Xu hướng học song bằng, liệu có quá sức với sinh viên?

Lương Hiền

(Dân trí) - Trong quá trình học ngành thứ nhất, một số sinh viên đã quyết định học thêm ngành nữa để theo đúng đam mê. Lựa chọn này mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội lẫn thách thức.

Lựa chọn học cùng lúc 2 chương trình đại học

Ngoài lý do học song bằng để có công việc đáp ứng nhu cầu thực tế, một số sinh viên sau khi học một thời gian ở đại học, cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành hiện tại đã quyết định cùng lúc học hai chuyên ngành để thỏa mãn đam mê. Tuy nhiên, việc học song bằng thường sẽ nhiều kiến thức hơn, đòi hỏi sinh viên phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lý.

Thùy Dương hiện đang là sinh viên năm 3 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chuyên ngành trúng tuyển đầu vào của Dương là ngành Khoa học Quản lý tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi học năm đầu tiên, Dương muốn đăng ký sang ngành thứ hai là Quản trị Du lịch và Lữ hành, nhưng vì chưa sắp xếp được thời gian học các môn, Thùy Dương phải lùi lịch và bắt đầu học vào năm 3. 

Xu hướng học song bằng, liệu có quá sức với sinh viên? - 1
Thùy Dương - Sinh viên năm 3, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: NVCC).

Cũng như các bạn sinh viên khác, Thùy Dương chọn học song bằng để sau khi ra trường có thêm cơ hội việc làm, tuy vậy cô gái vẫn mông lung chưa biết sau này sẽ theo ngành nào.

Chia sẻ về lý do học song bằng, Thùy Dương cho biết: "Mình lựa chọn học song bằng vì ngành thứ hai là ngành mình yêu thích và đam mê, hiện tại mình chưa biết sẽ theo ngành nào vì cơ bản hai ngành đều tương đương nhau". 

Mới bắt đầu học, Dương gặp không ít khó khăn, "Mình thấy khó khăn khi mới bắt đầu học, bản thân chưa quen lắm vì trước đó ngành mình học đều học theo lớp, sang ngành thứ hai phải tự đăng kí học, tự tìm lớp và tự tạo quan hệ mới. Nhiều lúc có chuyến đi thực tế mình đã bị trùng lịch học, lúc đó buộc mình phải xin nghỉ học", Dương bày tỏ.

Học một chuyên ngành vốn đã vất vả, vậy nên để đảm bảo kết quả của cả hai ngành học thật tốt thì việc học chắc chắn không tránh khỏi áp lực. Tuy vậy, nhiều sinh viên vì muốn lựa chọn đúng với sở thích nên họ luôn cố gắng để theo kịp chương trình học. 

Nguyễn Trần Khánh Linh (21 tuổi) sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang theo học ngành Quản lý Hành chính Nhà nước. Sau hai năm học ngành lý luận tại trường, Linh cảm thấy ngành lý luận khác với tính cách thích hướng ngoại, thích đi nhiều của cô. Vì vậy, Linh lựa chọn ngành Báo mạng điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là chuyên ngành hai để học. 

"Áp lực luôn luôn có đối với mình, học nhiều hơn, kiến thức nhiều hơn. Nhưng vì đam mê nên mình cũng đỡ bớt áp lực hơn, để nói về cơ hội làm việc cao hơn thì mình cũng chưa biết. Mình chọn nghề nhưng có khi nghề lại chọn mình", Khánh Linh chia sẻ. 

Xu hướng học song bằng, liệu có quá sức với sinh viên? - 2

Nguyễn Trần Khánh Linh - Sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: NVCC). 

Học ngành thứ hai khác xa với ngành thứ nhất, Linh cho biết, quyết định học song bằng xuất phát từ đam mê là chính, đồng thời Linh muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực hơn, có nhiều cơ hội trong công việc. 

"Mình mong muốn sau khi ra trường có thể làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông nên đã chọn học thêm ngành báo mạng điện tử vào đầu năm 3. Để có thể học thật tốt một ngành đã là vất vả thì việc học song bằng nó còn khó khăn hơn rất nhiều. Mình phải cố gắng dành hầu hết thời gian tập trung cho việc học, cân đối thời gian biểu làm sao đảm bảo tính khoa học và chất lượng". 

