Xem xét việc cho trẻ làm quen với đọc, viết ở bậc mầm non
(Dân trí)-Bộ GD-ĐT vừa chính thức thông báo kết quả hội thảo khoa học về Chương trình giáo dục mầm non. Theo đó, vấn đề cho trẻ làm quen với đọc, viết ở trường mầm non cần được quan tâm xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để vận dụng phù hợp vào giáo dục mầm non Việt Nam.
Thông báo cho biết, ngày 23/4/2013, tại cơ quan Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã chủ trì Hội thảo khoa học về chương trình giáo dục mầm non. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), Vụ Giáo dục Tiểu học (GDTH), Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (CSVC&TBTH, ĐCTE), Văn phòng Bộ; đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh; Khoa GDMN, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh; Đại diện các Sở GDĐT: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên; Các chuyên gia GDMN, GDTH, chuyên gia ngôn ngữ học; các tác giả biên soạn chương trình (CT) GDMN.
Hội thảo tập trung vào các nội dung: đánh giá CT GDMN, đặc biệt đi sâu phân tích lĩnh vực phát triển ngôn ngữ; việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; Sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và cơ sở đào tạo trong việc triển khai thực hiện CT GDMN; Tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị thực hiện CT GDMN.
Xem xét lại một số nội dung về chương trình mầm non mới
Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội thảo thì CT GDMN được xây dựng trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi mầm non, những đặc trưng khoa học của GDMN và thực tiễn đổi mới GDMN ở Việt Nam, kế thừa những CT Chăm sóc – Giáo dục mầm non trước đây, đồng thời tiếp thu những tiến bộ của khoa học GDMN, những mong đợi về sự phát triển của trẻ em toàn cầu trong chương trình một số nước trong khu vực và thế giới. CT có tính khung, mở, cho phép giáo viên phát huy được tính chủ động, khả năng sáng tạo trong quá trình thực hiện các hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ, phù hợp với năng lực của trẻ và tình hình thực tiễn của địa phương.
CT GDMN đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức, tính hệ thống giữa các độ tuổi và giữa CT GDMN với CT GDTH. Nội dung giáo dục của CT GDMN giúp trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trẻ thích nghi với hoạt động học tập ở tiểu học.
Các chuyên gia cũng cho rằng về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ của CT nhìn chung các nội dung giáo dục tương đối rõ rang và phù hợp, đảm bảo giúp trẻ hình thành các kỹ năng: nghe, nói, làm quen với đọc, viết và chuẩn bị tốt cho việc học tập ở lớp 1.
Tuy nhiên, trong CT GDMN, một số nội dung giáo dục chưa phù hợp với mức độ phát triển của các độ tuổi của trẻ mầm non, đôi chỗ diễn đạt chưa rõ ràng, còn lẫn với mục tiêu giáo dục; một số thuật ngữ khoa học chưa chuẩn xác. Tài liệu Hướng dẫn thực hiện CT có một vài nội dung chưa thực sự sát với CT.
Một số địa phương còn thiếu linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo thực hiện CT GDMN. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và cơ sở GDMN trong bồi dưỡng, tập huấn triển khai CT thiếu đồng bộ. Việc cập nhật CT GDMN của một số cơ sở đào tạo còn hạn chế, vì vậy giáo sinh khi ra trường vẫn phải bồi dưỡng việc thực hiện CT GDMN.
4 định hướng và giải pháp thực hiện CT GDMN
Để giải quyết những hạn chế trên, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, vấn đề cho trẻ làm quen với đọc, viết ở trường mầm non cần được quan tâm xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để vận dụng phù hợp vào GDMN Việt Nam
Đối với các sở GDĐT, các cơ sở đào tạo GVMN, theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai CT GDMN, trong đó đi sâu đánh giá CT và quá trình tổ chức thực hiện CT, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Viện KHGDVN chủ trì, phối hợp với Vụ GDMN nghiên cứu, chỉnh sửa tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDMN và bổ sung thêm tài liệu tham khảo liên quan để tạo thuận lợi cho giáo viên thực hiện Chương trình GDMN; tổ chức nghiên cứu đánh giá CT GDMN sau 05 năm triển khai thực hiện, đề xuất việc điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp trong CT GDMN (nếu có).
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan thuộc Bộ rà soát, chỉnh sửa Thông tư số 02/2010/BGDĐT về Danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN, Quyết định số 3141/2010/BGDĐT về Tiêu chuẩn kỹ thuật đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN theo hướng bổ sung các danh mục cần thiết, đồng thời đưa ra khỏi danh mục các tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi không phù hợp; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đồ dùng, đồ chơi dành cho GDMN cần đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDMN lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương về sử dụng tài liệu, học liệu trong các cơ sở GDMN.
S.H