Yêu môn Sử, cô thủ khoa muốn chuyển ngành

(Dân trí)-Chọn thi ngành Sư phạm Văn và đỗ thủ khoa khối C ĐH Sư phạm Đà Nẵng năm nay với 24 điểm (Văn 8,5; Sử 7 và Địa: 8,5), cô học trò Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) Thân Thị Thư đang có ý định chuyển sang ngành Sư phạm Sử vì quá yêu môn Sử.

Thân Thị Thư, thủ khoa khối C ĐH Sư phạm Đà Nẵng 
Thân Thị Thư, thủ khoa khối C ĐH Sư phạm Đà Nẵng 

Đằng sau nụ cười lạc quan của Thư còn là một nghị lực và những nghĩ suy đáng trân trọng của cô học trò nhỏ nhắn này.

Ngày càng yêu môn Lịch sử

Thi môn Văn đạt 8,5 điểm, Thư “bỏ nhỏ”: “Đây là môn em ít học bài nhất. Vì với văn chương, em học theo lối cảm nhận. Em không học thuộc từng bài văn mẫu như nhiều bạn vẫn thường, mà chỉ học các luận điểm, rồi làm bài theo cách hiểu, cách nghĩ của mình. Đề thi môn Văn vừa rồi, em thích nhất câu đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về kẻ cơ hội và người chân chính. Đề vừa kiểm tra kiến thức về phương pháp làm văn nghị luận, vừa mở đường cho thí sinh trình bày suy nghĩ của chính mình”.

Đạt điểm môn văn cao, thế nhưng Thư chia sẻ em đang có ý định chuyển sang học ngành Sư phạm Sử, thay vì Sư phạm Văn như em đã đăng ký ban đầu. Thư cho biết em là độc giả thường xuyên của Dân trí: “Mới đây thôi, em đọc bài viết “Nỗi đau của lịch sử” của tác giả Lê Chân Nhân trên chuyên mục Blog của Dân trí. Em tâm đắc với bài viết, và những điều bài viết nêu cũng là những điều em trăn trở. Thi vào Sư phạm, rất nhiều bạn học ban xã hội chọn Văn, nhưng môn Sử thì ít.

Em muốn theo đuổi, tìm hiểu những cái hay, cái đẹp của môn học này. Từ đó, tìm ra những phương pháp truyền đạt môn học hấp dẫn, để truyền lửa đam mê môn Sử đến học trò như thầy giáo của em đã từng. Chính cách dạy không rập khuôn, khơi gợi cảm hứng cho học trò với những vấn đề hay của lịch sử của thầy đã khiến em thấy ngày càng yêu môn lịch sử, càng thấy đây là môn học cần thiết.”

Trò chuyện nhiều về môn Văn và môn Sử, cô bạn thủ khoa khối C của ĐH Sư phạm Đà Nẵng lại bất ngờ tiết lộ em là học sinh chuyên môn Địa lý với hai giải Nhì môn Địa cấp thành phố các năm học lớp 11, 12. Và dù hầu như không đi học thêm môn học nào, Thư vẫn luôn đạt học lực Khá, Giỏi suốt những năm học phổ thông.

Vượt khó học giỏi

Trong các học trò của trường thi đại học đạt thành tích cao năm nay, ông Lê Phú Kỳ - hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cho biết, Thư có lẽ là học trò có hoàn cảnh khó khăn nhất.
 
Con đường đến trường và đạt được những thành tích học tập đáng khâm phục của Thư chông chênh hơn nhiều so với những bạn bè cùng trang lứa. Nhà có 3 chị em, Thư là con gái thứ. Để mưu sinh hàng ngày, ba Thư đi đạp xích lô, mẹ thì buổi sáng đi làm thuê, buổi chiều phụ bán quán cháo vịt. Kinh tế gia đình hiện giờ rất eo hẹp. Ký ức tuổi thơ của Thư là những tháng ngày theo mẹ tha phương mưu sinh.

Thân Thị Thư, thủ khoa khối C ĐH Sư phạm Đà Nẵng 
Con đường đến trường chông chênh hơn nhiều so với những bạn bè cùng trang lứa, Thư vẫn luôn nở nụ cười lạc quan.

Thư nhớ lại: “Hồi nhỏ, nhà khó quá, ba em hay la rầy. Chịu không nổi, mẹ dắt ba chị em vào miền Nam với hai bàn tay trắng. Mẹ đi bán vé số nuôi mấy chị em ăn học. Chừng lớn, ngoài giờ học, em cũng theo mẹ đi bán vé số. Cả 4 mẹ con ở nhờ trong khuôn viên bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Tối trải báo ra sàn bệnh viện nằm ngủ. Xung quanh cũng nhiều người cùng cảnh ngộ cơ cực như mình lắm. Có hôm phòng bệnh trống, mấy cô y tá thương tình làm lơ cho mấy mẹ con vô ngủ trong phòng bệnh. Như vậy đó, ở nhờ trong bệnh viện thấp thỏm suốt 5, 6 năm trời, mẹ mới dành dụm được tiền thuê phòng trọ. Đến khi em hoàn tất chương trình học lớp 5 thì mấy mẹ con lại dắt díu nhau về quê nhà ở Đà Nẵng”.

Mất một năm ổn định cuộc sống sau khi trở lại quê, nên Thư học trễ một năm học so với bạn cùng tuổi. Nhà vẫn khó nhưng có ba mẹ, con cái sum vầy. Cô bạn thủ khoa nở nụ cười lạc quan tươi rói: "Chị gái lớn đi lấy chồng. Mọi việc trong nhà Thư đều phụ mẹ, chỉ trừ nấu ăn, tại em sợ em nấu dở, cả nhà ăn không ngon”.
 
Thư tâm sự, sau này trở thành giáo viên, em muốn noi gương thầy giáo dạy Văn ở trường, đó là giúp những học sinh nghèo có cơ hội được mở mang kiến thức, dạy các em đó ngoài những giờ học chính khóa ở trường và không lấy thù lao.

"Em thích học các môn xã hội và thấy rằng mình có khả năng trong lĩnh vực này. Em muốn góp một phần nào đó của mình, dù nhỏ nhoi, để những môn học xã hội được trân trọng hơn bây giờ. Nhiều thầy cô giáo dạy các môn xã hội, có tâm huyết, có năng lực với nghề thực sự, tuy không nói ra, nhưng em biết thầy cô buồn lắm với thực trạng “quay lưng” với các môn xã hội của học trò hiện nay. Lớp của tụi em, là lớp theo học ban xã hội cuối cùng ở trường. Sang năm, có thể trường không mở lớp được nữa, vì ít học trò chọn vào ban xã hội quá. Thật ra, cả ba môn Văn, Sử, Địa, bỏ môn nào, em đều thấy tiếc. Dù là ai, làm gì, thì đều cần có những kiến thức xã hội căn bản. Ngay như để trình bày một bài toán “logic”, mình cũng cần biết cách hành văn nghị luận. Coi nhẹ các môn học xã hội là sai lầm”.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm