Vụ mua bán trường ở Bắc Ninh: Công an vào cuộc
(Dân trí) - Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của bà Nguyễn Kim Khoa về việc bà bị giả mạo chữ ký, Công an tỉnh Bắc Ninh đã giao cho Công an Yên Phong xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Hiện vụ việc đang được tiến hành xác minh, điều tra làm rõ.
Thanh tra tỉnh Bắc Ninh: Kết luận theo “cảm quan”?
Như chúng tôi đã phân tích trong bài viết “Lùm xùm mua bán trường học”, mặc dù chưa thực hiện giám định chữ ký của bà Nguyễn Kim Khoa trên các biên bản thỏa thuận nhưng Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vẫn chủ quan đánh giá: Việc giao dịch và chuyện nhượng toàn bộ tài sản của Trường tư thục Nguyễn Trãi, huyện Yên Phong là khách quan, minh bạch, có sự thống nhất giữa gia đình ông Mộc, bà Khoa. Việc bà Khoa viết đơn, phản ánh bà không biết, không ký vào biên bản và không nhận tiền là phản ánh không đúng, không có căn cứ.
Để làm rõ thêm phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với Thanh tra tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chánh thanh tra tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trước đây, khi mới thành lập là trường dân lập thì vốn chính là của ông Nguyễn Văn Mộc, sau này thì hai vợ chồng cùng tham gia quản lý. Nói cách khác lúc này tài sản là của gia đình. Khi chuyển đổi sang trường tư thục thì không phải là tài sản của một cá nhân mà là tài sản của nhiều người. Thủ tục này do hoàn toàn các bên thỏa thuận với nhau, nhà nước không can thiệp gì. Sau khi thỏa thuận xong rồi thì các bên mới báo cáo lên cấp có thẩm quyền.
Vấn đề ở đây là bà Khoa có phản ánh việc chuyển đổi là không bình đẳng, bà không được biết việc chuyển đổi và có những chỗ bị giả mạo. Trên tinh thần đi tìm hiểu sự thật trên cơ sở các tài liệu giấy trắng, mực đen hoặc gặp các các bên liên quan...
“Qua việc tận mắt nhìn văn bản gốc và đối chiếu các chữ ký thì chúng tôi mới nhận định là không thể có chuyện giả được” - ông Cảnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc giám định chữ ký giả mạo hay thật không chỉ đơn thuần là chỉ so sánh sự giống nhau mà còn phải làm rõ đó là chữ ký trực tiếp hay in sao sang để hợp thức hóa. Vậy lý do tại sao Thanh tra tỉnh không nhờ giám định từ phía cơ quan công an để có kết quả chính xác từ đó mới đưa ra kết luận?
Trước vấn đề này, ông Cảnh chốt lại: “Anh em đã dám đề xuất, kết luận như thế thì dám chịu trách nhiệm”.
Ông Cảnh cũng cho rằng, việc bà Khoa gửi đơn mới chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh chưa phải là đơn tố cáo nên khi UBND tỉnh yêu cầu thì Thanh tra tỉnh mới tiến hành làm rõ sự thật. Nếu là đơn tố cáo thì sẽ phải nhờ cơ quan chức năng tham gia giám định chữ ký.
Sở GD-ĐT Bắc Ninh quyết liệt xử lý vụ việc
Sau khi Dân trí phản ánh tình trạng bà Khoa không được trả lương hơn 6 tháng nay thì Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã có buổi làm việc với Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu trường THPT tư thục Nguyễn Trãi. Buổi làm việc tập trung vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu, theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT, ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục. Ngoài ra cũng làm rõ việc bà Khoa bị cắt lương hơn 6 tháng.
Theo thông tin của Dân trí, tại buổi làm việc này, Sở GD-ĐT Bắc Ninh tiếp tục khẳng định bà Khoa vẫn là Hiệu phó Trường THPT Tư thục Nguyễn Trãi, việc cắt lương của bà là không đúng quy định. Sở GD-ĐT Bắc Ninh yêu cầu Trường THPT Nguyễn Trãi giải quyết chế độ tiền lương cho bà Khoa.
Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Kim Khoa cho hay: “Từ buổi làm việc đến nay, tôi vẫn chưa nhận được lương. Thậm chí còn có những dấu hiệu thách thức. Trong buổi làm việc, Sở GD-ĐT Bắc Ninh cũng không yêu cầu mốc thời gian cụ thể nhà trường phải trả lương cho tôi”.
Trước những thắc mắc của bà Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh Nguyễn Đức Bước khẳng định: “Sở đã làm việc với Hội đồng quản trị của trường THPT Tư thục Nguyễn Trãi và đã thống nhất trong tháng 7 này phải trả lương đầy đủ cho cô Khoa”.
Với việc bà Khoa thông tin thêm, mặc dù đúng sai trong việc cổ phần hóa chưa ngã ngũ nhưng dựa vào các văn bản hiện có (trong đó có nhiều văn bản giả mạo chữ ký) vợ chồng Vũ Thị Nhân (không phải là thành viên Hội đồng quản trị) tuyên bố: “Vợ chồng tôi đã chuyển nhượng trường cho họ, nên giờ trường là của họ, họ muốn làm gì thì làm, sau đó ép ông Lê Khắc Sướng phải bàn giao con dấu cho họ, gây khó khăn trong việc điều hành của Ban Giám hiệu”.
“Chúng tôi đã kiểm tra và khẳng định không có chuyện ép bàn giao con dấu. Theo quy định thì Hiệu trưởng sẽ là người trực tiếp giữ con dấu, còn việc quản lý con dấu như thế nào là do Hiệu trưởng quyết định” - Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Nguyễn Hùng