TPHCM:
Xúc động lễ chào cờ tưởng nhớ về trận chiến Gạc Ma
(Dân trí) - Có một lớp học mang tên Gạc Ma ở ngay TPHCM đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma. Các em học sinh lớp 10 Gạc Ma trường THPT Nhân Việt viết nên những lời tri ân xúc động đối với các anh hùng đã vì “Tổ quốc quên thân”.
Hơn 500 học sinh, giáo viên Trường THPT Nhân Việt (TPHCM) sáng nay có một buổi chào cờ lắng đọng. Mở đầu thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với các học trò sự kiện oanh liệt liên quan đến đảo Gạc Ma diễn ra cách đây 28 năm, ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo trước sự xâm lược của Trung Quốc.
Ngay sau đó, các em của lớp 10 Gạc Ma đã diễn lại hoạt cảnh về quá trình chiến đấu và hy sinh của các anh hùng giữa biển khơi để bảo vệ đảo bằng chính ý tưởng và suy nghĩ của mình. Các em còn cất vang lời bài hát "Lớp 10 Gạc Ma" do nhạc sĩ Trần Hải Bắc lần đầu tiên sáng tác gửi tặng thầy trò của trường nhân sự kiện này.
Tái hiện lại hình ảnh các chiến sĩ hải quân trên đảo Gạc Ma cách đây 28 năm
Tác giả bài hát chia sẻ rằng “học trò trường này mang đồng phục giống lính hải quân, còn các lớp học thì được gọi tên theo các đảo của Việt Nam. Ngay trên cánh cửa vào lớp Mười Gạc Ma là những dòng thơ về Gạc Ma, để các em nhớ đến Gạc Ma mỗi khi ra vào lớp. Gạc Ma đang nằm trong tay kẻ cướp phương Bắc và bị chúng xây thành căn cứ quân sự, nhưng sẽ mãi còn là của Việt Nam khi Gạc Ma ở trong tim mỗi người dân Việt, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ít nhất thì bài hát đã làm cho tôi tin tưởng rằng ngày mai, Tổ quốc của tôi sẽ vẫn còn những người chủ đích thực”.
Học trò trường Nhân Việt lặng đi khi xem lại hoạt cảnh trong lễ chào cờ đặt biệt ngày 14/3
Em Nguyễn Thị Ngọc Bích, học sinh lớp 10 Gạc Ma - một thành viên lên ý tưởng về hoạt cảnh cho biết: “Em cảm thấy tự hào vì lớp mình mang tên hòn đảo Gạc Ma. Những học trò chúng em cảm thấy mình phải có cách để giúp các bạn trẻ nhớ mãi sự kiện anh hùng này, với chúng em 64 chiến sĩ hi sinh cách đây 28 đã có công rất lớn khi bảo vệ tấc đất quê hương. Từ suy nghĩ đó chúng em đã xin phép các thầy trong trường diễn hoạt cảnh này trong dịp 14/3 này và để cho nhiều người sẽ luôn nhớ về sự kiện này”.
Để chuẩn bị cho hoạt cảnh của lớp, cách đây một tuần, Ngọc Bích và các bạn đã lên mạng tìm hiểu thông tin, tự viết lại diễn biến của sự kiện dựa trên ý tưởng đã nghĩ ra.
Đây là dịp học sinh biết thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu cho biết “qua hoạt động này nhà trường muốn học sinh tưởng nhớ và thấy được chí khí hào hùng của dân tộc. Các em sẽ thấy được các chiến sĩ hải quân ấy khi hi sinh chỉ ở độ tuổi 20 thôi nhưng đã cương quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc”.
Cũng theo thầy Hiếu, tháng 3 này cũng là Tháng Thanh niên nên nhà trường cũng muốn giáo dục học sinh lý tưởng cách mạng và thêm yêu quê hương đất nước mình.
Lê Phương