Xây dựng trường ĐH Lâm Nghiệp trở thành trung tâm khoa học ứng dụng công nghệ cao

(Dân trí) - Với số lượng cán bộ có học hàm, học vị cao của nhà trường thuộc top đầu trong các trường đại học của Việt Nam, trường ĐH Lâm Nghiệp quyết tâm xây dựng và phát triển trường thành một trung tâm khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, chế biến lâm sản phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.


Trường ĐH Lâm Nghiệp có khu rừng thực nghiệm có diện tích hơn 100 ha và rừng môi sinh gần 400 ha.

Trường ĐH Lâm Nghiệp có khu rừng thực nghiệm có diện tích hơn 100 ha và rừng môi sinh gần 400 ha.

Đáp ứng cuộc cách mạng CN 4.0

Hiện nay, trường ĐH Lâm Nghiệp có tổng số 998 cán bộ viên chức, trong đó có 09 Giáo sư, 48 Phó giáo sư, 123 Tiến sĩ, 447 Thạc sĩ làm việc tại Trường với 4 Khoa chuyên môn (Khoa QLBV Rừng và Môi trường, Khoa Cơ điện và Công trình, Khoa Lâm học, Khoa Kinh tế và quản trị kinh doanh, 5 viện vừa làm nhiệm vụ đào tạo và vừa nghiên cứu (Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp Gỗ, Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất, Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn và 01 Viện nghiên cứu (Viện Sinh thái Rừng và Môi trường).

Ngoài ra, trường có 1 khu rừng thực nghiệm có diện tích hơn 100 ha và rừng môi sinh gần 400 ha; đặc biệt với hệ thống phòng thí nghiệm, các trang thiết bị khá hiện đại là điều kiện tối ưu để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học...

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong “Định hướng hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2018-2025”, trường xác định, xây dựng và phát triển trường thành một trung tâm khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, chế biến lâm sản phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, góp phần vào sự bền vững kinh tế - xã hội của đất nước góp phân nâng cao giá trị gia tăng của ngành Lâm nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành.

Theo đó, phát triển công nghệ cao là hướng đi đúng đắn phù hợp với xu thế thời đại và cuộc cách mạng 4.0 từ đó sẽ làm thay đổi phương thức quản lý, tổ chức sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng và thị trường sản phẩm.

GS.TS Chứ phân tích, từ sản xuất, quản lý giám sát, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số như ứng dụng phần mềm, theo dõi, giám sát quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Các quá trình sản xuất lâm nghiệp có thể tự động hóa ở nhiều khâu, qua đó giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí. Hiện nay công nghệ cao, công nghệ 4.0 sẽ không những hỗ trợ quản lý vĩ mô mà còn lưu trữ dữ liệu vi mô (từng cá thể) trên mạng internet và chia sẽ nguồn dữ liệu cho nhiều người cùng sử dụng, thông qua các thiết bị kết nối với internet.

Công nghệ cao hỗ trợ công khai, minh bạch hóa quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, công khai quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào, thông qua điện thoại thông minh kết nối với các thiết bị trợ giúp dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai (sạt lở đất), nạn chặt phá rừng, bảo tồn động vật quý hiếm, truy xuất nguồn gốc gỗ, theo dõi tăng trưởng của cây lâm nông nghiệp.

“Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm” – GS.TS Chứ nhấn mạnh.

3 lĩnh vực nghiên cứu chính

GS.TS Trần Văn Chứ cho biết, trong những năm qua, Trường Đại học Lâm nghiệp đã từng bước ứng dụng công nghệ cao trong các chương trình nghiên cứu, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại vào chọn tạo giống, nhân giống cây lâm nghiệp và ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng; Công nghệ chế biến lâm sản.

Một số thành công nhất định là ứng dụng công nghệ DNA barcode (DNA mã vạch); Xây dựng phần mềm phát hiện sớm và truyển tin cháy rừng từ ảnh vệ tinh và Phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng ở Việt Nam; Phần mềm điều tra kiểm kê rừng Việt Nam và tham gia xây dựng hướng dẫn kỹ thuật điều tra và kiểm kê rừng toàn quốc.

Xây dựng phần mềm "Phát hiện cháy rừng từ ảnh vệ tinh", cho phép xác định toạ độ và quy mô đám cháy từ ảnh vệ tinh MODIS, xác định phương pháp chữa cháy, nhân lực chữa cháy, phương tiện chữa cháy, tên các tổ đội chữa cháy cần huy động, chiến thuật và kỹ thuật chữa cháy thích hợp cho từng đám cháy cụ thể...


Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp GS. TS. Trần Văn Chứ và Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý rừng bền vững, Đại học Valladolid, Tây Ban Nha Felipe Bravo ký bản ghi nhớ hợp tác

Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp GS. TS. Trần Văn Chứ và Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý rừng bền vững, Đại học Valladolid, Tây Ban Nha Felipe Bravo ký bản ghi nhớ hợp tác

GS.TS Chứ cho hay, nhiều đề tài nghiên cứu đã được áp dụng như sử dụng công nghệ không gian địa lý (viễn thám, GIS và GPS) trong phát hiện sớm cháy rừng và giám sát tài nguyên rừng về phát hiện sớm cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phát hiện sớm cháy rừng từ trạm quan trắc mặt đất.

Các đám cháy xảy ra đều được phát hiện kịp thời và báo cáo đến các cá nhân, các cơ quan quản lý qua email điện thoại di động để phối hợp xử lý. Hiện nay, hệ thống đang được vận hành cố định tại trạm quan sát và dự báo cháy rừng của chi cục Kiểm lâm Hà Nội đặt tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội). Kết quả ứng dụng tại Vườn quốc gia U Minh thượng (Kiên Giang), Rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội)…

Đồng thời, trường đã làm chủ được công nghệ và chế tạo thành công 04 loại máy phục vụ cho công tác chữa cháy (máy chữa cháy rừng bằng sức gió cầm tay, máy phun đất cát chữa cháy rừng cầm tay, xe chữa cháy rừng đa năng, hệ thống thiết bị chữa cháy rừng tràm), đã được chuyển giao cho một số công ty lâm nghiệp, vườn quốc gia…

Theo GS.TS Trần Văn Chứ, thời gian tới, trường tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Theo đó, tập trung đầu tư xây dựng các Trung tâm nghiên cứu trọng điểm và chuyển giao công nghệ: Giống cây Lâm nghiệp; Chế biến gỗ công nghệ cao; Thiết kế đồ gỗ thông minh; Trung tâm quốc gia kiểm định chất lượng sản phẩm lâm nghiệp.

Xây dựng trung tâm ứng dụng viễn thám và GIS trong lâm nghiệp. Những trung tâm này thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp, đào tạo sau đại học, trao đổi học thuật với các chuyên gia quốc tế trong phát triển khoa học và công nghệ.

Xây dựng đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành cho các lĩnh vực khoa học trọng điểm của Ngành Lâm nghiệp: Giống cây lâm nghiệp, Chế biến gỗ và lâm sản, Giám sát tài nguyên rừng công nghệ cao.

Đặc biệt, đào tạo đội ngũ cán bộ KHCN trẻ có trình độ chuyên môn cao để hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trên một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến cho một số lĩnh vực trọng điểm của ngành.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ cao, thúc đẩy, kích cầu thị trường KHCN; tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các nhiệm vụ KHCN có sự tham gia nghiên cứu của chuyên gia quốc tế từ các tổ chức KHCN tiên tiến trên thế giới.

Nhật Hồng