Phan Quốc Việt, chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group:

Xúc cảm thúc đẩy con người hành động

Khác với vẻ bề ngoài khá tròn trịa mà bạn bè ghép cho hỗn danh là “Tròn”, Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group, khá ương bướng, một thứ hỗn hợp hòa quyện giữa chất Nghệ An và lối tư duy “đúng - sai” của người làm khoa học.

Cũng vì cứng đầu nên con đường sự nghiệp của ông trồi sụt, lên nhanh mà xuống cũng nhanh. Vị trí cao nhất trong cơ quan nhà nước Phan Quốc Việt từng đảm đương là chánh văn phòng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam khi vừa bước sang tuổi 40. Ông bảo cái ghế quan chức chẳng phải của mình. Người ta đặt mình ngồi vào đấy được thì cũng nhấc ra được. Năm 2002, ông khởi nghiệp khi vừa bước sang ngưỡng ngũ thập tri thiên mệnh.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại quán cà phê nhìn sang Thảo Cầm Viên, Q.1, TPHCM khi Phan Quốc Việt vừa “tan trường về”. Ông nói:

Dạy học là dạy cách học. Thế nên, muốn dạy giỏi thì phải giỏi học. Ai có gì hay tôi đều tìm đến thọ giáo. Tôi vừa học vừa dạy, vừa tự đào tạo đội ngũ giáo viên của mình. Dạy học là dạy tiến bộ, mình phải liên tục tiến bộ mới giúp người khác tiến bộ được.

Tôi thích dạy học từ khi còn là giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội (Hanoi Petro). Học viên của tôi lúc đó chủ yếu là bạn bè. Thời gian đầu, cứ hết giờ học là tôi lại mời bạn bè đi nhậu, xem như khoản chi phí mình bỏ ra để được đứng lớp.

Xúc cảm thúc đẩy con người hành động  - 1
Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group. (Ảnh: Tamviet.edu.vn)

Nhưng việc ông khởi nghiệp ở tuổi 50 xảy ra ngay sau khi mất chức giám đốc Hanoi Petro. Sự trùng hợp này có thực sự ngẫu nhiên?

Thực ra, tôi bị đuổi việc ba lần chứ không phải là một.

Vì sao mất chức có “hệ thống” như vậy?

Tôi là dân toán - lý. Hai ngành khoa học tự nhiên này chỉ có đúng - sai. Mẫu số chung khiến tôi bị đuổi việc ba lần là chứng minh sếp sai. Còn cái sai lớn nhất của sếp là bổ nhiệm tôi. Lần cuối tôi mất chức chỉ diễn ra trong một tích tắc. Trong một cuộc họp, khi mọi người đang trao đổi căng thẳng chung quanh vấn đề tài chính, chế độ cho cán bộ công nhân viên của công ty, thì ông chủ tịch hội đồng quản trị lật chồng báo đặt trên bàn. Xốn mắt, tôi “đề nghị đồng chí chủ tịch làm việc nghiêm túc”. Thế là ông ấy, cũng đồng hương Nghệ Tĩnh với tôi, gầm lên: “Đọc báo nhưng tau vẫn nghe. Đọc báo nhưng tau vẫn hiểu”. Buổi sáng ngày kế tiếp, tôi nhận được quyết định điều động nhận công tác khác.

Có thể kiện ra tòa vì quyết định sa thải trái luật?

Cách tốt nhất để chứng minh rằng mình đúng là làm tốt hơn. Khi tôi tiếp nhận quyết định điều chuyển công tác, một số đồng nghiệp cũng tỏ ra bất bình, xúi tôi thưa ra tòa. Nhưng tôi không làm. Được vạ thì má cũng sưng.

Tức là, trong một chừng mực nào đó, ông cũng không dám chắc rằng mình sẽ giành phần thắng?

Tôi không dám chắc rằng khi ở vị trí cũ, mình sẽ ngừng “phạm thượng”. Xin kể vắn tắt một câu chuyện, đại ý thế này. Có hai thầy trò nhà sư đi hái thuốc. Ngang đường, họ gặp một cô gái trẻ bất tỉnh bên bờ suối. Biết nạn nhân bị ngạt nước, thầy kêu trò cứu bằng cách thực hiện một số thao tác như “hà hơi thổi ngạt”, “ép ngực”… Trò lừng khừng vì nhớ câu “nam nữ thụ thụ bất thân”. Thêm nữa, đụng chạm phụ nữ là phạm vào điều cấm thứ ba trong ngũ giới. Cứu người như cứu hỏa, thầy phải làm thay trò. Quay về chùa, trò cứ suy nghĩ hoài, rồi cuối cùng đến gặp thầy, nêu ra khúc mắc của mình. Thầy trả lời rằng: “Chuyện đó ta đã quên”. Hóa ra, chính trò mới là người không gạt bỏ được tạp niệm. Ta tha, ta thả, ta thành thản. Trước khi sự việc xảy ra, tôi viếng một số ngôi chùa ở Đà Lạt và Ấn Độ, cầu xin Trời Phật được đi dạy. Có lẽ lời thỉnh nguyện của tôi đã linh ứng.

Những người thân của ông đón nhận việc ông rời môi trường Nhà nước như thế nào?

Nhiều người quen biết xa lánh tôi sau khi biết tôi mất chức. Nước mình rất lạ. Những người mất chức, thậm chí tệ hơn là phải ngồi tù, thường bị xem là người xấu, bị “tránh như tránh hủi”. Không phải tất cả những người đi tù đều là người xấu. Thí dụ như giới doanh nhân. Có những trường hợp gặp rủi ro, làm ăn lỗ lã, không trả được nợ ngân hàng đúng hạn là có thể bị truy tố, mặc dù mục đích của họ là tạo ra của cải cho mình và xã hội, khác với những tên ăn trộm, ăn cướp, chủ động phạm pháp. Trong khi đó, có những trường hợp, chẳng hạn như uống bia uống rượu, không làm chủ được tay lái, té gãy tay què chân, nằm bó bột trong bệnh viện thì mọi người lại lũ lượt đến thăm.

Về phần gia đình, cha tôi còn ít nhiều thông cảm với con trai, nhưng mẹ tôi thì rất buồn. Bà đã khóc rất nhiều. Tôi là sự hãnh diện của gia đình đối với bà con, làng xóm. Việc tôi mất chức là điều kinh khủng, vượt xa trí tưởng tượng của bà. Sau này, tôi thích xuất hiện trên báo, đài. Việc tôi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là nguồn an ủi đối với mẹ tôi. Trước lúc nhắm mắt không lâu, bà mới vui trở lại, tự hào về “thằng Việt của mẹ”. Bà đã thừa nhận sự lựa chọn của tôi là đúng.

Việc ông theo đuổi một công việc không liên quan, thậm chí trái ngược với chuyên môn từng được đào tạo xem ra khá rủi ro, nhất là thời điểm năm 2002, kỹ năng mềm, kỹ năng sống vẫn còn là một khái niệm khá mới?

Cũng bởi vì tính đến yếu tố rủi ro này mà nhiều người khuyên tôi bằng lòng với vị trí chuyên viên cao cấp của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, nơi tôi đã làm việc nhiều năm. Ở lại, chẳng phải làm gì (nhất là với cán bộ mất chức), hằng tháng lãnh ba, bốn chục triệu đồng tiền lương, đồng thời vẫn có thể ra ngoài đi dạy. Nghe qua thì tưởng là khôn, nhưng theo tôi, làm vậy là dở hơi. “Chân trong chân ngoài” rất nguy hiểm. Khi “ngoài” khó thì bó vào trong, “trong” khó thì thò ra ngoài. Thế là mình thành “con dơi”, không giống ai hết. Đi với chim thì là chuột, đi với chuột thì là chim. Không dám đương đầu với ánh sáng, ban ngày giấu mình trong xó tối, đêm xuống mới dám mò đi kiếm ăn. Nhiều người hiện vẫn chọn cách này. An toàn nhưng nhàm chán.

Quyết định lựa chọn “kỹ năng mềm” một phần vì tôi có sự mẫn cảm khá tốt về thị trường, có lẽ thừa hưởng gen kinh doanh của mẹ tôi và những va đập thực tế tích lũy trong thời gian làm giám đốc tiếp thị của FPT. Thực tế là học sinh Việt Nam đi thi quốc tế thì không thua ai, nhưng làm việc thì rất dở. Thiếu kỹ năng giao tiếp khiến chúng ta mất quá nhiều thời gian để giải quyết xung đột trong môi trường công việc. Thêm nữa, tôi theo khoa học toán - lý, quan tâm đến việc “đúng - sai” như đã nói hồi nãy, lại là gốc Nghệ An, “dùi đục chấm mắm cáy”, nên việc theo đuổi ngành này cũng giúp mình “mềm” lại. Đã đứng lớp là phải tự động dìm chết sự nóng nảy. Thầy giáo phải làm gương.

Muốn dạy thì phải có học viên. Ông chiêu sinh bằng cách nào?

Lúc mới thành lập, công ty chỉ có tôi và anh Nguyễn Huy Hoàng, vốn là trợ lý giám đốc cho tôi thời còn làm việc ở Hanoi Petro. Chúng tôi phải tự làm hết, từ đi rải tờ rơi, dán quảng cáo… cho đến thu tiền, đứng lớp. Nhìn hai thầy trò chở nhau trên chiếc xe Chaly cũ mua từ khi mới kết hôn, vợ tôi rớt nước mắt.

Từng giữ những vị trí cao, mà đến khi khởi nghiệp ông không có gì, nói thế thì cũng hơi khó thuyết phục?

Tôi có một khoản tiền từ việc bán bớt một căn nhà. Khoản đó, tôi nhờ một người bạn, đầu tư tài chính. Tiền lời cộng với thu nhập của vợ tôi đủ để trang trải và nuôi hai con tôi ăn học.

Tôi nhớ có lần dong xe vào bãi gửi trước giờ lên lớp, thì gặp một người bạn cũ, hỏi: “Ông Việt đấy à”. Trả lời: “Chứ sao nữa”. Hỏi tiếp: “Sao ông khổ thế?”. Trả lời: “Tôi không thấy khổ”. Hóa ra, bạn tôi tham dự lớp học mà tôi dạy. Tôi nghĩ rằng trong mỗi con người có một khả năng thiên phú, một cái gien trội. May mắn là tôi đã khám phá ra cái gien đó.

Theo ông, làm thế nào để xác định được là đã “khám phá ra cái gien đó”?

Chừng nào còn làm việc chỉ vì trách nhiệm thì nghĩa là chưa làm đúng cái gien. Khi nào làm việc mà không thấy mệt, chỉ thấy sướng. Càng làm càng sướng. Đang mệt mỏi, nhưng bước vào lớp là tinh thần tôi phấn chấn, càng nói càng hăng. Lên lớp là sáng tạo trong giao tiếp. Trong túi tôi luôn có một cuốn sổ nhỏ và cây viết. Gặp ý hay là ghi lại liền, tích lũy tư liệu cho những bài giảng kế tiếp. Nhiều năm nay, tôi không có khái niệm cuối tuần. Tôi thường ra khỏi nhà từ bảy giờ sáng và hiếm khi trở về trước chín giờ tối.

Bà xã ông không có ý kiến?

Bà xã biết tôi đang ở đâu và làm gì. Không cho tôi đi dạy, tôi quay lại kinh doanh, có thể ở nhà với gia đình vào hai ngày cuối tuần, nhưng những ngày khác, tôi đi đâu, làm gì thì bà ấy đâu có biết. Từ ngày đi dạy, tôi bớt uống rượu. Lên lớp, rượu bài tiết ra theo mồ hôi, rất kinh. Đô tôi khá mạnh. Mười năm học ở Nga, tôi toàn uống vodka. Thú vui đánh bài thâu đêm suốt sáng giờ cũng bỏ luôn. Có lẽ nhờ vậy mà thể trạng khỏe lên thấy rõ. Thêm nữa, bà xã không cho tôi đi dạy thì tôi ghét… tôi. Tôi không yêu mình thì không thể yêu bà xã. 

