Vượt lên đôi chân tật nguyền
(Dân trí) - Năm 10 tuổi, trong lần đi hái rau khoai với mẹ, Văn Thị Ly bị xe thồ tông phải. Gia đình không có điều kiện chạy chữa, gần một năm trời, cô nằm liệt một chỗ… Không phó mặc số phận, Ly quyết tâm đứng dậy dù bước chân không còn bình thường.
Gian nan bước vào đời
Sau vụ tai nạn đó một năm, khi Văn Thị Ly (quê ở thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) bắt đầu tập tành được những bước đi đầu tiên với đôi chân khập khiễng thì cùng với 3 đứa em nhỏ, người chị cả này phải chịu cú sốc mẹ qua đời vì căn bệnh ung thư. Việc trở lại trường của Ly khi thành người khuyết tật đã khó khăn lại gian nan thêm bội phần.
“Em phải đối diện ánh mắt tò mò của mọi người khi mình bước đi và cố gạt đi mặc cảm của mình. Phải đối diện với nỗi đau mất mẹ, cùng với nỗi đau đó, việc học của em thêm chông chênh. Bố làm sao có thể lo nổi cho 4 chị em, em nghĩ mình học xong tiểu học rồi phải bỏ”, Ly nhớ lại.
Mỗi khi kết thúc năm học, luôn là học sinh giỏi nhất nhì lớp nhưng Ly luôn phải đối diện với việc nghỉ học. Bố em cắt từng khúc ruột khi nói: “Đừng học nữa con à” để rồi em lại xin bố cho mình học thêm một năm nữa, một năm nữa thôi. Ly dần bước qua các năm học trong khó khăn như vậy.
Tuy sức khỏe ốm yếu, nhưng nhờ được đến trường em có thêm tinh thần để làm việc nhà, đồng ruộng, thay mẹ chăm cho ba em nhỏ không biết mệt mỏi.
Lên cấp 3, Ly đã nhận trông trẻ, bế em để tích cóp những đồng tiền đầu tiên ấp ủ dự định thi vào đại học. Càng học, Ly càng muốn theo đuổi ước mơ lâu nay của mình là trở thành giáo viên. Trong khi Ly nhận thức được bố không thể lo cho mình học lên cao hơn nữa.
Ước mơ của Ly chao đảo khi cuối năm lớp 12 em mới hay ngành Sư phạm không tuyển thí sinh bị khuyết tật. Cô gái đã khóc rất nhiều. Với người khỏe mạnh ước mơ cháy bỏng bao nhiêu thì dường như với Ly càng lớn gấp bội. Bởi chính mong ước một ngày được đứng trên bục giảng như là nguồn “nuôi dưỡng” giúp cô vững vàng lâu nay.
Nhiều người nhìn Ly thương cảm, cô hiểu có người nghĩ: “Như vậy thì học hành thế nào được”. Ly không đầu hàng, quyết định đăng ký thi vào khoa Vật lý, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Năm đó, em thi đỗ với số điểm 21, trở thành sinh viên của trường.
Tìm con đường phù hợp
Ngày vào TPHCM nhập học, số tiền Ly mang theo người chỉ vài trăm nghìn từ tiền bán gà với một quãng đường chưa hề có phương hướng phía trước. Để có tiền lo cho bản thân ăn học, cô tân sinh viên lúc đó đã xin đi quét vệ sinh ở khu ký túc xá 4 lầu của trường để nhận được khoản tiền công 400.000 đồng mỗi tháng. Mặc dù với đôi chân của Ly chỉ riêng việc lên xuống cầu thang đã là cả một vấn đề.
Không chỉ vậy, Ly còn xin đi làm vệ sinh, rửa chén bát ở các nhà hàng để trang trải cho cuộc sống gắn liền với giảng đường. Làm thêm nhiều nên gần như Ly không còn thời gian cũng như sức khỏe dành cho việc học. Chưa hết năm thứ nhất, Ly sớm nhận ra rằng nếu mình cứ luẩn quẩn trong vòng xoáy kiếm tiền - học hành khi mà sức khỏe không cho phép thì con đường phía trước sẽ rơi vào ngõ cụt.
Đúng lúc đó, Ly được biết ở Trường ĐH Văn Lang có dự án đào tạo Công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật. Sau khi cân nhắc, thấy bản thân mình cần một nghề cụ thể, lại phù hợp với sức khỏe, điều kiện kinh tế Ly quyết định từ bỏ ngành mình đang học để đăng ký vào học khóa đào tạo đó. Theo học ở đây, Ly được miễn học phí và hỗ trợ tiền ăn ở.
“Khi đó em nhìn nhận mọi thứ thực tế hơn. Và có lẽ chấp nhận mình là người khuyết tật sẽ giúp mình được sống thật và có điều kiện để phát huy khả năng hơn. Đôi khi không phải theo đuổi con đường tốt nhất mà biết chọn con đường phù hợp nhất cho mình”, Ly chia sẻ.
Đúng như suy nghĩ của Ly, sau gần 2 năm theo ngành lập trình, với những nỗ lực của mình, cô tốt nghiệp thủ khoa với số điểm tổng kết 8.1. Ra trường, Văn Thị Ly được nhận vào làm việc tại công ty GHP Far East, thuộc một tập đoàn của Đức. Điều đó giúp cho những bước chân của Ly thêm vững vàng, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn có thể lo cho gia đình.
Hoài Nam