Xin đừng đổ lỗi cho ngành giáo dục
Nói dối là một phạm trù đạo đức mà con người cần tránh vì nói dối đối lập với trung thực. Tuy nhiên trong thực tiễn, có lời nói dối không mang đến cái ác mà mang đến cái thiện, có những lời nói thật không mang đến cái thiện mà mang đến cái ác hay sự rắc rối. Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải các bài viết phản ánh về sự nói dối của nhiều học sinh trong các bài văn và đổ lỗi cho ngành giáo dục. Phê phán như vậy liệu có quá khắt khe?
Có một số người thấy các em nói dối trong bài văn mà trăn trở thì tôi cho rằng, đó lại là điểm đáng mừng. Bởi lẽ, ở đó sự nói dối đều xuất phát từ tư duy tưởng tượng, từ hoàn cảnh thực tiễn của các em mà người đọc chưa thấu hiểu hết, cái lý sâu xa chưa phơi bày. Các em đã dám công khai nó trên trang giấy ngây thơ mà không trơ trẽn. Cũng bởi lẽ, đó là bài học quý cho sự nghiệp giáo dục của các nhà sư phạm, các bậc làm cha mẹ để định hướng bước đi đúng cho các em, cho cải cách giáo dục phù hợp. Các nhà cải cách giáo dục trước tiên không căn cứ vào thực tại các em thì căn cứ vào đâu để tiến hành cải cách giáo dục.
Học sinh Trường Tiểu học Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2014-2015. Ảnh: Phú Quý |
Tôi kể ra đây câu chuyện con gái tôi. Năm cháu học lớp 3, cô giáo ra bài văn: Hãy nói về mẹ của em. Khi đọc bài văn của con làm, vợ chồng tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Tôi xin chép ra đây một đoạn trong bài văn của cháu: “Em sinh ra không có mẹ, em không biết mẹ mình là ai. Hằng ngày nhìn thấy các bạn vui đùa bên mẹ, gọi tiếng “mẹ” nghe thân thương, êm tai và tha thiết làm cho em thấy âu buồn.
Nhiều lúc em nhìn thấy cô nào đến đón con, em đều muốn gọi mẹ. Em tò mò xem khi gọi mẹ mình sẽ cảm thấy thế nào? Có gì đặc biệt không mà mọi người thi nhau tán dương? Giật mình, em biết gọi ai đây? Thật vô cớ. Em khát khao được gọi mẹ nhưng sao mà khó thế. Khó thế sao mình lại còn đòi có ai đó sẵn sàng ôm mình và cho phép mình sà vào lòng gọi mẹ nhỉ?
Nhìn kìa, các bạn cười nói ríu rít bên mẹ. Các mẹ đón con ai cũng có hộp sữa hay cái xúc xích hay một cái bánh dành cho người con vô cùng yêu dấu. Có mẹ bế con lên hôn lấy hôn để, cầm cặp sách cho con. Có mẹ vuốt mái tóc cho con, vuốt má con, chỉnh sửa quần áo và giày dép cho con. Có bạn nũng nịu đến khó chịu mà mẹ vẫn cười tươi âu yếm. Các bạn được mẹ mua cho biết bao nhiêu là đồ chơi, thỏa thích ăn các món ngon và tham gia câu lạc bộ này nọ... Ôi! Cuộc sống không có mẹ cô đơn biết bao".
Đoạn kết của bài văn làm cho tôi ngỡ ngàng: "Than ôi! Em như thấy mình được sinh ra trong quá trình nhân bản. Nhiều câu chuyện về những người con đối xử thậm tệ với mẹ làm cho em ngạc nhiên lắm, em chỉ muốn mắng cho họ một trận. Em muốn gào lên “Hỡi những người có mẹ, hãy biết kính trọng và thương yêu hết mực mẹ mình. Đừng phải mang ân hận khi muốn được mẹ mắng, mẹ rầy la và khi muốn gọi từ mẹ êm ái hay chua xót cũng không được nữa”.
Vâng. Đây là điều mừng hay lo? Cháu biết lấy những điều mà hằng ngày mẹ cháu chăm sóc cháu để xây dựng nhân vật tưởng tượng đáng kinh ngạc. Cái trí tưởng tượng ấy được chắt lọc kết trái thành ý tưởng có ích. Từ xưa tới nay, không có phương châm nào, không trường học nào, không thầy cô nào dạy các em phải nói dối, không trung thực, hư hỏng, có những hành động khiếm nhã hay thô bạo. Do đó, những điều đáng tiếc xảy ra đây đó từ các em đừng khắt khe từ nhà trường. Đừng coi ngành giáo dục như là cái thùng rác mà cuối cùng mọi điều xấu tồn tại trong xã hội nhiều người mắc hội chứng “suy cho cùng” đổ hết lỗi cho giáo dục.
Các truyện dân gian là do con người tưởng tượng ra sau khi đã đúc kết từ thực tiễn xã hội. Những truyện đó nói thô tục ra là loại truyện bịa đặt, nói dối, hư cấu, nhưng ai cũng thấy thú vị khi đọc nó. Nếu không có trí tưởng tượng gắn liền với sự nghiệt ngã của cuộc sống thì không thể có các truyện dân gian tuyệt vời như truyện truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười hay truyện ngụ ngôn.
Ngày nay, chúng ta thấy xuất hiện đầy rẫy các bộ phim, những tập truyện tưởng tượng đến phi lý nhưng đóng góp không nhỏ vào sự thăng hoa cuộc sống. Vậy nói dối hay nói thật trong bài văn đâu phải là điều quan trọng mà chính là cốt văn mới quan trọng. Mục đích giáo dục là vì con người, vì cuộc sống con người và xã hội loài người. Nếu chúng ta nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích thì hậu quả sẽ khó lường.
Tôi không phủ nhận sách giáo khoa hiện tại có khối lượng và kiến thức khá nặng so với lứa tuổi các em và đôi chỗ bất hợp lý khiến nhiều em không học theo kịp. Bệnh thành tích trong giáo dục ảnh hưởng phần nào tới chất lượng dạy và học. Vì vậy, một số em đã có hành động như nói dối bố mẹ, giấu đi những bài kiểm tra bị điểm kém. Tình trạng đó đã xảy ra hàng chục năm qua và những trò nghịch ngợm tuổi học sinh thì người lớn chúng ta đều biết rõ thời nào chẳng có.
Bản ngã con người từ khi sinh ra đều thích nhìn cái đẹp, thích nghe cái hay, thích nếm cái ngọt ngào, thích va chạm “xúc giác” cái êm dịu và thích nghĩ tới cái tốt đẹp. Bản gốc con người là lương thiện.
Chúng ta nên tôn trọng vào mỗi ý tưởng trong các bài văn của tác giả để đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu giáo dục. Bài văn nào cũng mang tâm hồn và ý nghĩ của người viết. Thông qua các bài văn, mỗi người dù là thầy, cô giáo hay cha mẹ nên cố gắng tìm nguyên nhân sâu xa tâm hồn trẻ trong bài văn để đưa các em bay bổng với những ý tưởng tốt đẹp, thỏa mãn khát vọng được khám phá của các em.
TS Nguyễn Văn Quân (theo Báo Quân đội nhân dân)