Xúc cảm thúc đẩy con người hành động  - 2
Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group. (Tranh Hoàng Tường)

Trong chương trình đào tạo của Tâm Việt, có màn tung bóng, đội bát trên đầu, nhảy lên con lăn và giữ thăng bằng, giẫm lên đám miểng chai, rồi đi trên đinh. Ông dạy cái gì mà như “mãi võ bán thuốc cao”?

Những “trò” mà anh nói có tác động đến thái độ, hình thành tính cách. Tung bóng là rèn luyện sự khéo léo và kiên trì. Đội bát là “chuyên tâm và tập trung”. Nhảy lên con lăn, giẫm chân trần lên miểng chai, rồi đi trên đinh là học cách đối mặt và vượt qua nỗi sợ. Đôi khi phải liều lĩnh một chút thì mới vượt trội. Qua những bài học này, tôi muốn rèn luyện ý chí. Tôi nghĩ trong mỗi con người đều có những nỗi sợ. Chính nỗi sợ đó ngăn cản con người ta dám đương đầu, dám vượt qua chính mình. “Liều lĩnh, vượt trội” “kiên định, khéo léo”, “chuyên tâm, tập trung” là những tố chất thiết yếu để con người thành công. Muốn rèn tính cách phải dùng hành động.

Thực tế, đã có sự cố đáng tiếc xảy ra đối với các học viên khi tập?

Vẫn là nỗi sợ mà thôi. Miểng chai đủ dày, mảnh nào nhọn, thiết diện thấp, có áp suất bàn chân đè xuống là xoay lại. Còn những mảnh nằm ngang, thiết diện lớn, giẫm lên miểng chai còn êm hơn đi trên sỏi. Khi chúng tôi bày sỏi, miểng chai, và đinh, tất cả học viên đều chọn đi trên sỏi trước. Để thuyết phục học viên giẫm lên miểng chai, chúng tôi thị phạm bằng cách cõng một học viên giẫm lên miểng chai. Khi đã vượt qua được nỗi sợ giẫm lên miểng chai thì học viên mạnh dạn đi trên đinh. Chuyện tai nạn là có, một số học viên đã bị té, khi nhảy lên con lăn. Chúng tôi chấp nhận chịu toàn bộ viện phí trong trường hợp học viên bị tai nạn. Nhưng thay đổi chương trình thì không. Hai đề chọn một. Hiện nay, chúng tôi có một trợ giảng là người khuyết tật. Trước kia, anh ấy di chuyển bằng cách bò, hoặc có người thân dìu. Ngay cả bác sĩ điều trị cũng nói anh ấy sẽ “làm bò” suốt đời. Thế mà bây giờ anh ấy đã có thể tự đứng lên, đi được năm, sáu bước. Hằng ngày tập luyện, ngã lên ngã xuống nhưng mỗi khi mọi người định lao vào dìu anh ấy, tôi đều ngăn quyết liệt. Tôi không vô cảm. Tôi hiểu rõ nguyên lý “muốn được nhiều phải mất rất nhiều”. Có những cán bộ lãnh đạo cao cấp, đưa con đến chỗ chúng tôi rồi lại đưa con về, vì “không có máy lạnh”, “không muốn thấy con làm vỡ bát”, vì xấu hổ… Như vậy là vị kỷ, không phải thương con.

Vấn đề quan trọng là thay đổi nhận thức, mà chúng tôi thường gọi là thay chuẩn nền. Làm theo chuẩn mực cũ mà mong muốn có kết quả mới là điên. Chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI được 10 năm, không thể chỉ áp dụng các nguyên lý lỗi thời của thế kỷ XX mà đi lên được. Nhìn ra thế giới, chỉ số thông minh logic IQ đã bị chỉ số “thông minh xúc cảm” (EQ) soán ngôi. Xúc cảm là yếu tố thúc đẩy con người hành động. Và chỉ có hành động mới được trả công, mới thành công. Hành động chuyên nghiệp bao nhiêu thì được trả công nhiều bấy nhiêu. Muốn làm lớn thì phải dám nghĩ lớn, dám đương đầu. Nhà nước chủ trương “xóa đói giảm nghèo”. Xóa đói rồi lại đói. Giảm nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhân dân thì nói đỡ nhục. Thế nào là đỡ nhục? Đỡ nhục thực chất là vẫn nhục. Tại sao không phải là xuất sắc vượt trội, giàu sang, vinh quang, sung sướng. Cách đặt vấn đề quyết định phương án giải quyết vấn đề, quyết định số phận con người và vận mệnh dân tộc.

Núi sông dễ chuyển, bản tính khó dời…

Vì tư duy như vậy nên chúng ta đi vào cái “dễ dời” nhất, đó là kiến thức. Giáo dục hiện nay dạy có một kỹ năng, đó là thuộc lòng. Được mười điểm môn Lịch sử không có nghĩa là yêu đất nước. Thuộc lòng môn Đạo đức không có nghĩa là học sinh sẽ hành xử đạo đức. Tôi nghĩ giáo dục trong nước nên tiếp thu quan điểm kinh tế. Những gì sử dụng thường xuyên thì phải dạy thật sâu, thật xuất sắc, chẳng hạn như kỹ năng lắng nghe, thuyết trình, ra quyết định… Thực tế là người học hiện nay phải học quá nhiều thứ không bao giờ dùng đến, giống như nhà nghèo lại mua những của đắt tiền chất chật nhà. Kiến thức thay đổi hằng ngày, trong khi thời gian và sức lực của con người thì hữu hạn. Cái khó nhất là dạy thái độ, ý chí, hình thành tính cách. Có ý chí là làm được hết. “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy đâu có học hành gì nhiều mà dời được những căn nhà nặng hàng ngàn tấn, khiến nhiều nhà khoa học phải “tâm phục khẩu phục”. Cụ Nguyễn Du không chỉ là đại thi hào mà còn là một nhà quản lý đại tài. Bây giờ thế giới mới nói thông minh cảm xúc chiếm 85%, còn thông minh logic đóng góp 15% vào sự thành đạt. Nhưng cách này 300 năm, cụ đã viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, tính theo tỷ lệ là tâm 75%, tài 25%. Tôi dạy “tâm” trước. Còn tài thì rất dễ. Kiến thức dễ tìm. Có ông thầy nào dám vỗ ngực tuyên bố rằng mình uyên bác bằng giáo sư “Gúc gồ” (Google), bằng chị Tám (1080).

Sau gần mười năm đi dạy, cuộc sống của ông có gì thay đổi?

Tôi bỏ thói quen ngồi trong phòng có máy điều hòa, đi ôtô theo tiêu chuẩn của cán bộ cấp cao ngành Dầu khí. Cũng không có phòng làm việc riêng. Và vẫn chạy xe gắn máy như thời khởi nghiệp.

Thế thì chừng nào mới giàu?

Cái nguy hiểm nhất của người Việt là hay so sánh cái xấu ở chỗ này với cái tốt ở chỗ khác. Ở đâu cũng có cái hay, cái dở. Có những giá trị không thể đo bằng đồng tiền. Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc FPT, đâu có thiếu tiền, mà vẫn đi xe ôm, xe buýt đi làm hằng ngày. Mục đích cuối cùng vẫn là “oai”, được cộng đồng tôn trọng. Nguyễn Công Trứ viết: “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không muốn kiếm nhiều tiền. Hơn thế, tôi muốn kiếm được rất nhiều tiền. Muốn vậy, phải đầu tư dài hơi.

Trong một lớp học ông trực tiếp đứng lớp tại TP Hồ Chí Minh ngày 9/7, sĩ số chưa đến 30 người, trong đó phần lớn là học sinh sinh viên. Kiếm rất nhiều tiền từ đối tượng này e rằng khó?

Đúng. Hiện nay, 80% học viên của chúng tôi là học sinh sinh viên, còn lại là doanh nghiệp, cơ quan. Đây mới là đối tượng chúng tôi kiếm tiền. Thành ra, chúng tôi có hai mức học phí, học sinh sinh viên thì rất rẻ, còn doanh nghiệp thì tính rất cao, gấp hàng trăm lần học sinh sinh viên.

Nhìn mặt tính tiền?

