô hình cha mẹ đỡ đầu

Mô hình dành cho trẻ mồ côi ở các nước rất đa dạng: mái ấm, làng trẻ mồ côi, nhà nuôi dưỡng... 

Các mô hình có thể tập hợp các bé dưới cùng một mái nhà để chăm sóc nhưng rất ít có chuyện tất cả các bé đi học chung một trường. Nếu trẻ đặc biệt như tự kỷ hay gặp vấn đề nào đó còn có thể nuôi dưỡng, học tập chung nhưng với trẻ mồ côi bình thường vẫn ưu tiên gửi học tại các trường bình thường cho các con hòa nhập.

Tôi rất khó hình dung "mô hình khép kín" các bé sống chung với nhau rồi học chung với nhau một chỗ. Việc sống chung có thể chấp nhận vì không phải bé nào cũng còn nhà, còn họ hàng, người thân nhưng cả thế giới từ ăn ở đến học đều tách biệt thành cộng đồng riêng... thì rất khó tin là sẽ ổn. 

Theo tôi, vấn đề học tập không quá khó khăn, nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ, các trường cũng có thể cấp học bổng cho các em.

Nhiều nước có mô hình cha mẹ đỡ đầu, có nhiều cơ chế Việt Nam có thể tham khảo. Tôi tin, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng nhận làm cha mẹ đỡ đầu cho các bé. 

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương