“Xuất khẩu” giáo sư, tiến sĩ: Tại sao không?
Nếu xuất khẩu được giáo sư, tiến sĩ thì cứ xuất bởi nó vừa giải quyết lao động dư thừa vừa tiếp tục đào tạo năng lực cho đội ngũ này.
Có thừa thì cứ xuất
Theo một số liệu thống kê năm 2013 - 2014, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ. Bởi số giáo sư, tiến sĩ Việt Nam "nhiều nhất Đông Nam Á" như chia sẻ của Phó Tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San nên có nhiều ý kiến đề xuất rằng nên "xuất khẩu" một phần đội ngũ này ra nước ngoài học tập và làm việc.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, hiện Việt Nam đã có đưa nhiều nông dân sang các nước vừa để hỗ trợ nông dân nước bạn kỹ thuật trồng lúa vừa nâng cao thu nhập cho bản thân. Tương tự, cũng có nhiều nhà khoa học ra nước ngoài làm việc và mang lại danh tiếng cho Việt Nam. Đặc biệt, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) Việt Nam đang thừa một cách tương đối, có một tỷ lệ lớn được đào tạo không chuẩn, thiên về lý thuyết, chất lượng dưới mức trung bình so với quốc tế.
Bởi vậy, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam: "Ở Việt Nam cứ nói rất hay, rồng bay phượng múa về chính sách sử dụng nguồn nhân lực nhưng làm lại rất dở vì nó không hề cụ thể, cứ nói nguyên tắc, nguyên lý thế thôi. Nếu xuất khẩu được GS, TS thì cứ xuất, ai có khả năng chuyên môn mà nước ngoài sử dụng được thì nên tạo điều kiện cho họ đi. Đi làm cũng là đi học, để họ ra nước ngoài là giúp họ phát huy năng lực, tạo ra thu nhập tốt hơn, từ đó có tác động trở lại đối với các cơ quan quản lý trong nước, để cơ quan quản lý thấy rằng họ cầm vàng trong tay mà không biết là vàng, từ đó phải thay đổi chính sách".
Đồng quan điểm với ông Nam, PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính Học viện Hành chính quốc gia cũng cho rằng, di chuyển nhân lực là một xu thế tất yếu trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
"Ngay trong khối EU đã có quy định rằng, mỗi cán bộ công chức làm việc trong các bộ máy nhà nước phải luân phiên có một nhiệm kỳ làm việc trong tổ chức quốc tế. Bởi thế, để các GS, TS Việt Nam tham gia vào môi trường làm việc quốc tế là điều cần thiết, tất nhiên cách làm cụ thể thế nào cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Nó cũng là điều kiện để nâng cao trình độ cán bộ khoa học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới", ông nói.
"Đầu tiên chính là trình độ ngoại ngữ không tốt khi cứ chạy theo một số chứng chỉ nhất định, kế đó là chuyên môn lâu nay phát triển chưa đi vào thực chất, chạy theo hư danh nhiều.
Thực tế, những năm qua, lượng GS, TS Việt Nam ra nước ngoài làm việc rất ít. Thậm chí, tôi được biết có những GS không có điều kiện đi nước ngoài, cố gắng lắm thì được vài buổi tham quan, khảo sát, tìm hiểu.
Ngay như hồi tôi còn làm Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, việc trao đổi GS, TS với thế giới gần như không có. Chúng tôi chỉ có thể mời họ sang một số buổi, nói gì đều thông qua phiên dịch hay chỉ tổ chức một số buổi có tính chất khảo sát trong một vài tuần ở nước ngoài, nghe cán bộ nước bạn báo cáo, tham quan là chính, còn để nâng cao trình độ thì rất hạn chế. Bởi vậy, tạo ra môi trường cho cán bộ khoa học Việt Nam phát triển là rất quan trọng".