Chúng tôi “học” Robin Hood, lấy của nhà giàu chia bớt cho người nghèo. Thực ra, đối tượng chính yếu tôi hướng đến vẫn là các bạn trẻ. Tham vọng của tôi là xây dựng một học viện mang tên Ý chí Việt, kiểu như học kỳ quân đội. Việt Nam mình cứ gần lúc tận số thì mới cố, nhiều khi cố cùng thì thành anh hùng. Tức là ranh giới giữa anh hùng và kẻ cố cùng nhiều khi không rõ ràng. Trong tất cả cuộc chiến chống ngoại xâm, thời nào chúng ta cũng có anh hùng. Tuy nhiên, trong lịch sử kinh doanh, chúng ta đang thiếu những anh hùng trong thời bình. Cũng không thể dùng những chuẩn mực anh hùng của thời chiến để làm thần tượng trong thời bình.

Ý ông là…

Tiếp xúc với các học viên, hỏi thần tượng của họ là gì, đa phần câu trả lời là những ngôi sao ca nhạc và sân cỏ. Tôi không phản đối khát vọng của họ, nhưng sao thì bao giờ cũng hiếm. Hãy thử hình dung, nếu tất cả đều chạy theo sân cỏ và sân khấu thì ai sẽ làm kinh tế. Chúng ta đang khủng hoảng những thần tượng trong thương trường.

Nhưng bột mới gột nên hồ?

Tại sao vấn đề tiêu cực thì chẻ ba, chẻ tư sợi tóc, còn tích cực thì cầm chừng. Tôi có cảm giác truyền thông bây giờ tiết kiệm lời khen đối với những doanh nhân thành đạt, tử tế. Nếu có thì cũng rất nhỏ giọt. Ngược lại, một doanh nhân làm ăn thất bại, bị vướng vào vòng lao lý thì các báo đổ xô khai thác, đăng tải thông tin nhiều kỳ. Thành công mới khó, chứ thất bại thì dễ. Đừng quá cầu toàn. Bản chất con người là bầy đàn, bắt chước. Người ta không làm những gì không có trong đầu. Thiết nghĩ, nên quay trở lại với cách làm thời chiến. Hồi đó, ngước lên trời là Phạm Tuân, hướng về Tây Nguyên là anh hùng Núp, dân quân là chị Út Tịch, thế hệ trẻ là Kim Đồng… Bản chất con người là bắt chước thần tượng, khi nhỏ bắt chước người thân trong nhà, lớn lên bắt chước, học theo thần tượng. Thế hệ chúng tôi ai cũng có thần tượng riêng để mà làm chuẩn, nỗ lực, dấn thân phấn đấu, không cần phải định nghĩa, phân tích, mày mò nhiều. Tôi nhớ thời còn đi học, ngày nào báo chí cũng nêu danh các anh hùng chiến sĩ có thành tích xuất sắc trên chiến trường. Các anh hùng thường xuyên đến tận trường, tận lớp chúng tôi nói chuyện, khích lệ. Muốn dân tộc ta hào hùng trong thời kinh tế thị trường phải có rất nhiều thần tượng làm kinh tế xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau và các thần tượng bằng da bằng thịt ấy phải để cho con em chúng ta sờ nắn được, đụng chạm được thì dân tộc ta mới đi lên được.

Một câu hỏi cuối. Năm nay đã bước sang tuổi 57, ông đã chuẩn bị cho sự nghỉ ngơi?

Trong lĩnh vực giáo dục, tôi mới là đứa trẻ lên ba. Còn quá nhiều thứ phải học, quá nhiều việc cần làm. Tôi không thích hưu trí. Nhiều người về hưu, nhất là lãnh đạo, rất mau chết. Vì ngoài cái ghế lãnh đạo được ban, họ không biết làm gì hết, rời ghế là mất luôn bản thân. Nhiều trường hợp, tôi biết, về hưu bắt đầu phẫn chí, chửi đổng xã hội. Chửi xã hội chán thì xoay qua chửi chính cái cơ quan mình từng là thủ lĩnh, như thể là mình vô can.

Xin cảm ơn ông.

Theo Thượng Tùng
Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm