Thanh Hóa:

Xin ý kiến Thủ tướng sửa đổi chế độ hưu trí cho giáo viên mầm non

(Dân trí) - Bức xúc về chế độ lương hưu sau hàng chục năm cống hiến cho ngành giáo dục không đáp ứng mức sống tối thiểu, hàng trăm giáo viên mầm non khiếu kiện đề nghị được giải quyết. Tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét giải quyết.

Hàng trăm giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa "dở khóc, dở cười" khi nhận đồng lương hưu chỉ từ 500 - 700.000đ/tháng. Với mức lương hưu như trên không xứng đáng với những gì mà họ đã cống hiến cho ngành giáo dục suốt hàng chục năm trời.

Nhiều giáo viên mầm non nhận mức lương hưu bèo bọt.
Nhiều giáo viên mầm non nhận mức lương hưu bèo bọt.

Sau khi có quyết định về nghỉ hưu và được hưởng chế độ lương hưu, nhiều giáo viên mầm non tỏ ra bức xúc và không hài lòng nên đã nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, đơn vị này đã giải quyết chế độ hưu trí cho 180 trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước đó đã tham gia đóng BHXH bắt buộc với mức lương từ 500 - 1.150.000đ/tháng.

Trong đó có 169 trường hợp mức lương thấp hơn mức lương cơ sở (lương tối thiểu). Do chính sách pháp luật về BHXH quy định nên tại thời điểm giải quyết chế độ hưu trí, các trường hợp đã trên 55 tuổi đời nhưng lương hưu thấp, không được bù bằng mức lương cơ sở vì chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc.

Sau khi giải quyết chế độ hưu trí cho 180 trường hợp nêu trên, có khoảng 70 giáo viên ở các huyện như: Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Nga Sơn và Thọ Xuân nhiều lần khiếu kiện đến các cấp chính quyền và ngành chức năng. Những trường hợp này không đồng ý cách tính lương hưu theo chế độ BHXH tự nguyện vì cho rằng thiệt thòi, không sát thực tế, đề nghị tính lương hưu theo chế độ BHXH bắt buộc, tính bình quân lương 6 năm cuối hoặc tính theo mức lương tối thiểu.

Mặc dù đã được các ban ngành tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị, đối thoại giải đáp chính sách pháp luật về chế độ BHXH nhưng giáo viên mầm non vẫn không đồng tình, tiếp tục khiếu kiện đông người đến các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Theo đánh giá thì những giáo viên mầm non có thời gian công tác từ trước năm 1995, vào những năm điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn nhưng vẫn kiên trì gắn bó với sự nghiệp trồng người, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, đáp lại, mức lương mà những giáo viên này nhận được sau hàng chục năm cống hiến lại quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu khiến nhiều giáo viên bức xúc.

Qua nghiên cứu, xem xét, những đề nghị của giáo viên mầm non là chính đáng, nhưng do những vướng mắc về chính sách, quy định nên tỉnh Thanh Hóa không đủ thẩm quyền giải quyết.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam nghiên cứu sửa đổi quy định về thực hiện chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc cho phù hợp với thực tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho đối tượng nêu trên.

Trong thời gian chờ sửa đổi chính sách, UBND tỉnh cho phép BHXH Thanh Hóa vận dụng chính sách giải quyết cho các trường hợp có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở được bù bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết.

Duy Tuyên
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm