Quảng Bình:
Vượt đại ngàn Trường Sơn đưa con chữ về với bản Đoòng
(Dân trí) - Để đưa con chữ về với các em học sinh ở bản Đoòng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), những người thầy bằng lòng nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp đã không ngại băng rừng, lội suối, vượt bộ hàng chục cây số giữa đại ngàn Trường Sơn để đến bám bản, nuôi dưỡng ước mơ cho con em đồng bào dân tộc.
Sau gần 3 giờ đồng hồ băng rừng, lội suối, men theo sườn núi với những con dốc dài lởm chởm đá, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với điểm trường bản Đoòng, một bản làng đặc biệt khó khăn của xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Từ xa, nghe tiếng “ê a” của những em nhỏ cùng giọng trầm ấm của người thầy giáo đang hăng say giảng bài khiến chúng tôi dường như quên đi sự mệt nhọc. Thấy khách đến, thầy giáo Hoàng Văn Sáu (SN 1968) niềm nở ra đón chúng tôi, thầy là người phụ trách điểm trường bản Đoòng và cũng là người gắn bó lâu nhất với công tác dạy học tại đây.
Bản Đoòng là nơi sinh sống của đồng bào Vân Kiều, vào năm 1990 một số người từ Quảng Trị di cư ra Quảng Bình đã ở lại đây dựng nhà lập bản, đến nay toàn bản có 10 hộ dân với 42 nhân khẩu. Vào năm 1995 cũng đã từng có một thầy giáo đến với bản để dạy chữ cho đồng bào, tuy nhiên vì sức khỏe, sau một thời gian thầy đành tạm biệt dân bản để về xuôi, và thế là việc học chữ của người dân trong bản cũng dừng lại ở đây.
Mãi đến đầu năm 2010, nhằm thực hiện chương trình mở lớp học xóa mù chữ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch đã cử thầy giáo Hoàng Văn Sáu lên cắm bản, cũng từ đó cho đến nay, thầy Sáu đã gắn bó các em học sinh, với lớp học giữa mênh mông đại ngàn.
Kỷ niệm những ngày đầu chân ướt, chân ráo vào bản vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí của thầy Hoàng Văn Sáu như vừa mới ngày hôm qua. Rót chén nước mời khách, thầy Sáu bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian đầy gian nan mà thầy đã gắn bó với điểm trường bản Đoòng.
“Tôi nhận nhiệm vụ đến với bản Đoòng để xây dựng điểm trường, dạy học cho các em, lúc đó chúng tôi chỉ có một tấm bạt làm lán, học sinh thì ngồi đất, thầy cứ khom lưng đứng dạy học sinh như vậy, đến khi cùng dân bản dựng được một phòng học tạm thì lại bị lũ cuốn trôi mất”, thầy Sáu nhớ lại.
Điểm trường bản Đoòng hiện có 10 em học sinh đang theo học ở khối lớp 3, 5 và 7. Là một bản làng heo hút, hoang vu bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh, cuộc sống của người dân ở đây còn rất nhiều khó khăn, điện thắp sáng không có, đường đi vất vả, trình độ dân trí lại thấp nên để đưa được cái chữ đến với con em cũng là một điều hết sức gian nan. Điều kiện học tập của các em cũng vì thế mà thiếu thốn trăm bề, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, hành trang của thầy trò chỉ là những cuốn sách cũ, những cuốn vở nhem nhuốc.
Với những giáo viên cắm bản như thầy Sáu, những khó khăn vất vả có lẽ đã tôi luyện cho các thầy niềm tin và ý chí, sức khỏe dẻo dai, bền bỉ vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, nhường cơm sẻ áo, đồng hành với các em học sinh, với bản làng.
“Nhờ các thầy mà các cháu ở bản biết được cái chữ Bác Hồ, có được cái chữ rồi mới có hiểu biết nhiều để xây dựng bản, mai sau còn học hỏi để làm ăn, không phải vất vả nữa, chúng tôi thương các thầy và biết ơn nhiều lắm”, ông Nguyễn Sỹ Trắc, Trưởng bản Đoòng chia sẻ.
Với tình yêu với học trò, với nghề, những người thầy cắm bản luôn nhận được sự tin yêu của các em học sinh cũng như đồng bào dân tộc nơi đây. Sáng, chiều lên lớp, đêm về với những chiếc đèn pin, ngọn nến lập lòe, các thầy cô giáo lại bận rộn bên trang giáo án.
Rồi mai đây, những con chữ, những kiến thức mà những người thầy cắm bản mang đến sẽ giúp con em người dân tộc Vân Kiều tiếp cận được nhiều kinh nghiệm mới trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống, giảm bớt vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo nơi vùng sâu, vùng xa.
Bài, ảnh: Tiến Thành