Xôn xao vì sách lịch sử xuất hiện hội kín giống phim "Đất rừng phương Nam"
(Dân trí) - Các giáo viên cho rằng việc sách giáo khoa lịch sử xuất hiện Thiên địa hội, Nghĩa hòa hội... giống trong phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam", cần được đặt trong đúng bối cảnh lịch sử.
Phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang khiến dư luận xôn xao bàn cãi suốt những ngày qua.
Nhiều người cho rằng phim được giới thiệu lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi nhưng thực tế phim ra rạp lại khác xa nguyên tác.
Có ý kiến đánh giá phim "không thuần Việt", bị cho là có những chi tiết "sai lệch lịch sử" ở vùng đất Nam bộ đầu thế kỷ XX, trong đó đề cao vị thế của tổ chức Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn...
Tiếp diễn biến đó, người sử dụng mạng xã hội đã rần rần chia sẻ và để lại bình luận về bài học "Phong trào hội kín ở Nam Kì" nằm trong bài 24, sách giáo khoa lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất bản. Nội dung này xuất hiện các hội như Thiên địa hội, Nghĩa hòa hội... đang gây sốt trong bộ phim "Đất rừng phương Nam".
Thậm chí không ít người có lo ngại nội dung sách giáo khoa đang nhầm lẫn giống bộ phim "Đất rừng phương Nam".
Nhận xét về nội dung này, ThS Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông (THPT) Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) - cho hay, nội dung "Phong trào hội kín ở Nam Kì" được đề cập trong bài 24 của chương trình lịch sử phổ thông lớp 11, chương trình giáo dục phổ thông 2006 (chương trình cũ, hiện đã thay sách mới).
Nội dung nằm trong bài tình hình Việt Nam trong những năm Thế chiến I (1914-1918). Trong bài có đề cập đến tình hình kinh tế - văn hóa của Việt Nam giai đoạn này, sự phân hóa xã hội và các phong trào đấu tranh của quần chúng. Phong trào hội kín là một trong những nội dung đó.
Ông Du nhấn mạnh sách được biên soạn do một hội đồng các nhà giáo dục và lịch sử uy tín biên soạn và đã dạy qua rất nhiều năm.
"Việc so sánh hiện thực lịch sử với một bộ phim hư cấu là hết sức khập khiễng và không mang tính chất khoa học. Nếu có sai sót, phải có các nhà chuyên môn uy tín phản biện và chỉ ra những sai sót đó trong một cuộc hội thảo đàng hoàng", ThS Nguyễn Viết Đăng Du nhấn mạnh và cho biết nội dung này cần được đặt trong bối cảnh bài học vào giai đoạn 1914-1918.
Đồng quan điểm, một nữ giáo viên dạy lịch sử tại trường THPT quận 1, TPHCM cũng xác nhận nội dung chia sẻ trên mạng xã hội nằm trong cuốn sách giáo khoa lịch sử lớp 11 của chương trình cũ.
Cô giáo này cho rằng nội dung trong sách giáo khoa đã nhắc tới thực tế một số tổ chức hội kín ở Nam Kì trong giai đoạn trước khi có sự ra đời trong bối cảnh chiến tranh Thế giới thứ nhất.
"Phong trào Hội kín ở Nam Kì thực chất là phong trào đấu tranh của nông dân - những người bị đè nén đến cùng cực đã vùng lên quyết liệt, nhưng vì thiếu sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến nên đã nhanh chóng thất bại", giáo viên dẫn lại nội dung tổng kết phần học này trong sách giáo khoa.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông hôm 11/10, khi đề cập đến những ý kiến cho rằng "Đất rừng phương Nam" không thuần Việt, đạo diễn của bộ phim Nguyễn Quang Dũng lý giải rằng phim này đã thay đổi bối cảnh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết.
"Bản tiểu thuyết lấy bối cảnh khoảng năm 1945. Còn chúng tôi giữ tinh thần của bản truyền hình, lấy mốc thời gian trước năm 1930", ông Dũng nói.
Liên quan đến những dư luận về bộ phim "Đất rừng phương Nam", Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành xem xét lại bộ phim theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim.
"Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…", ông Thành nêu.
Giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể.
Trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến Nghĩa hòa đoàn và Thiên địa hội là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên - hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc.
Thiên địa hội cũng như Nghĩa hòa đoàn chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kì lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.
Ý kiến từ phía đoàn phim cho biết, nhằm hoàn thiện và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem về bộ phim "Đất rừng phương Nam", phần thoại trong phim sẽ chuyển từ "Nghĩa hòa đoàn" thành "Nam hòa đoàn" và "Thiên địa hội" thành "Chính nghĩa hội". Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến hai tổ chức từ thời nhà Thanh (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, điều chỉnh dòng chữ "Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu phim.
Sự điều chỉnh này để làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào thập niên 1920-1930) của phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" và phim truyền hình "Đất phương Nam".
Bên cạnh đó, phim sẽ bổ sung nội dung cho câu giới thiệu "Hành trình vẫn còn phía trước" thành "Hết phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước". Sự điều chỉnh này nhằm khẳng định rõ hơn dự định của nhà sản xuất cho phần 2 kể về hành trình của nhân vật An trong tương lai.
"Các tình tiết phim liên quan tới hai cụm từ trên đều là những tình tiết hư cấu được lấy cảm hứng từ các sự kiện trong lịch sử. Việc chỉnh sửa này nhằm tránh mọi liên tưởng không đúng về hai cụm từ này", phía nhà làm phim cho biết.