“Xô bồ” học tại chức

Tại một buổi học của một lớp tại chức ngoại ngữ- trường ÐH NN, trên bục giảng thầy cứ giảng cho hết trách nhiệm của mình, phía dưới người ngồi nghe lơ đãng, người ngồi nghịch điện thoại, còn số sinh viên có thái độ học tập nghiêm túc chỉ đếm đầu ngón tay.

Ðây không phải là hiện tượng hiếm thấy ở các lớp đại học tại chức hiện thời.

 

Hiện nay, phần lớn các trường đại học đều mở thêm loại hình đào tạo tại chức, nhiều nhất là những chuyên ngành như ngoại ngữ, luật, kinh tế... Có rất nhiều ngành tưởng như không thể có tại chức như văn học, toán học, sử, thông tin thư viện... những năm gần đây cũng bung ra đua sắc cùng muôn nhà.

 

Theo lý luận của nhiều vị lãnh đạo các trường đại học: Mở thêm lớp tại chức ở mỗi khoa một phần do nhu cầu đào tạo, phần khác để hứng đỡ những sinh viên không theo được hệ chính quy vào học, hoặc để giúp cho nhiều người tìm kiếm thêm những mảnh bằng để bổ sung vào hồ sơ cho đủ. Trước kia, nhiều trường ÐH được Bộ GD-ÐT cho phép tuyển sinh tại chức không giới hạn về số lượng. Hiện nay, Bộ đã có quy chế giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh hệ tại chức không được vượt quá 30% hệ chính quy, nhưng không vì thế số lượng lớp tại chức giảm đi.

 

Vượt ra ngoài các trường đại học, lớp tại chức tiến tới các trung tâm, rất nhiều trường có các trung tâm tại chức lớn và từ đây mở rộng ra các tỉnh. Số lượng các lớp tại chức và các chuyên ngành đào tạo đã ngang với chính quy.

 

Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ GD- ÐT về sinh viên tại chức, có 40% số người học tại chức chưa có bằng đại học, 60% sinh viên còn lại đến với tại chức khi đã có trong tay ít nhất một bằng đại học, công việc ổn định, thu nhập khá nhưng do yêu cầu của công việc hoặc chỉ đơn giản đi học cho đỡ buồn... Học tại chức nhiều khi còn trở thành một cái mốt, để giải quyết khâu "oai". Anh Nguyễn Văn Hòa, đang theo học lớp tại chức ngoại ngữ, trường ÐH Ngoại ngữ Hà Nội nói: "Thi vào tại chức không hề khó, nhiều nơi không cần thi cử gì, chỉ xét tuyển qua loa. Nên thấy mọi người đua nhau đi học mình cũng phải kiếm thêm mảnh bằng cho đủ bộ, vì hiện nay xin việc có thêm mảnh bằng nào hay cái đó, vả lại đến lớp tại chức cũng có nhiều thú vui vì thoải mái hơn chính quy mà".

 

Sự bùng nổ các lớp đại học tại chức đã hút lượng lớn giáo viên vào cuộc chạy đua, có người đã từng nói: giáo viên tại chức "chân ngoài dài hơn chân trong", "chạy sô" hơn cả ca sỹ. Cô Lan, giảng viên ngoại ngữ trường ÐH Quốc gia Hà Nội đứng trên bục giảng khoảng 12 tiếng/ngày. Thời khóa biểu các lớp tại chức của cô dày đặc hơn cả chính quy, cô cho biết: "Dạy nhiều quá, đôi khi mình như kiệt sức, nên cứ nói cho hết trách nhiệm theo hợp đồng đã thỏa thuận. Sinh viên có đi đủ, nghe hay không mình không cần biết".

 

Giáo viên "đánh thuê", giáo viên trong trường, ai cũng mong muốn được dạy thật nhiều lớp tại chức càng tốt nhưng hầu như không ai quan tâm đến chất lượng sinh viên. Các giáo viên tùy nghi cắt giảm chương trình vì "Sinh viên tại chức không có thái độ học tập nghiêm túc như sinh viên chính quy, nói nhiều hay ít cũng thế mà thôi".

 

Ðể học được một khóa tại chức, sinh viên phải tốn từ 5 đến 10 triệu đồng học phí, ngoài ra còn rất nhiều các khoản khác như phí thi cử, photo tài liệu, "lệ phí thầy"... Tại chức trở thành một loại hình đào tạo có lợi nhuận cao, và đôi khi được coi là con "át chủ bài" cho việc tăng thu nhập và cải thiện đời sống của giáo viên.

 

 

Theo MH

Kinh tế & Đô thị