Trước nỗi lo lắng về tình trạng chảy máu chất xám, GS, TS ra nước ngoài không trở về nữa, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri trấn an: "Tôi ở nước ngoài nhiều, thấy rằng không ai không có tình cảm với đất nước, vấn đề là các nhà quản lý trong nước có tạo điều kiện cho họ cống hiến hay không. Tháp nhu cầu của Maslow cũng đã chỉ rõ, nhiều khi những người này không phải vì vấn đề vật chất hoàn toàn mà họ cần được cống hiến, cần được xã hội thừa nhận". Do đó, theo ông Tri, nếu đưa được các GS, TS Việ Nam còn tương đối trẻ ra nước ngoài làm việc, sau 5-10 năm khi chính sách về nhà ở, công việc... ở Việt Nam đã cải thiện, họ sẽ trở về và tham gia vào việc thúc đẩy đất nước phát triển.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng không mấy lo lắng về tình trạng này bởi trước nay đã chảy máu chất xám rồi. "Cán bộ khoa học học ở nước ngoài về, thấy thu nhập quá thấp, lương nhà nước không đủ sống, họ lại không phát huy được kiến thức mình đã học vậy thì cứ để họ làm ở chỗ khác giúp họ phát huy tốt hơn, thu nhập cao hơn". Do đó, theo ông Nam, nếu Việt Nam "xuất khẩu" GS, TS mà họ trở về thì là điều tốt, còn nếu không cũng chẳng sao.
Học Hàn Quốc cách dùng người
Khi PGS. TS Nguyễn Văn Nam còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, hàng năm Viện được giao chỉ tiêu đào tạo 10 tiến sĩ mỗi năm, thời gian đào tạo là 4 năm. Tuy nhiên, Viện thường không đạt chỉ tiêu, có chăng được dăm bảy người.
"Có tình trạng là cứ cử nhân viên đi nước ngoài đào tạo, đến hạn về thì họ đi hết. Từ thời tôi còn làm viện trưởng, cử mấy người đi Mỹ, Úc, Hà Lan... học tập, giờ chẳng ai quay về. Khi họ đi thì viện không quản lý nữa, sau cơ quan nhà nước nào quản lý tôi cũng chẳng biết. Họ học xong, người làm ở nước ngoài, người về nước làm cho các tổ chức quốc tế chứ cũng chẳng làm cho viện", ông Nam chia sẻ.
Ông Nam cho rằng, việc sử dụng người tài thế nào không tùy thuộc vào chính sách, bởi chính sách quá chung chung, mà mang tính cá nhân nhiều hơn, nói cách khác là tùy thuộc vào thủ trưởng của từng đơn vị.
"Ai biết dùng người tài thì biết cách đối xử, biết lôi kéo và xếp việc tốt hơn cho người ta. Nhưng những ông sếp biết dùng người hiếm lắm, dăm bảy ông mới được một".
Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, Việt Nam cần học Hàn Quốc cách dùng người. Theo đó, từ thời Tổng thống Park Chung Hee, những cán bộ đi học tập ở nước ngoài về bao giờ cũng được trả lương gấp 5 lần người đào tạo ở trong nước và bố trí vào các vị trí cần thiết. Khi có đa số những người có năng lực như vậy thì tư duy, phong cách làm việc sẽ thay đổi và thúc đẩy sự phát triển.
"Về lý thuyết, tiên tiến bao giờ cũng là thiểu số. Do đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, là điểm nút đột phá cho sự phát triển. Những người có năng lực không chấp nhận thủ trưởng yếu hơn họ hoặc không biết sử dụng họ", ông Tri đánh giá.
Hiện tại, ở vị trí Viện phó Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, PGS. TS Nguyễn Hữu Tri thường tổ chức cho các cán bộ tham gia các chương trình du lịch học tập, du lịch nghiên cứu ở nước ngoài.
"Không có nhiều tiền thì chúng tôi tổ chức các chuyến đi ngắn ngày. Ví dụ, mỗi chuyến đi Singapore, Malaysia kéo dài 5-7 ngày, chúng tôi liên hệ với một số trường đại học của họ. Trong tour sẽ có 2 ngày đến các trường này, chúng tôi tham quan thư viện, giảng đường, nghe cán bộ trường trao đổi, cung cấp thông tin... Với trường ở Thái Lan, hàng năm họ gửi một danh sách các ngành đào tạo, Viện sẽ cử cán bộ sang đó học tập khoảng 1 tháng. Khi sang đó, tự khắc họ phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình vì giáo viên giảng dạy là người nước ngoài", ông cho biết.