"Bơi ở chiếc ao khác" không khó

Học song bằng không hề khó nếu sinh viên biết sắp xếp thời gian hợp lý và nghiêm túc trong học tập. Với những sinh viên không cân đối được thời gian thì việc học sẽ trở nên vô cùng khó khăn. 

Xu hướng học song bằng, liệu có quá sức với sinh viên? - 3

Đỗ Phương Mai - Sinh viên năm 3, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ảnh: NVCC). 

Bạn Đỗ Phương Mai - Sinh viên năm 3 Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, hiện cô bạn đang học cùng lúc hai chuyên ngành tại hai trường khác nhau, ngành Báo chí Truyền thông tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và ngành Ngôn ngữ Trung tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Thay vì áp lực về thời gian học song bằng, cô bạn hiểu những cơ hội từ việc học cùng lúc hai chuyên ngành mang lại.

 Phương Mai cho biết "Khi học cùng lúc 2 chuyên ngành, mình sẽ có 2 bằng trong 4 năm học. Mình quen được rất nhiều bạn bè ở nhiều trường trong khối VNU, có thêm mối quan hệ với những người rất giỏi. Mình được học các thầy cô giỏi của cả hai trường, cơ hội việc làm mình nghĩ là rộng mở hơn, dù sao mình cũng có chuyên môn 2 ngành". 

Phương Mai tự tin khẳng định sẽ ra trường đúng hạn với hai bằng đại học: "Mình thường cố gắng hoàn thành các bài vở xong trước deadline và ưu tiên cái nào gấp thì làm trước, tất nhiên không thể tránh được vội vàng. Mình không đi làm thêm nên mình vẫn ổn và hoàn thành được những mục tiêu của mình là ra trường đúng hạn và tốt nghiệp hai bằng đại học".

Việc học song song hai ngành khác nhau trong cùng thời gian học, sinh viên sẽ tích lũy được lượng kiến thức và kỹ năng nhiều hơn so với việc học đơn ngành.

Như vậy có thể thấy, trong xu thế hội nhập quốc tế, việc sở hữu hai tấm bằng đại học cộng với bộ kiến thức và kỹ năng đa dạng phong phú chính là ưu điểm nổi trội, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các bạn sinh viên sau khi ra trường và góp phần tạo nên thành công trong nghề nghiệp tương lai của các bạn sau này.

Sinh viên Lê Thu Giang, học chuyên ngành Quản lý Hành chính Nhà nước tại Học viện Báo Chí và Tuyên truyền. Do định hướng nghề nghiệp liên quan đến kinh tế khiến cô bạn quyết định học thêm ngành nữa, nữ sinh chọn ngành Kinh tế Đối ngoại tại Đại học Ngoại thương để theo học. Dù học  song bằng nhưng cô sinh viên vẫn nhận nhiều kỳ học bổng tại ngành thứ nhất.

Xu hướng học song bằng, liệu có quá sức với sinh viên? - 4

Lê Thu Giang - Sinh viên năm 4 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: NVCC).

Giang không thấy khó khăn về thời gian cũng như kiến thức khi học hai ngành ở hai trường khác nhau: "Mình không hề thấy khó khăn, mình thấy may mắn và đầu óc được mở mang hơn khi "bơi ở chiếc ao khác".

Thời gian theo lịch nhà trường so le sáng chiều và có cơ chế học tín chỉ tức đăng ký theo lịch bản thân nên khá dễ dàng, thậm chí mình vẫn còn thừa nhiều thời gian để làm việc khác".

Đối với cô bạn Thu Giang thì việc học song bằng không bao giờ là muộn, bất cứ bạn là sinh viên năm 3 hay năm 4, bạn vẫn có thể theo đuổi ngành mình muốn, bất kể với lý do gì. Dự định trước mắt của Giang là ra trường cầm trên tay hai tấm bằng đại học và làm được cả hai nghề. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm