Sơn La:
Xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng tại cụm dân cư làng bản
(Dân trí) - Nhận thức tầm quan trọng của Trung tâm học tập cộng đồng tại cơ sở nên Hội Khuyến học tỉnh Sơn La đã nghiên cứu, triển khai đề tài khoa học “Xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng tại cụm dân cư làng bản tỉnh Sơn La”.
Hội Khuyến học tỉnh Sơn La được thành lập tháng 8/2002. Sau 7 năm thực hiện đề án “Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở”, Hội Khuyến học Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Trước đây, tỉnh được công nhận phổ cập tiểu học trẻ ở độ tuổi 14. Đến nay, đã có 197/206 xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi 11, chiểm tỷ lệ 92%. Trên 75% số xã có tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học, phổ thông trung học cơ sở; 25/32 trường trung học phổ thông có bán trú theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
5 năm gần đây, Quỹ hội đã huy động được hơn 6 tỷ đồng, đã khen thưởng, cấp học bổng cho 129.395 học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học và các thầy cô dạy giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cơ quan, gia đình tự nguyện hiến tặng đất đai để làm trường học như gia đình ông Giàng A Lự hiến 3.000 m2, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy hiến 300 m2 ở giữa trung tâm thành phố mà không nhận tiền bồi thường.
Do nhận thức tầm quan trọng của Trung tâm học tập cộng đồng tại cơ sở nên Hội khuyến học tỉnh đã tình nguyện đăng ký và được UBND tỉnh Sơn La giao làm chủ đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng tại cụm dân cư làng bản tỉnh Sơn La”.
Đề tài được nghiên cứu trong 2 năm tại 3 mô hình điểm: vùng cao, vùng kinh tế chủ lực vùng thấp và vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La. Đề tài đã được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu và đánh giá là có tính thực tiễn cao, đã đưa vào thực hiện, áp dụng được mọi địa bàn trong tỉnh. Bởi vậy từ chỗ chỉ có 21 trung tâm, đến nay, tỉnh đã có 164 trung tâm, đạt 80% số xã, pường, thị trấn. Hàng ngàn lớp học cộng đồng được mở ngay tại các bản, tổ, cụm dân cư, rất thuận lợi cho người học.
Hiện nay, các trung tâm chưa có sự đầu tư đáng kể, cơ chế chính sách chưa rõ ràng nhưng đã biết phối kết hợp với 160 nhà văn hoá xã, trên 600 nhà văn hoá tổ bản, gần 200 điểm bưu điện văn hoá, các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm; lồng ghép các chương trình dự án như xoá đói giảm nghèo, chương trình 425 - 135... nên bước đầu thu được hiệu quả tốt.
Trung tâm mỗi năm thu hút hàng chục vạn lượt người đi học, không chỉ là chuyển giao kỹ thuật mới mà còn là giáo dục pháp luật, đường lối chính sách, giao lưu văn hoá, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền, hệ thống chính trị, thiết thực nhất là nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, giảm bớt các tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Tiến Nguyên