Xin thầy cho cháu nó trượt!

“Thưa thầy, năm nay tôi đến đây không phải để xin điểm cho cháu mà muốn xin thầy cho cháu nó trượt!”, sau bao đêm trằn trọc, chú tôi mang quà đến nhà thầy chủ nhiệm, xin cho con mình trượt!

Chú tôi không giàu nhưng lại là người có tiếng trong làng là dám đầu tư cho con cái, nhất là chuyện học hành. Chú vẫn thường tâm niệm rằng, bây giờ mình ráng khổ một chút nhưng mai ngày chúng nó học hành đàng hoàng, nên người thì sướng cũng chưa muộn.

Khác với mọi lần gặp tôi chú rất vui vẻ và thường khoe về kết quả học tập của mấy đứa em. Lần này, mặt chú cứ buồn rười rượi. Gặng hỏi chú mới tâm sự là những việc làm tưởng như để cho gia đình mở mày mở mặt với họ hàng, làng xóm thì nay có lẽ lại thành họa.

Hỏi cặn kẽ thì mới biết là mấy đứa nhỏ nhà chú ỷ thế bố biết “cửa chạy” nên chẳng đứa nào chịu học hành. Cuối năm, bố cứ chạy tới chạy lui nhà thầy này cô nọ là đứa nào đứa đấy đều xếp loại học lực tiên tiến và xuất sắc cả. Và đều như vắt chanh cuối năm đứa nào cũng lên lớp!

Đầu năm nay, liền một lúc nhà chú có hai thằng thi THPT trường huyện. Chú cứ tưởng với sự đầu tư như thế thì có lẽ một trong hai đứa sẽ đỗ thủ khoa. Nào ngờ, khi nhà trường công bố điểm thì cả hai đứa đều trượt!

Mà số điểm chúng đạt được xấu đến nỗi nhà trường hạ điểm xuống mỗi môn chỉ còn 1 điểm để lấy vào hệ B cho đủ học sinh nhưng cả hai đứa nhà chú đều không có đứa nào đủ. Chú xấu hổ lắm!

Còn mỗi thằng út. Mới học lớp 3 mà cũng có tư tưởng như mấy thằng anh. Chẳng chịu học hành gì. Suốt ngày lêu lổng với đám bạn chăn trâu. Bảo nó học hành cho tử tế đi để còn thi vào THPT thì nó tỉnh bơ: “Đã có bố học cho rồi, con cần gì học nữa!…”.

Biết được lỗi của mình nên chú muốn thay đổi cách học của cậu út. Nhưng khi chú kiểm tra bài vở của nó thì mới vỡ lở ra là học sắp hết lớp 3 rồi mà nhiều từ nó vẫn chưa đọc được.

Sau bao đêm trằn trọc chú quyết định mang quà đến nhà thầy chủ nhiệm với mục đích mới là xin cho con mình trượt! “Thưa thầy, năm nay tôi đến đây không phải để xin điểm cho cháu mà muốn xin thầy cho cháu nó trượt!”.

Thầy giáo giật mình: “Tôi đi dạy học đã hơn chục năm trời mà chưa thấy ai mang quà đến nhà thầy xin cho con mình trượt!”.

Sau khi nghe chú tôi tâm sự, thầy giáo cũng thấy mủi lòng và hứa sẽ giúp đỡ. Nào ngờ, vài ngày sau gặp lại thầy, thầy nói tối đến nhà thầy có chuyện gấp.

Tối chú tôi đến, thầy mang gói quà hôm nọ ra trả và nói rằng không thể giúp được đâu. Chú tôi thần người ra, sau đó hỏi xem cơ sự tại sao thì mới biết là nếu cứ xét cho con nhà chú tôi trượt thì nhất định sẽ ảnh hưởng danh hiệu cuối năm của thầy,  có khi còn ảnh hưởng việc lên lương của thầy nữa chứ?

Ngồi uống bát chè xanh giữa làng quê thanh bình mà chú tôi cứ buồn rười rượi. Ước mơ  có một đứa con vào được THPT và sau đó có thể thi được vào một trường đại học nào đấy của chú tôi có lẽ khó mà thực hiện được. Nhìn chú, tôi cũng ái ngại quá mà chẳng biết nên khuyên chú tôi nên bắt đầu từ đâu…

 Theo Minh Hiếu
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm