Trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: Nỗi niềm của giáo viên
(Dân trí)-Học lực của học sinh phụ thuộc vào sự tiếp thu và việc chăm chỉ học hành của trẻ. Có thể thời gian đầu những trẻ đã biết chữ trước có khả năng học tập nhanh hơn nhưng điều đó không quyết định về sự khác biệt học lực vì còn phụ thuộc 2 yếu tố trên.
Đó là những chia sẻ của cô L.T.M - giáo viên (GV) Trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội), có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở lớp 1.
Theo cô M., việc biết chữ trước của học sinh (HS) chỉ là yếu tố tự phát, không thuộc về quy định và chuẩn mực và không bao gồm mọi kiến thức trong chương trình học lớp Một nên nếu trẻ không tập trung học và tiếp thu chậm thì sau một thời gian vốn kiến thức tự phát đó sẽ cạn và trẻ trở về đúng thực chất của mình. Những trẻ chưa biết chữ ngày nay hầu hết đã trải qua giai đoạn học mầm non nên cũng đã làm quen với một số chữ cái và con số, khi vào lớp 1, được GV hướng dẫn tiếp nối theo đúng thì không có trở ngại gì về việc học tập so với những trẻ đã biết chữ trước.
Cô Đặng Thị Phương Dung - Trường tiểu học Cát Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội): Học trước sẽ làm trẻ mất tập trung khi vào học chính thức Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ. Nhiều phụ huynh lo con mình không theo kịp các bạn nên đã cho con đi học sớm từ sau Tết. Hoặc còn có những phụ huynh cho con nghỉ học ở trường mẫu giáo để đi học chữ là không nên. Có thể giai đoạn đầu trẻ học chữ trước có thể bắt nhịp với chương trình nhanh hơn. Nhưng chưa chắc về mặt nhận thức sẽ nhanh hơn các em chưa được học chữ trước. Trẻ học trước sẽ làm trẻ mất tập trung khi bước vào học chính thức, dễ gây tâm lý “biết rồi” dẫn đến chủ quan. Điều nguy hại hơn là trẻ không được dạy đúng quy chuẩn nên giáo viên dạy gặp nhiều khó khăn về tư thế ngồi, cách cầm bút. Theo tôi thì chúng ta nên tổ chức cho trẻ tham gia chương trình làm quen với lớp 1 khoảng 1 - 2 tuần trước khi học sinh đi học, nhằm làm giúp các em có điều kiện được làm quen với bàn ghế, chỗ ngồi với sách vở, tránh cho các em không quá bỡ ngỡ, để các em có một tâm thế tốt trước khi vào lớp 1. Hiện nay, trình độ của trẻ khi bước vào lớp 1 là không đồng đều. Trong lớp một số em đã biết đọc, biết viết nhưng cũng có em lại chưa biết gì dẫn đến khó khăn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. |
“Khi đứng lớp giảng dạy, GV luôn đối xử công bằng với tất cả các HS nên chúng tôi luôn thực hiện giảng dạy đồng đều với mọi đối tượng, dạy tất cả các cháu biết chữ và chưa biết chữ như nhau... (coi như HS cả lớp là chưa biết chữ). Vì như đã nêu ở trên, việc biết chữ của các cháu trước khi vào lớp 1 chỉ là tự phát và chưa toàn diện, chưa bao gồm mọi kiến thức của lớp 1 mà chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng kiến thức ban đầu của chương trình. Trong quá trình học, nếu HS biết chữ trước tỏ ra nhanh hơn các bạn hoặc có tâm lý chủ quan vì đã biết chữ rồi thì GV luôn có cách thu hút HS bằng những hình thức dạy học phong phú, phù hợp để kích thích sự chú ý và sáng tạo của trẻ” - cô M. nói.
Cô M. phân tích thêm, tất cả các hình thức dạy học phong phú trên áp dụng cho mọi học sinh trong lớp và chú trọng phát triển tư duy cho HS. Nếu HS biết chữ rồi nhưng tư duy chưa tốt thì chưa chắc đã học nhanh bằng những bạn chưa biết chữ nhưng có tư duy tốt và chịu khó lắng nghe. Mặt khác, quá trình học chữ của HS được kéo dài từ dễ đến khó, mỗi tiết học 40 phút, để học xong 1 bài cần 2 tiết (tương đương với 80 phút) giúp cho cả GV và HS có đủ lượng thời gian để dạy và học cho mọi đối tượng.
Đừng lo sĩ số lớp đông!
Hiện nay phần lớn phụ huynh lo lắng vì sợ lớp đông, cô giáo không quán xuyến hết tới mọi HS, sợ con mình học đuối hơn các bạn nên muốn cho con biết chữ trước.
Giải đáp về vấn đề này, cô M. chia sẻ thêm, ngày nay hầu hết các GV lớp 1 của các trường đều được chọn là những GV có kinh nghiệm dạy lớp 1 lâu năm. Đối với các GV, điều quan trọng để điều hành một lớp học và một giờ học là sự phối hợp nhịp nhàng giữa cô và trò.
Học chữ khi chưa đảm bảo về tâm sinh lý, lại học sai cách rất nguy hiểm cho việc học sau này của trẻ.
Đối với lớp1, các con cần làm quen với nề nếp học và các quy định, quy ước của nhà trường của cô giáo để có phương pháp học tập thích hợp cho năm lớp 1 và những năm tiếp theo. Việc làm quen với các quy định, quy ước đó được nhà trường và GV tiến hành kỹ trong các tháng đầu năm học và kéo dài đến hết năm học.
Điều đó không phụ thuộc vào việc trẻ có biết chữ trước hay không mà phụ thuộc vào sức khỏe, tâm lý và sự tiếp thu của các con, đồng thời với sự phối kết hợp thường xuyên giữa nhà trường và các bậc phụ huynh HS để giúp đỡ trẻ hòa nhập với môi trường học mới.
Các GV lớp 1 luôn có sự tỉ mỉ, kinh nghiệm giảng dạy và sự nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ và được tập huấn phương pháp dạy học tích cực thường xuyên nên việc quan tâm tới từng HS trong lớp luôn là trách nhiệm của các cô, bản thân các GV luôn có sự tìm tòi, điều chỉnh để sát sao tới từng cháu (ví dụ: hôm nay các cháu không thuộc chữ này thì ngày mai không thể học tiếp sang chữ mới được, nên sự kiểm tra luôn tới từng HS) nên mong các vị phụ huynh hãy gạt bỏ tâm lý lo lắng, tin tưởng vào đội ngũ các GV và sự giáo dục của nhà trường, tạo điều kiện tốt về tâm lý và sức khỏe cho các con em mình để các cháu có sức khỏe tốt và tâm lý tự tin, vui vẻ khi vào học lớp 1.
Cô Lê Thu Hà - giáo viên Trường tiểu học Thành Công B (Q. Ba Đình, Hà Nội): Chúng tôi muốn nhận trẻ vào lớp 1 như tờ giấy trắng Việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 chủ yếu là do tâm lý của phụ huynh. Nhiều người xuất phát từ tâm lý đám đông lo ngại sĩ số lớp đông thì liệu con mình không biết chữ trước có theo kịp bạn bè hay không. Bên cạnh đó còn có một số tâm lý khác như phụ huynh muốn con biết chữ, viết đẹp và điểm cao ngay sau chỉ một vài tuần vào học. Cá nhân tôi khi nhận lớp, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn đến gặp và chia sẻ chưa cho con đi học chữ trước và cảm thấy rất là lo lắng. Tôi luôn nhấn mạnh với các bậc phụ huynh rằng, không có gì cần phải lo lắng cả bởi đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Khi nhận học sinh, chúng tôi mong muốn được nhận các con như một tờ giấy trắng bởi vì có tình trạng trẻ đi học trước và khi chúng tôi rèn lại thì cực kì khổ. Chẳng hạn như, điểm đặt bút, cách cầm bút sai… Thậm chí là cả ghép âm, ghép vần và đánh vần sai bởi phụ huynh luôn có tâm lý con đi học lớp 1 phải biết đọc, biết viết được rồi. Kinh nghiệm gần 10 năm giảng dạy lớp 1 của tôi cho thấy, chỉ cần sau nữa học kỳ thôi thì những cháu đi học và không đi học chữ trước đều bằng nhau. Nhưng cháu chưa đi học thì tôi có thể nhận thấy được sự tiến bộ hàng ngày, thậm chí từng tuần, từng giờ một Điều quan trọng nhất đối với trẻ trước khi vào lớp 1 là chuẩn bị tâm lý cho các con. Hoạt động chủ đạo của các con ở bậc mầm non là vui chơi còn khi vào lớp 1 là học tập nên bao giờ cũng gây ra sự mệt mõi. Chính vì thế mà các trường hiện nay đưa vào rất nhiều hoạt động vui chơi nghỉ giữa giờ, các hoạt động hoạt tập thông qua các trò chơi để giúp các con đỡ nhàm chán. Sĩ số lớp đông nên phụ huynh lo lắng cho con mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên hiện nay các trường đều tổ chức phân hóa đối tượng ngay từ đầu năm học. Không phải chỉ phân hóa cháu biết trước hay chưa biết mà còn phân hóa cả những cháu có khả năng tiếp thu nhanh và tiếp thu chậm hơn. Thông qua đó thì ngoài việc đảm bảo dạy đúng chương trình đề ra thì vào buổi chiều, thầy cô sẽ quan tâm, bảo ban các con chưa tiếp thu kịp hoặc bị học đuối. |
Nguyễn Hùng