Xúc động chuyến “thồ hàng” đến với học trò Mù Cang Chải

(Dân trí) - Mang theo hàng hóa mà những người bạn xa gần của chúng tôi gom góp được, hai chục người chúng tôi, từ các cụ trên 80 tuổi đến các cháu thanh niên hai mấy tuổi đời vừa từ Hà Nội đến với hai trường Mồ Dề và Xéo Dì Hồ của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Thời gian này, ở nhiều vùng của miền Bắc, trời mưa dầm mưa dề. Khi chúng tôi lên lịch đi, có nhiều người đã lo lắng vì biết ở miền núi, hễ mưa lâu là có nguy cơ sạt lở núi, có khi chúng tôi lại là những nạn nhân cần cứu trợ ấy chứ. Nhưng đã quyết là đi! May thay, hai ngày cuối tuần trước trời lại vô cùng đẹp.

Khi chọn địa điểm, chúng tôi đề nghị với Ủy ban huyện cho hai trường đi lại khó khăn nhất. Huyện cũng chiều lòng mà chọn hai trường không có đường bê tông đến nơi, ô tô nhỏ gọn máy khỏe cũng không dám đi vào những ngày mưa hay ngày sau mưa vì đường nhỏ, nếu trượt một chút là dễ dàng lao xuống vực.

Thầy cô giáo thành xe ôm miễn phí

Vì xe ô tô của chúng tôi không thể nào lên được đến trường, nên các thầy giáo ở trường Mồ Dề định thuê một chiếc xe của người ở thị trấn đã từng lên đó chở hàng cho. Nhưng do đường ướt, người ta không nhận lời. Thế là các thầy cô giáo trở thành xe ôm miễn phí, chở hàng hóa và người trong đoàn lên trường, sau đó lại chở người trả xuống đường cái. Chuyện này cũng xảy ra với Xéo Dì Hồ, chúng tôi cũng phải dỡ hàng dưới đường cái, rồi các thầy cô và cha mẹ học sinh chia nhau chở hàng lên các điểm trường và chở chúng tôi đến điểm trường chính.


Đường đá, nhiều đoạn dốc đứng, khó đi (đường đến trường Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái).

Đường đá, nhiều đoạn dốc đứng, khó đi (đường đến trường Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái).


Đường đất, dốc, trơn trượt khi mưa, dễ sạt lở (đường đến Trường Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái).

Đường đất, dốc, trơn trượt khi mưa, dễ sạt lở (đường đến Trường Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái).

 

Ở Mồ Dề, tôi được thầy Dũng chở. Vừa ngoặt khỏi phố huyện được vài chục mét, đã thấy dốc dựng ngược lên rồi. Đi một đoạn ngắn nữa là hết đường nhựa, vào đường đất, đá với những con dốc dựng đứng. Mưa lâu dài trước đó làm cho đường trở nên gồ ghề, chỗ thì đầy bùn, chỗ thì trơ đá cục. Chặng đường đến trường chừng 4 km ấy, nếu là người yếu bóng vía, có lẽ không dám đi lần thứ hai. Còn Xéo Dì Hồ thì có hai đường đi từ đường cái. Một đường theo mô tả là dài gấp đôi (7 km) và khó khăn gấp đôi đường ở Mồ Dề. Đường thứ hai, trước đây chỉ là một con đường rất nhỏ, không đủ cho hai xe máy tránh nhau, nhưng năm vừa qua có dự án nhỏ mở rộng nó ra, hai xe máy tránh nhau thoải mái, tuy cũng rất khó đi vì đất sau mưa lầy lội và cũng có nhiều dốc dựng đứng, nhưng có đỡ hơn.

Cả đoàn chúng tôi rất phục tay lái của các thầy cô. Chúng tôi gọi đó là những “tay lái kim cương”.

Thầy trò cùng vượt khó

Trường Mồ Dề có 3 cấp: mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Xéo Dì Hồ có 2 cấp: mẫu giáo và tiểu học. Tất cả các cháu đều là người H’mông. Nhìn các cô bé, chú bé xúng xính trong trang phục dân tộc trông thật đáng yêu. Mặt mũi bé nào cũng sáng sủa, hoạt bát.

Trước kia, các thầy cô phải lặn lội đi từng nhà vận động cha mẹ cho các cháu đến trường, dù là trường Mẫu giáo. Gần đây, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, các cháu đến trường được hỗ trợ mỗi ngày 15 nghìn tiền ăn, nên các thầy cô đỡ vất vả hơn. Cha mẹ các cháu cũng vì sự hỗ trợ này mà dễ dàng cho các cháu đi học, tuy nhiên họ cũng không có tiền đóng góp cho nhà trường. Tình trạng đông con trong môi trường khắc nghiệt làm cho cuộc sống của họ luôn ở trong cảnh nghèo nàn. Các thầy chỉ cho tôi những thửa ruộng bậc thang đẹp như mơ ở một bên đường đi (bên kia là núi cằn), nhìn thế thôi nhưng chỉ một cơn lũ về là chả còn thu hoạch được gì nữa!

