Xuất hiện nhiều mô hình độc đáo ở sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ” 2018
(Dân trí) - Khi xem ti vi thấy nhiều vụ tai nạn máy bay nên suy nghĩ chế tạo “chiếc ghế đa năng giúp con người thoát hiểm an toàn khi máy bay gặp sự cố”; Thấy dệt vải tốn nhiều nước gây ô nhiễm môi trường nên mơ ước tạo ra một “Chiếc máy dệt ánh sáng thành vải quần áo”… - hàng loạt ý tưởng độc đáo của trẻ nhỏ xuất hiện ở sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ” 2018.
Bất ngờ với các “mô hình hóa ý tưởng”
Sau gần 1 tháng chuẩn bị và đánh giá mô hình, Ban giám khảo cuộc thi "Sân chơi Ý tưởng trẻ thơ" 2018 đã lựa chọn được 30 mô hình xuất sắc nhất để bước tiếp vào Vòng Chung kết dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/1/2019. Điều đáng nói, những mô hình lọt vào vòng chung khảo rất độc đáo, thể hiện một góc nhìn cuộc sống dễ thương của trẻ nhỏ nhưng lại không kém phần sáng tạo.
Chẳng hạn như nhóm học sinh tiểu học đến từ Quảng Nam nêu ý tưởng cho mô hình dự thi của mình: “Khi em xem ti vi thấy nhiều vụ tai nạn máy bay làm nhiều người chết và mất tích, mọi người rất hoang mang khi tham gia giao thông bằng đường hàng không. Chính vì điều đó bọn em suy nghĩ chế tạo ra “chiếc ghế đa năng giúp con người thoát hiểm an toàn khi máy bay gặp sự cố””.
Nguyên tắc hoạt động của chiếc ghế này là nhờ chiếc đèn gắn trên cao nhất để hút ánh sáng mặt trời đưa vào bộ xử lí trong thân ghế làm năng lượng hoạt động. Đồng thời ghế tự động kết nối tín hiệu từ hệ thống điều khiển trong buồng lái máy bay. Khi có sự cố nguy hiểm nó sẽ lập tức mở cửa thoát hiểm dưới sàn máy bay.
Ghế đa năng rơi xuống, bung ra dù lớn sau đó hạ xuống mặt biển, đồng thời hệ thống phao tự động nâng ghế nổi lên trên mặt biển (phao tự động này thích hợp với mọi địa hình và đảm bảo an toàn cho người ngồi trên ghế). Đèn tín hiệu định vị vị trí của ghế đa năng, truyền tín hiệu qua sóng vệ tinh về trạm nhận trên đất liền hoặc các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Để minh họa cho ý tưởng này nhóm học sinh này đã sử dụng những tấm bìa cứng làm thân ghế, búp bê đồ chơi làm hành khách, máy bay đồ chơi mô phỏng máy bay và mô tơ điện để làm cho máy bay di chuyển…
Hay hai em học sinh đến từ Thanh Hóa cũng đưa ra một ý tưởng khá thú vị xoay quanh câu chuyện cứu người. Theo hai em nhỏ này, hàng ngày có những tai nạn giao thông thương tâm xảy ra ở bệnh viện cấp cứu nhưng lại không có đủ máu để truyền hoặc có nhưng không đúng nhóm máu. Các em còn biết được hai bạn nhỏ ở trường mắc bệnh về máu hàng ngày phải uống thuốc và đi truyền máu theo định kì. Bệnh nhân cần truyền máu nhưng bệnh viện lại không có đủ máu để cung cấp. Xuất phát từ thực tế đó các em đã nảy ra ý tưởng “hệ thống chế tạo máu giúp chữa bệnh cho con người” nhằm góp phần giúp các bác sĩ thuận tiện và chủ động hơn trong việc cứu người.
Mô hình “hệ thống chế tạo máu giúp chữa bệnh cho con người”
Nguyên tắc hoạt động của hệ thống này, các bác sĩ sẽ lấy tế bào gốc từ một số bộ phận như răng sữa trẻ con, cuống rốn nhau thai… và điều chế thành hỗn hợp tế bào gốc, từ hỗn hợp này điều chế ra một loại dung dịch rồi chuyển sang máy tăng trưởng trong khoảng ba tuần để tạo hồng cầu. Mỗi tế bào gốc tạo ra được 10.000 hồng cầu. Tại đây hồng cầu được nuôi dưỡng và chuyển sang hệ thống diệt khuẩn và tiết chế ra các lọ để truyền cho bệnh nhân. Toàn bộ hệ thống chế tạo máu được vận hành dưới sự chuyển động của hệ thống đèn led, tạo ra sự tuần hoàn của hệ thống tạo máu nhân tạo vô trùng không bị lây nhiễm bệnh từ người cho.
