Vừa ra trường nhận lương 2.000 USD: Có còn là viển vông?

(Dân trí) - Ngày 23/04, tại Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace (Hà Nội), buổi toạ đàm “Lương 2.000 USD: Giấc mơ viển vông hay ý chí Việt” đã được tổ chức nhằm giải đáp thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia với sinh viên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) để làm sao có việc làm với mức lương cao.

Tiến sĩ Lê Nhân Tâm - Cố vấn công nghệ và kiến trúc sư về điện toán đám mây của Tập đoàn IBM - trình bày trong buổi toạ đàm về “Lương 2.000 USD: Giấc mơ viển vông hay ý chí Việt”.
Tiến sĩ Lê Nhân Tâm - Cố vấn công nghệ và kiến trúc sư về điện toán đám mây của Tập đoàn IBM - trình bày trong buổi toạ đàm về “Lương 2.000 USD: Giấc mơ viển vông hay ý chí Việt”.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước câu hỏi của một sinh viên “Làm thế nào để có lương 2.000 USD?”. Trong bối cảnh 63% sinh viên ra trường không làm được việc, 225.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, năng suất lao động của 23 người Việt Nam mới bằng 1 người Singapore... thì vấn đề “lương 2000 USD” đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích rằng “không tự lượng sức”.

Thế nhưng, thực tế là có nhiều bạn trẻ Việt đã chinh phục thành công những đỉnh cao của thế giới. Đó là những bạn trẻ Việt được các trường đại học danh tiếng như Harvard, Oxford, Cambridge trao học bổng lớn, rộng cửa chào đón; là những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc tế mà những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu cũng phải thèm muốn hay những bạn trẻ nhanh chóng thành danh tại các Tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Facebook...

Để giải đáp câu hỏi về lương 2.000 USD, một cuộc tọa đàm mang tên “Lương 2.000 USD: Giấc mơ viển vông hay ý chí Việt” đã được tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đến từ Ấn độ, Tập đoàn IBM: Tiến sĩ Lê Nhân Tâm - Cố vấn công nghệ và kiến trúc sư về điện toán đám mây của Tập đoàn IBM, ông Mayur Spasah - chuyên gia cao cấp Tập đoàn APTECH toàn cầu, ông Chu Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường Đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech.

Buổi tọa đàm nhằm chia sẻ với các bạn trẻ về kinh nghiệm làm việc thực tiễn, giúp các bạn tìm kiếm được cơ hội việc làm phù hợp với bản thân, giải đáp câu hỏi “Làm thế nào để có lương 2.000 USD?”. Tại đây, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng đối với các bạn sinh viên ngành công nghệ thông tin Việt Nam, mức lương 2.000USD là trong tầm tay.

Hai chuyên gia của buổi tọa đàm là ông Lê Nhân Tâm (IBM) và ông Mayur Spasah (Aptech) đã có bài thuyết trình về những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực CNTT và cơ hội việc làm với những “ông lớn” như: IBM, Microsoft, Google, Facebook...

ông Chu Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường Đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech, ông Mayur Spasah - chuyên gia cao cấp Tập đoàn APTECH toàn cầu, ông Lê Nhân Tâm - Cố vấn công nghệ và kiến trúc sư về điện toán đám mây của Tập đoàn IBM (từ trái qua phải ảnh)
ông Chu Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường Đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech, ông Mayur Spasah - chuyên gia cao cấp Tập đoàn APTECH toàn cầu, ông Lê Nhân Tâm - Cố vấn công nghệ và kiến trúc sư về điện toán đám mây của Tập đoàn IBM (từ trái qua phải ảnh)

Ông Mayur Spasah nhận định rằng: “Công nghệ thông tin đang thay đổi cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Chúng ta thường kiểm tra Facebook, Instagram mỗi khi thức dậy. Trong mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây, CNTT luôn gắn liền với cuộc sống. Chúng ta gần như không thể rời chiếc điện thoại di động thông minh.

Tất cả những ứng dụng như Facebook, Viber... mà chúng ta đang dùng hàng ngày đều bắt đầu từ những lập trình viên, coding. Theo số liệu thống kê hiện nay Việt Nam có nhu cầu 400.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực CNTT. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ đam mê CNTT”.

