Báo động tai nạn giao thông gia tăng với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi

(Dân trí) - Tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới xe máy xảy ra do chủ quan chiếm 86%, trong đó chủ yếu nguyên nhân do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng điện thoại khi lái xe, đi ngược chiều… Tại TPHCM, số vụ TNGT liên quan tới thanh thiếu niên dưới 18 tuổi đang gia tăng đáng báo động.

TNGT liên quan đến xe máy chiếm tỷ lệ cao và gia tăng với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi (ảnh: Xuân Hinh)
TNGT liên quan đến xe máy chiếm tỷ lệ cao và gia tăng với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi (ảnh: Xuân Hinh)

Đó là kết quả nghiên cứu được công bố tại lễ ký kết hợp tác giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) về an toàn giao thông (ATGT) năm 2016, sáng nay (4/8), tại Hà Nội.

TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức - khẳng định TNGT xảy ra với trẻ em tại TPHCM đang có xu hướng gia tăng, vị này đã nêu ra những thông tin quan trọng về TNGT.

“Học sinh cấp 3 là đối tượng có liên quan đến hơn 70% các vụ TNGT và có tỉ lệ tử vong rất cao, tiếp đó là đến nhóm học sinh cấp 2; trên 85% số vụ TNGT liên quan đến trẻ em nam; hơn 80% TNGT xảy ra khi chính các các em điều khiển phương tiện” - TS. Vũ Anh Tuấn cho hay.

PGS,TS. Chu Công Minh - Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết, thói quen sử dụng xe máy của người dân là không dễ từ bỏ vì sự tiện lợi và tính kinh tế của phương tiện này, trong khi đó phương tiện công cộng khác chưa đủ hấp dấn đại đa số người dân.

Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại TPHCM chỉ rõ, TNGT liên quan đến xe máy do nguyên nhân chủ quan chiếm tới 86% trong tổng thể các nguyên, trong đó chủ yếu nguyên nhân do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng điện thoại khi lái xe, đi ngược chiều…

Nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng xe máy cũ cũng làm cho mức độ TNGT nghiêm trọng hơn. Cụ thể, với xe sử dụng từ 6-10 năm tỉ lệ gặp tai nạn ở mức nhập viện có thể lên đến 40%, trong khi sử dụng xe có tuổi thọ từ 1-3 năm thì tỉ lệ này chỉ có 7%.

Khảo sát nghiên cứu cũng khẳng định TNGT khu vực thành thị cao hơn TNGT ở nông thôn, trong đó nguyên nhân do con người chiếm 80% và chủ yếu do vi phạm các quy tắc giao thông, thiếu kỹ năng xử lý tình huống.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia – thẳng thắn nhìn nhận, tình hình TNGT vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo ông Hùng, ở Việt Nam mỗi ngày có 24 người chết và 60 người bị thương do TNGT, vì vậy cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Việt Nam cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kéo giảm TNGT, khắp phục ùn tắc giao thông.

Được biết, TNGT tại Việt Nam đang giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Giai đoạn 2011 - 2015, số người chết đã giảm được trên 12.500 người so với giai đoạn 2006 - 2010. Trong 7 tháng đầu năm 2016, toàn quốc xảy ra 11.852 vụ TNGT làm chết 5.023 người và bị thương 10.286 người, so với cùng kỳ năm 2015 TNGT đã giảm 1.058 vụ, giảm 144 người chết và giảm 1.360 người bị thương.

Châu Như Quỳnh