Vượt núi, vượt hồ tìm con chữ của học sinh bản Xốp Cháo, Cà Moong
(Dân trí) - Bản Xốp Cháo, Cà Moong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ vẫn đang tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài khi không điện lưới, không sóng điện thoại, không đường. Cuộc sống của đồng bào Khơ Mú nơi đây vẫn đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân ở đây đã biết khát khao con chữ, khát khao tri thức.
Để đến được với con chữ là một hành trình gian nan của các em học sinh và cả phụ huynh vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Bước chân của các em phải vượt qua đỉnh núi, vượt qua lòng hồ, mang theo niềm tin và giấc mơ thoát nghèo của cha mẹ.
Trong chuyến công tác vào vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) chúng tôi bắt gặp những con thuyền chở học sinh, phụ huynh rẽ sóng chạy ra. Những khuôn mặt đen đúa và nặng trĩu lo âu. Con thuyền nhỏ lỉnh kỉnh với túi này, túi nọ.
Thuyền cập bến, anh Moong Văn Tuấn nhảy lên bè nứa – xóm nổi nơi bờ hồ thủy điện Bản Vẽ, giữ thuyền khỏi chóng chành cho con bước lên. Mấy đứa nhỏ ôm theo cặp sách, ba lô, bó rau bước lên bờ. Anh Moong Văn Thắng ở cuối thuyền, chuyển từng bao gạo lên, anh Tuấn đón lấy, xách vào khỏi ướt.
Anh Tuấn và anh Thắng ở bản Cà Moong – nằm tít trong vùng lòng hồ thủy điện, mỗi nhà có 2 đứa con đang học ở Trường THCS Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An). Từ bản ra đến trường phải vượt qua 3 chặng đường, đầu tiên là cắt rừng đi bộ từ bản ra bờ hồ. Từ bờ hồ thuê thuyền chạy ra ngoài này rồi lại thuê xe ôm chở vào trường. “Mỗi chuyến đi về thế này cả 3 bố con mất 200-300 nghìn tiền đi lại rồi”, anh Tuấn chép miệng.
Vài ba tuần Moong Văn Ỏn – con trai anh Tuấn về nhà thăm nhà một lần. Mỗi lần trở ra trường, bố mẹ chuẩn bị sẵn gạo, nhà có thức ăn gì dự trữ cũng gói hết cho con đi, khi là miếng thịt rừng, có khi chỉ là mấy búp măng cũng có khi chẳng có gì. “5 cân gạo này thằng Tuấn Anh với em gái Mai Mằn ăn trong 2 tuần, cho thêm mỗi đứa 200 nghìn tiền mua thức ăn nữa. Khó khăn lắm nhưng thương con, chúng nó còn ham học thì mình phải cố thôi. Ở trong lòng hồ cũng chỉ biết trồng lúa nương, trồng cây sắn, đào củ măng kiếm thêm thôi”, anh Moong Văn Thắng cho biết thêm.
Vào bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh), chúng tôi bắt gặp từng đoàn phụ nữ bồng bế, dắt díu con lội qua hai quãng suối để vào trường. Đó là phụ huynh các cháu lớp mẫu giáo đóng ở bản Xốp Cháo. Xốp Cháo là bản nằm sâu trong vùng lòng hồ, từ bờ hồ đi vào mất 3 cây số men theo con suối uốn lượn theo triền núi. Lối mòn chỉ vừa 1 người đi, cứ người nọ nối với người kia thành một vệt, lầm lũi bước.
Thỉnh thoảng, đứa trẻ mỏi chân, mẹ chúng sẽ phải cõng còn hầu như chúng đi bộ. 3 cây số đường rừng cũng phải ngót 1 giờ đồng hồ mới đến nơi trường. Xốp Cháo có 4 cụm bản gồm Xốp Vi, Xốp Cháo, Pùng Meo và Xốp Păng, trong đó Xốp Vi, Pùng Meo và Xốp Păng là nằm rải rác ở xung quanh, tiếng là như vậy nhưng từ cụm bản đến bản chính cũng mất đến gần 2 tiếng đồng hồ.
Trời vừa mưa, con suối nước ngập đến bẹn, sợ quần áo con ướt, Xeo Thị Hoa (cụm bản Xốp Vi) lột sạch quần áo của con rồi cõng thằng bé qua suối. Qua bờ bên kia, Moong Minh Chí – con của Hoa lại quần áo chỉnh tề để vào lớp học. Trong thời gian chờ con học thì Hoa đi loanh quanh mấy nhà người quen trong bản. Chiều 4h, hai mẹ con lại tiếp tục chặng đường của ban sáng.
Vợ chồng Hoa có 3 đứa con, hai đứa lớn (cấp 2) đang trọ học ở ngoài trung tâm xã, đứa con út học mẫu giáo. “Tiền trọ của hai đứa lớn là 105 nghìn, gạo bố mẹ cho, hôm nào sắn được con sóc, con gà thì nhờ người gửi ra cho chúng hoặc hôm nào nghỉ, chúng về lấy. Tiền ăn mỗi đứa là 200 nghìn đồng nữa. Còn thằng Chí thì đầu năm nộp 300 nghìn rồi, cơm trưa thì mẹ mang theo, có chi ăn nấy, có hôm cũng chỉ có măng luộc thôi, Mỗi ngày hai mẹ con đi thuyền hết 10 nghìn nữa”, Hoa kể.
Đường xa, lại phải đi thuyền rồi lội suối, trèo dốc, không yên tâm để con đi một mình, Hoa phải đích thân đưa đón con. 6h sáng đi học, có hôm mưa lớn, suối ngập, phải đến 8h tối mới về cũng có khi ở nhờ nhà người quen trong bản. Vợ đưa đón con đi học, việc nương rẫy “nhường” hết lại cho chồng. Thứ 7, Chủ nhật, thằng Chí được nghỉ học khi đó Hoa mới có thể lên rẫy hay vào rừng đào măng kiếm thêm ít tiền dành dụm cho hai đứa lớn theo đuổi con chữ ở ngoài trung tâm xã.
“Em mới học đến lớp 5, nhà hoàn cảnh quá phải nghỉ học, giờ chỉ nhớ lõm bõm đôi chữ để bày cho thằng Chí đọc thôi chứ việc học của hai đứa lớn thì không biết gì mà bày vẽ. Mình không có nhiều cái chữ nên chỉ biết trồng rẫy, đào măng, khổ lắm. Giờ các con thích học, mà muốn học cao hơn thì phải ra ngoài xã rồi xuống thị trấn, mình cũng phải cố thôi. Các cháu đi học cũng được hỗ trợ, từ tiền ăn đến sách vở. Mình chỉ phụ thêm con bữa sáng hoặc ngày nghỉ thôi. Cán bộ cũng bảo có học mới thoát được nghèo. Chỉ mong các con có nhiều chữ hơn bố mẹ thì bớt khổ hơn”, Xeo Thị Hoa tâm sự.
Xốp Cháo, Cà Moong vẫn đang tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài khi không điện lưới, không sóng điện thoại, không đường. Cuộc sống của đồng bào Khơ Mú nơi đây vẫn đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân ở đây đã biết khát khao con chữ, khát khao tri thức. Những tấm lưng gầy của cha, của mẹ cúi xuống nương lúa đang nâng đỡ những bàn chân nhỏ của những đứa con, mang giấc mơ thoát nghèo vượt qua đỉnh núi, vượt qua cả lòng hồ mênh mông nước...
Hoàng Lam
(hoanghonglam@dantri.com.vn)