Hệ thống gồm 7 phần chính: hệ thống tế bào gốc, hỗn hợp tế bào gốc, dung dịch hỗn hợp, máy tăng trưởng, hồng cầu, máy diệt khuẩn, máu nhân tạo.
Nhóm bạn đã tận dụng các chai, ống nhựa, chai thủy tinh, giấy màu xốp và 1 số mô hình nhựa thải ra từ thư viện cũ của nhà trường có kích thước khác nhau để tạo mô hình…
Bên cạnh đó, ở sân chơi năm nay cũng xuất hiện nhiều y tưởng độc đáo và mới lạ như: Máy địa cầu tái chế rác thải tự động, Máy phát hiện khối u sớm qua hơi thở mà không cần xét nghiệm, Tuabin gió tạo điện và phát sóng wifi trên không… Đó không chỉ là minh chứng xuất sắc cho chất lượng của bài dự thi năm nay mà còn thể hiện mong muốn của các nhà phát minh nhí hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo đánh giá của Ban giám khảo vòng sơ loại, để hoàn thiện được một “dự án” như vậy thì trước đó, các em cũng đã gặp không ít khó khăn trong quá trình làm như lựa chọn nguyên liệu sẵn có phù hợp hay mô hình vận hành không đúng theo cơ chế hoạt động ban đầu,… Song những khó khăn này đều giúp các em rèn luyện tính kiên trì, kỹ năng xử lý tình huống và kích thích thêm sự sáng tạo.
Điều đặc biệt ở đây là những chất liệu mà các em sử dụng để làm mô hình đều là những vật dụng gần gũi trong cuộc sống hằng ngày hay những vật liệu tái chế như bình xịt, ống nước nhựa cũ, giấy bìa, vỏ chai lọ, vải, xốp, đồ chơi cũ, đất nặn hay thậm chí cả những động cơ mini tận dụng sẵn có trong nhà để tạo tính chuyển động cho mô hình.
“Phải tận mắt chứng kiến những tác phẩm của những “nhà phát minh nhí” này thì mới thấy hết được sự sáng tạo, tỉ mỉ và cẩn thận của các em từ những chi tiết lớn đến những chi tiết nhỏ nhất”, một thành viên Ban giám khảo cho biết.
Số lượng bài dự thi đạt con số kỷ lục
Ban tổ chức của cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” năm 2018 cho biết, trải qua 11 năm tổ chức, ngay từ những mùa đầu tiên, “Ý tưởng trẻ thơ” đã trở thành một sân chơi bổ ích để các em nhỏ trên khắp cả nước thỏa sức thể hiện niềm đam mê sáng tạo của mình hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhờ đó, các ý tưởng tham dự qua các năm cũng thay đổi và tăng dần về cả số lượng và chất lượng.
Đặc biệt trong Sân chơi năm nay, Ban tổ chức đã nhận được số lượng bài dự thi kỷ lục với 537.766 ý tưởng, tăng gần 40.000 ý tưởng so với năm ngoái. Hầu hết các ý tưởng đều được Ban giám khảo đánh giá chung là thiết thực và gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật và đồng thời thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú của các em học sinh.
Sau Vòng chấm tranh để chọn ra 60 ý tưởng tốt nhất vào Vòng mô hình, các em nhỏ lại một lần nữa được thể hiện trí tưởng tượng phong phú cũng như sự khéo léo của mình khi trực tiếp lựa chọn nguyên vật liệu tái chế từ những vật dụng quen thuộc hằng ngày để tạo nên những mô hình đầy màu sắc và sinh động cùng với sự hỗ trợ và hướng dẫn của thầy cô và gia đình.
Qua vòng đánh giá tranh và mô hình, Sân chơi đã mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho các em nhỏ cũng như tạo cơ hội cho các em phát triển những kĩ năng toàn diện, thực tế và rèn luyện tính kiên trì, chấp nhận thử thách để đạt được thành công. Các tiêu chí đánh giá của vòng này bao gồm: tính sáng tạo về chuyển động của mô hình, tính nguyên bản giữa tranh vẽ và mô hình, tính logic của bài giải thích, cách sử dụng nguyên vật liệu và tiêu chí tổng quan trong cách phối màu và bố cục của mô hình.
“Ý tưởng trẻ thơ” là Sân chơi do Công ty Honda Việt Nam và Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp triển khai từ năm 2008.
Với chủ đề “Ý tưởng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Sân chơi khuyến khích các em học sinh thuộc 2 nhóm lớp 1-2-3 và 4-5 bằng những quan sát cuộc sống và thế giới xung quanh sẽ đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, phát minh để đem lại cho cuộc sống con người những điều tốt đẹp và nhiều niềm vui, sau đó vẽ tranh, làm mô hình, thuyết trình thể hiện ý tưởng của mình.
H.Nguyễn