Tiến sĩ Lê Nhân Tâm chia sẻ rằng: “Cách đây vài tháng, chủ đề lương 2.000 USD khá nóng. Chúng tôi cũng đã bàn luận về chủ đề này và nhận thấy rằng ngày xưa chúng tôi không bao giờ dám nghĩ tới mức lương như vậy. Có thể thấy rằng, sinh viên ngày nay dám nghĩ. Và theo tôi biết, mức lương này với sinh viên mới ra trường là có, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, để có mức lương ấy là không đơn giản”.

Ông Tâm tiếp lời: “Khi vừa ra trường, mức lương của tôi chỉ đạt 1/7 con số 2.000 USD. Tuy nhiên, hiện nay, có những bạn làm việc về lĩnh vực bảo mật CNTT, có kĩ năng về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo... có mức lương hàng ngàn đô.

Thế nhưng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng hơn mức lương là xác định được trong tương lai bạn sẽ là ai. Trong 2 năm, hay 5 năm tới, “mình sẽ là ai”, đó mới là câu hỏi nên được đặt ra. Để từ đó bạn biết được cần phải làm gì, trang bị những gì cho mình để đạt được mục tiêu”.

Ông Tâm cũng cho biết: “IBM, hay Microsoft, Google... đều tuyển dụng những người có nhiều kinh nghiệm. Để làm cho “các ông lớn” phải là những người có kinh nghiệm. Khi đi làm, bạn nên để ý các anh chị quản lý, các sếp xem họ làm công việc gì, cần những kĩ năng gì. Từ đó, bạn đặt mục tiêu là phải bổ sung những kiến thức gì.

Bản thân tôi, tôi đã cố gắng xin học bổng đi học. Tôi liên hệ với các ngôi trường mà tôi muốn học để biết được nếu muốn được học bổng tôi cần phải có những điều kiện gì. Sau đó, tôi về chuẩn bị và làm đủ hồ sơ đi học. Cho tới bây giờ, tôi vẫn luôn đặt mục tiêu cho bản thân theo mốc thời gian và từ đó xác định được mình cần phải làm gì”.

Ví dụ của ông Tâm là muốn được vào IBM thì cần phải nắm được hiện nay IBM đang làm những gì, họ cần những nhân sự ra sao. Từ đó, bạn phải có những kĩ năng mà công ty yêu cầu mới được.

Ông Tâm cũng khuyên các bạn trẻ nên trải nghiệm làm việc tại một số công ty trước khi start-up để học hỏi để giảm thiểu rủi ro.

Bạn Hà Nam Đạt, đến từ Bắc Ninh đặt câu hỏi cho các chuyên gia.
Bạn Hà Nam Đạt, đến từ Bắc Ninh đặt câu hỏi cho các chuyên gia.

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi: “Kém Tiếng Anh và chưa có nền tảng gì về công nghệ thì có học ngành CNTT được không?”

Ông Mayur Spasah đáp rằng: “Ai cũng có thể học. Tuy nhiên, mỗi người phải thật sự nỗ lực và quyết tâm. Bạn có thể học CNTT mà không cần giỏi tiếng Anh, nhưng bạn không thể trở thành người giỏi trong lĩnh vực CNTT mà không có tiếng Anh tốt”.

Bạn Hà Nam Đạt, đến từ Bắc Ninh hỏi: “Khi học CNTT tại Việt Nam thì có được học công nghệ cập nhật ngay tại thời điểm học không hay chỉ học theo chương trình có sẵn?”.

Ông Mayur Spasah cho biết: “Các bạn cần nắm chắc được nền tảng để xây dựng, mở rộng kiến thức lên các tầng cao hơn. Trong quá trình học các em cũng được cập nhật những công nghệ mới”.

Ông Chu Tuấn Anh khẳng định: “Cách đây 20-30 năm, ở Việt Nam rất hiếm những người nhận được học bổng toàn phần vào những trường ĐH hàng đầu của thế giới như Stanford, Offord... nhưng hiện nay xin học bổng đang là xu hướng và rất nhiều bạn đạt được điều đó. Chính vì thế, mức lương ngàn đô cũng nằm trong tầm tay của các bạn”.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm