Ý kiến giáo viên: Sở GD&ĐT thanh lọc sáng kiến, một tín hiệu đáng mừng!

(Dân trí) - Đọc bài viết “Sở GD&ĐT Nghệ An loại gần 400 đề tài sáng kiến kinh nghiệm”, tôi thật sự giật mình vì những con số nhưng sau đó lại thấy vui vì đây chính là một tín hiệu đổi mới đáng mừng trong ngành.

Thực ra, để hoàn chỉnh một sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đâu có đơn giản chút nào. Ngay từ đầu năm học, giáo viên (GV) đăng kí tên sáng kiến, viết trước đề cương rồi thu thập thông tin. Cuối cùng mới hoàn chỉnh một sáng kiến. Đã không ít thầy cô từng “mất ăn, mất ngủ”, thậm chí là stress cũng vì viết SKKN.

SKKN chính là những kinh nghiệm đúc rút của bản thân GV trong quá trình giảng dạy. Đó là những giải pháp mới và hay được sử dụng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong chuyên môn. Có thể nói, những giải pháp này sẽ giúp cho công việc của GV ngày một tốt hơn.

Như vậy, những SKKN hay sẽ được phổ biến rộng rãi trong huyện, tỉnh hoặc toàn ngành để GV cùng áp dụng. Từ đó mà chất lượng bộ môn cũng được nâng cao hơn.

Tuy nhiên, bây giờ, một bộ phận GV coi việc viết sáng kiến là "chuyện nhỏ". Họ thường xin bạn bè ở tỉnh khác hay copy trên mạng về rồi chỉnh sửa "xào nấu" lại làm thành sáng kiến của riêng mình. Chính vì vậy mà nhiều sáng kiến bây giờ cứ na ná giống nhau. Thậm chí là trùng y như nhau.

Bản thân là một tổ trưởng chuyên môn, năm nào tôi cũng làm nhiệm vụ chấm sáng kiến ở cấp trường. Nói thật, chấm sáng kiến đồng nghiệp cùng trường ngại vô cùng. Chấm khó quá thì mất lòng nhau. Mà dễ dãi thì lương tâm không cho phép. Có những GV copy trên mạng về rồi chỉnh sửa qua loa nộp cho có. Họ luôn cho rằng, đề tài nhiều như lá rụng mùa thu thì ai mà đọc hết được. Vậy nhưng, tôi vẫn kiên quyết trả và yêu cầu làm lại. Nhiều khi đồng nghiệp giận dỗi tôi cũng vì chuyện này. Thế nhưng tôi chẳng biết làm sao cả.

Thực tế, những năm gần đây, có không ít GV mất niềm tin vào việc chấm SKKN. Có những GV chuyên môn giỏi, họ đầu tư thời gian, công sức rất nhiều vào viết sáng kiến mà cuối cùng không hiểu sao vẫn cứ rớt hoài. Ngược lại có người họ biết chuyên môn bình thường, trình độ bình thường nhưng lại chẳng bao giờ bị rớt cả. Cuối cùng là nhiều GV bắt đầu hoài nghi về việc chấm sáng kiến. Họ luôn đặt ra câu hỏi. Liệu người chấm những sáng kiến đã đúng với chuyên môn hay thật sự công tâm chưa?

Năm nay, tỉnh Nghệ An lần đầu tiên tiến hành “thanh lọc” đề tài SKKN nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn trong việc thực hiện các SKKN ở cơ sở, tránh tình trạng viết đối phó hoặc sao chép các công trình đã có trên mạng Internet. Đây thật sự là một điều đáng mừng và tạo được niềm tin cho tất cả các GV chúng tôi.

Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có sự đổi mới và quyết liệt trong việc chấm SKKN. Sáng kiến nào trùng, chưa đạt sẵn sàng loại bỏ ngay từ đầu. Những sáng kiến tốt, chất lượng cần phổ biến nhân rộng toàn ngành để áp dụng. Nếu cả nước đều xiết chặt được khâu chấm sáng kiến ngay từ đầu thì việc viết sáng kiến mới còn ý nghĩa. Chưa kể, xiết chặt còn tránh lãng phí tiền của, công sức của nhiều người.

Mong sao tất cả các tỉnh đều quyết liệt "thanh lọc" sáng kiến không hiệu quả giống như tỉnh Nghệ An vậy.

LT

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!