Gia đình nghèo, Nhà nước cho tiền ăn, nhưng số tiền ăn ấy cũng chỉ đủ để mua gạo và một ít thức ăn. Gạo, thịt, rau quả ở vùng cao tất thảy đều đắt hơn dưới xuôi nhiều! Bữa cơm mà nhà trường nấu cho các cháu bán trú đã ngon hơn bữa cơm của các cháu ở nhà, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là cơm và canh lõng bõng; thịt thì may ra thỉnh thoảng được hai, ba miếng.


Chú lợn con trong đàn lợn mà các thầy cô trường Xéo Dì Hồ nuôi cho trò có thịt ăn.

Chú lợn con trong đàn lợn mà các thầy cô trường Xéo Dì Hồ nuôi cho trò có thịt ăn.

Giờ đang là cuối mùa nóng, ban ngày hơi nóng còn ban đêm trời mát mẻ, đi ngủ phải đắp chăn. Mùa đông thì trên cao này rất rét. Các thầy bảo: Bộ quần áo như thế này các cháu mặc quanh năm, mùa đông cũng chỉ có thế thôi; mùa đông không có quần áo ấm đâu, tội lũ trẻ lắm. Ở đây, mùa đông giặt quần áo trong nước lạnh cóng đã là cực hình; quần áo giặt xong còn rất khó khô, có khi cả chục ngày chả khô nữa.

Đường đến trường đã đầy trở ngại, phải trèo núi lội suối, sự sinh hoạt đã khó khăn như vậy, các cháu học sinh còn gặp phải một rào cản nữa là ngôn ngữ. Mặc dù các thầy cô ai cũng phải biết tiếng H’mông (60% là giáo viên bản địa), sự học và sách vở chủ yếu là dùng tiếng Kinh, vấn đề tiếp thu dẫu sao vẫn có phần hạn chế. Đã thế, các cháu vùng cao còn không có được những phương tiện nghe nhìn giúp các cháu học dễ dàng hơn.

Qua trò chuyện với các thầy cô, chúng tôi được biết, vì Mồ Dề gần trung tâm huyện, nên nhiều thầy cô sống ở huyện, và dùng xe máy đi làm. Có thầy cho biết, “cứ hai tháng chúng cháu phải thay một đôi lốp”. Nghe thế là đủ thấy việc đi lại trên con đường ấy khó khăn thế nào. Còn ở Xéo Dì Hồ, đa số thầy cô ở lại trường, trong nhà công vụ, vì đường từ trường ra đường cái đã xa, đến huyện còn xa gấp đôi thế nữa. Chỉ khi nào có việc, các thầy cô nội trú mới đi xuống dưới; việc ăn uống hàng ngày cũng vậy, các thầy đều dựa vào thầy tiếp phẩm mua hộ thức ăn vì ở đó không có chợ vì thế, mỗi năm chỉ cần thay lốp 1 lần nếu không có sự cố.

Mồ Dề còn có sóng điện thoại và Internet vì gần huyện. Còn Xéo Dì Hồ xa xôi, ngay dưới đường cái cũng chỉ có sóng Viettel mà không có sóng Vinaphone. Lên đến trường thì sóng Viettel cũng suy yếu, nếu muốn gọi điện, các thầy phải tìm những điểm nào đó để bắt chút sóng yếu ớt lúc có lúc không, còn Internet thì tuyệt đối “bặt vô âm tín”.

Vừa chở tôi đi trên đường, các thầy Dũng, Nguyên, Duy vừa tâm sự với tôi về những khó khăn mà học trò của các thầy phải gánh chịu để đến được với trường lớp. Các thầy tuyệt nhiên không kể về những khó khăn của mình. Các thầy coi việc chuyên chở chúng tôi hay các đoàn khách khác như nhiệm vụ mà mình phải làm, không đòi hỏi đền đáp, chỉ với tấm lòng mong mỏi các học trò được giúp đỡ để vượt qua khó khăn mà học tập.


Xuống hàng ở phố huyện để các thầy cô chở lên trường Mồ Dề.

Xuống hàng ở phố huyện để các thầy cô chở lên trường Mồ Dề.


Xuống hàng ở đường cái để các thầy cô và phụ huynh học sinh chở lên trường Xéo Dì Hồ.

Xuống hàng ở đường cái để các thầy cô và phụ huynh học sinh chở lên trường Xéo Dì Hồ.

 


Các thầy cô phát quà cho các cháu ở một điểm trường Xéo Dì Hồ.

Các thầy cô phát quà cho các cháu ở một điểm trường Xéo Dì Hồ.


Học sinh trường Xéo Dì Hồ phấn khởi khi nhận quà.

Học sinh trường Xéo Dì Hồ phấn khởi khi nhận quà.

Phan Vũ Diễm Hằng