Những câu chuyện nhiều nước mắt của các nạn nhân tai nạn giao thông

(Dân trí) - Có người đã mất một phần cơ thể, có người mất người thân vì tai nạn giao thông. Họ đã có những tâm sự đầy nước mắt, nói lên sự thật về tai nạn mình đã trải qua để cảnh báo người tham gia giao thông.

Ngày 13/1, Ban An toàn giao thông Đà Nẵng, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng và báo Thanh Niên tại miền Trung đã tổng kết 3 tháng thực hiện chuyên mục “Nhanh một phút – Chậm cả đời”.

Từ tháng 9/2013, chuyên mục đã nhận được nhiều bài viết, thông tin chia sẻ của những người đã từng bị tai nạn giao thông, đã từng chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm để lại hậu quả mà không bao giờ có thể khắc phục được.

3 trường hợp điển hình của tai nạn giao thông đang tâm sự về hoàn cảnh của mình
3 trường hợp điển hình của tai nạn giao thông đang tâm sự về hoàn cảnh của mình

Chị Thu Hiền (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là một trong những nạn nhân tham gia buổi tổng kết kể lại: Năm 2000, khi mới 21 tuổi, trên đường đi học lớp bồi dưỡng chính trị, người bạn chở chị đã phóng nhanh, không làm chủ được tốc độ nên đâm vào đống cát trước trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Người bạn kịp nhảy khỏi xe, còn chị bị xe tải cán qua chân phải, phải cưa chân và làm bạn với đôi nạng gỗ.

Cuộc đời tưởng chừng khép lại với cô gái chưa tròn 20 tuổi. Từ cô gái xinh đẹp lành lặn, chị Hiền trở thành người tàn phế. Đã không ít lần, chị muốn chết đi trước thực tế phũ phàng. Nhưng bằng nghị lực, chị đã vượt qua nghịch cảnh để khẳng định mình.
 
Chị Thu Hiền và cậu con trai 5 tuổi của mình
Chị Thu Hiền và cậu con trai 5 tuổi của mình

“Ngày cưới tôi, rất nhiều người tới tham dự đã khóc khi tôi bước xuống tiền sảnh. Họ khóc mừng cho tôi đã có hạnh phúc cho riêng mình, họ mừng cho tôi có một người chồng đã yêu thương tôi chân thành”, chị Hiền tâm sự.

Hiện tại, chị Hiền đang là nhân viên Bưu điện Liên Chiểu, đã có 1 gia đình nhỏ ấm cúng và một cháu trai kháu khỉnh. “Nhiều lúc con trai hỏi tôi: Mẹ ơi, vì sao ở nhà khi mẹ đi phải chống hai cái cây đó (chị đi phải chống nạng gỗ- PV). Lúc khác cháu lại thắc mắc: Vì sao ai cũng có hai chân mà mẹ lại có một chân”? “Uh, vì mẹ bị ô tô tông vào”. Hàng loạt câu hỏi của một đứa trẻ lên 5 dành cho mẹ bởi nó thấy mẹ nó đi đứng khác người…”, chị Hiền tâm sự trong dòng nước mắt.

Chị nói: “Thật ra, có những lúc một mình tôi cũng cảm thấy chạnh lòng bởi những hoài bão phần nào đó không thực hiện được bởi hậu quả của tai nạn để lại. Nhưng rồi có những con đường khác mở ra cho tôi, tất nhiên sẽ là khó khăn nhưng âu cũng là thử thách để tôi vượt qua”.

Nhưng dù tương lai vẫn còn ngổn ngang với những khó khăn trăm bề do di chứng TNGT để lại nhưng hễ lúc nào có điều kiện, chị Hiền đều hăng hái nhiệt tình tham gia tuyên truyền về ý thức giao thông tại địa phương bằng chính câu chuyện mình đã trải qua.
 
Chị Thu Hiền và cậu con trai 5 tuổi của mình
Phó trưởng Ban an toàn giao thông TP Đà Nẵng – ông Đặng Việt Dũng - tặng quà đến hai trường hợp điểm hình

Còn anh Nguyễn Duy Thành (trú huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng là nạn nhân của tai nạn giao thông, kể lại: Tháng 10/2010 khi đang công tác Hà Nội, anh nghỉ phép về quê cưới vợ. Ngày 17/10/2010 khi trận lũ lịch sử đang ngập cầu Sông Ngang trên tuyến đường liên xã thì hai vợ chồng đi đưa thiệp mời.

Lúc này, nước ngập sâu nhưng sợ lỡ việc đi mời họ hàng, bạn bè nên Thành cùng vợ chưa cưới băng qua cầu sắt chạy song song với cầu Sông Ngang. Tuy nhiên, khi đến giữa cầu thì bất ngờ đoàn tàu lao đến. Quá bất ngờ, anh Thành hốt hoảng gọi vợ xuống xe còn mình chỉ kịp nghiêng xe qua một bên.

Khi tàu chạy qua, anh đau đớn với chân trái bị gãy thành nhiều đoạn, người bị thương. Sau nhiều năm điều trị với nhiều lần phải lên bàn mổ, tốn hàng trăm triệu đồng nhưng cách đây 6 tháng, bác sĩ buộc phải cưa chân trái của anh để bảo toàn mạng sống vì bị hoại tử.

Hiện sức khỏe đã ổn nhưng anh Thành vẫn chưa thể kiếm việc làm lại. Anh nói: “Dự định sẽ mở tiệm sửa xe đạp, xe máy nhưng với sức khỏe hiện tại, tôi sẽ khó làm được. Khi nào công việc ổn định, tôi sẽ bàn chuyện đám cưới”.

Trường hợp thứ 3 là của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng (36 tuổi, trú xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang TP Đà Nẵng). Chỉ vì chồng chị một phút quá chén với bạn bè rồi anh tự gây tai nạn giao thông khi điều khiển xe máy dẫn đến tử vong, để lại vợ cùng 5 con nhỏ trong cảnh nghèo khó.

Tại cuộc gặp gỡ, chị Hoàng cũng không kìm được nước mắt khi kể lại hoàn cảnh của mình: Anh là người trụ cột trong gia đình, ai kêu gì làm nấy, ít khi cụng ly cụng cốc với bạn bè. Tết độc lập năm 2011, sau khi đi làm về vì vui quá nên anh quá chén với bạn bè nên tự đâm vào đuôi xe container đậu bên đường.

Sau gần 1 tháng điều trị tốn cả trăm triệu đồng nhưng “thần chết” vẫn gọi tên anh, để lại gánh nặng cho người vợ nhỏ bé, với căn bệnh viêm gang B giai đoạn cuối và 5 đứaa con, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi.

Đây là 3 trường hợp điển hình về những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã được chính người trong cuộc kể lại. Hậu quả của tai nạn giao thông để lại trong chính bản thân và gia đình họ; nỗi ân hận sau khi sự việc diễn ra, có thể chỉ vì một chút sơ sẩy, chủ quan mà ảnh hưởng cả tương lai.

Câu chuyện về người thật việc thật sẽ có sức lay động lòng người, thức tỉnh ý thức an toàn giao thông của cộng đồng, mang tính nhân văn. Điều này góp phần tuyên truyền ý thức giao thông của cộng đồng hiệu quả hơn.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã tặng quà cùng tiền mặt đến 3 trường hợp này. Ngoài ra, Ban an toàn giao thông Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ tiền để giúp cho các hoàn cảnh này bớt khó khăn trong cuộc sống chỉ vì tai nạn giao thông.

Công Bính