1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Ý kiến giáo viên: Sao phải duy trì lớp chọn trong trường phổ thông?

(Dân trí) - Chiều thứ sáu cuối tuần, trong giờ giải lao, giáo viên trường tôi tụ họp ở phòng hội đồng kể chuyện dạy học đầu năm. Chúng tôi khá xôn xao khi biết khối 6 có một lớp tập trung toàn học sinh có kết quả tốt nghiệp tiểu học cao nhất.

Đó chẳng phải là “lớp chọn” ư? Một hình thức phân chia lớp dựa vào năng lực học tập của học sinh tồn tại từ lâu trong trường phổ thông.

Mọi chuyện bắt đầu từ lời than thở của một giáo viên chủ nhiệm lớp 6 vì lớp của cô ấy có sức học yếu hơn hẳn so với lớp bên cạnh, phong trào xây dựng bài cũng lề mề, nề nếp hoạt động khá lộn xộn.

Cô ấy băn khoăn sao lớp mình lại tập trung quá nhiều học sinh yếu về học lực và cả ý thức học tập. “Mới lớp 6 đã thế rồi lên những lớp trên còn lộn xộn thế nào cơ chứ?” - lời trăn trở ấy cũng là nỗi lo của chúng tôi trong tương lai.

Cô ấy làm phép so sánh nhỏ về học sinh lớp bên cạnh: học hành siêng năng, bài tập hoàn thành tốt, tiết học trôi qua nhẹ nhàng với phong trào học tập sôi nổi, nề nếp lớp đâu vào đấy không thể phàn nàn chút nào.

Một giáo viên trong hội đồng lên tiếng: “Lớp đó là lớp chọn mà em… Bao nhiêu hạt gạo trên sàng đều lọt vào đó cả rồi. Những lớp khác yếu hơn và quậy hơn là lẽ tất nhiên!”. Cô giáo trẻ ấy ngẩn người ra. Tôi cũng giật mình về thông tin mới cập nhật này.

Lớp chọn - một hình thức chia lớp tồn tại từ lâu trong trường phổ thông với nhiều bất cập đã bị xóa bỏ trong vài năm trở lại đây. Nay thầy hiệu trưởng mới chuyển về trường lại tiếp tục xây dựng mô hình lớp chọn trong từng khối lớp, bắt đầu từ lớp 6 trong năm đầu tiên này.

Dựa vào kết quả bậc tiểu học trong năm học vừa qua, những em nổi trội về điểm số đều đã gom vào một lớp. Và rất nhiều giáo viên được “chọn mặt gửi vàng” bố trí vào chủ nhiệm, giảng dạy ở lớp đó.

Xét về mặt lý thuyết, chia lớp theo năng lực học sinh có vẻ phù hợp. Cùng một đối tượng học sinh trong từng lớp, giáo viên có thể thiết kế bài giảng phù hợp trình độ của các em. Lớp giỏi có thể mở rộng kiến thức và kỹ năng nâng cao. Lớp yếu có thể tăng cường thời gian phụ đạo, bổ trợ kiến thức.

Tuy nhiên, thực tế có hẳn như vậy không? Nhiều bất ổn đã được chỉ ra ngay chính trong việc chia lớp chọn - lớp thường - lớp tập trung học sinh yếu nhất khối.

Giáo viên nào cũng mong được bố trí vào giảng dạy ở lớp chọn toàn học sinh giỏi, ý thức tốt. Nhưng mỗi khối lớp chỉ có một lớp chọn nên nảy sinh việc so sánh, phân bì giữa người này người kia. Thậm chí là giành giật và sử dụng chiêu trò để được chủ nhiệm và đứng lớp giảng dạy các môn học ở lớp “ngon” đã từng xảy ra.

Giáo viên dạy song song lớp chọn và lớp bình thường sẽ cảm nhận rõ nhất sự cách biệt về năng lực học sinh. Dạy lớp chọn thoải mái bao nhiêu thì dạy lớp thường sẽ vất vả bấy nhiêu. Học sinh có lực học khá giỏi đều gom đi hết, lớp thường còn lại sẽ là học sinh năng lực có hạn. Đôi khi giáo viên muốn thực hiện một bài tập nâng cao, đặt một câu hỏi khó cũng không thể hoàn thành được. Nguồn cảm hứng trong giảng dạy của giáo viên vô tình bị bào mòn, triệt tiêu một cách âm thầm, lặng lẽ.

Công tác bầu chọn ban cán sự lớp cũng gặp không ít khó khăn đối với những lớp thường vắng bóng học sinh xuất sắc, nổi bật. Nếu lớp chọn có cả một “rừng” người tài để cân đo đong đếm và chọn lựa thì lớp thường tìm “đỏ mắt” mới được một vài cá nhân nhỉnh hơn tí xíu so với các bạn trong lớp.

“Bộ máy” giúp việc cho giáo viên chủ nhiệm có phần hạn chế về năng lực làm thế nào có thể tạo ra phong trào học tập sôi nổi và xây dựng nề nếp ổn định? Đây sẽ là thiệt thòi rất lớn cho học sinh các lớp thường!

Không khí học tập giữa các lớp khác biệt nhau về năng lực sẽ là điều hiển nhiên. Một bên cực kỳ sôi nổi với những cánh tay rào rào giơ lên sau câu hỏi của giáo viên, một bên im lìm và lặng lẽ với những câu hỏi dẫu đã gợi mở hết sức của thầy cô. Chính trong không khí học tập ấy, nỗ lực của một vài bạn kha khá, nhiệt tình cũng dần bị “chìm nghỉm”. Điều đó cực kỳ đáng tiếc!

Xin đừng để hình thức lớp chọn trong trường phổ thông tiếp tục tồn tại gây ra nhiều hệ luy đáng buồn…

Thùy Nguyễn

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!