Vụ học sinh “ngồi nhầm lớp”: Bộ GD-ĐT "phê bình" Quảng Trị

(Dân trí) - Liên quan đến việc học sinh không biết chữ vẫn được nhà trường cho lên lớp tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT Quảng Trị chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, hiệu trưởng cần phải nghiêm túc kiểm điểm.

Bộ GD-ĐT cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin báo chí phản ánh tình trạng một số học sinh đang học tại trường Tiểu học A Túc và trường Tiểu học &Trung học cơ sở A Dơi thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không biết đọc, biết viết..., Bộ GD-ĐT đã cử đoàn công tác vào làm việc và cùng với đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị và Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa trực tiếp đến 2 trường này để xác minh và chỉ đạo.

Vụ học sinh “ngồi nhầm lớp”: Bộ GD-ĐT phê bình Quảng Trị
Trường Tiểu học A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi có nhiều học sinh không biết chữ. (Ảnh: Đăng Đức)

Qua trao đổi và làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu, giáo viên, cha mẹ học sinh và kiểm tra thực tế đã khẳng định nội dung báo chí phản ánh là đúng sự thật. Cụ thể như sau, tại Trường Tiểu học A Túc: Ba em học sinh Hồ Văn Thế, Hồ Văn Quyền (học sinh lớp 5) và Hồ Văn Thùy (học sinh lớp 4) không đọc được, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Phòng khám khu vực vùng Lìa và Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa có giấy chứng nhận đây là ba học sinh khuyết tật; các em được học hòa nhập. Trong đó, em Hồ Văn Thùy và Hồ Văn Thế có vấn đề về thần kinh, ảnh hưởng đến học tập và em Hồ Văn Quyền bị điếc bẩm sinh, khó khăn về nói, thần kinh chậm phát triển - xếp loại sức khỏe loại 5.

Học sinh Hồ Xuân Luật, năm học 2013-2014 thực tế không bỏ học nhưng thường xuyên không đến trường. Tuy nhiên cuối năm học em Luật vẫn được nhà trường tặng giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi: Ba em học sinh Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơn (học sinh lớp 7) khả năng đọc, viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản. Chưa đảm bảo được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng của học sinh ở trình độ lớp 7.

“Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các giáo viên dạy và đánh giá học sinh qua từng năm học đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng giáo dục và trình độ của học sinh với Ban giám hiệu nhà trường, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém của học sinh” - Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, qua trao đổi cũng thấy rõ Sở và Phòng GD-ĐT, Ban giám hiệu các trường buông lỏng quản lý chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng giáo dục: Trường Tiểu học A Túc không có hồ sơ giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật, không có giải pháp riêng phù hợp với đặc điểm sức khoẻ và khả năng nhận thức của các em, cũng không có các biện pháp phối hợp với gia đình để theo dõi, giúp đỡ các em học sinh này.

Cả hai nhà trường đều không thực hiện việc nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh từ giáo viên dạy năm học trước (lớp dưới) cho giáo viên dạy năm học sau (lớp trên), từ tiểu học lên trung học cơ sở. Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng trị không chỉ đạo nghiêm túc việc này; Công tác thanh, kiểm tra hàng năm của các cấp quản lý giáo dục địa phương không phát hiện được hoặc đã bỏ qua những thiếu sót của giáo viên và nhà trường trong nhiệm vụ dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Để từng bước khắc phục và không tái diễn tình trạng trên, Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị khẩn trương chỉ đạo Trường Tiểu học A Túc và Trường Tiểu học & Trung học cơ sở A Dơi khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Hiệu trưởng hai trường cần nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lí chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh ; xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”; bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng; cuối năm học tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục theo đúng quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8 năm 2014 của Bộ GD-ĐT.

Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”. Định kỳ báo cáo cụ thể bằng văn bản về chất lượng giáo dục của các học sinh trên với Sở GD-ĐT.

Bên cạnh đó, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, đánh giá học sinh trong năm học, cuối học kỳ, cuối năm học; tất cả các trường trong tỉnh rà soát trình độ học sinh, phân loại và có biện pháp kịp thời giúp đỡ để học sinh đều có thể đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, không để xuất hiện thêm những học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Đồng thời, tiến hành các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý, chú trọng công tác kiểm tra và trách nhiệm giải trình của cán bộ các cấp quản lý giáo dục, của hiệu trưởng nhà trường; nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà giáo đối với học sinh, nhất là với các em học sinh khuyết tật, học sinh người dân tộc thiểu số, thực hiện nghiêm túc những quy định của Bộ GD-ĐT về công tác quản lý dạy và học.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Quảng Trị rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
 
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị: Sẽ xem xét kiểm điểm từng cá nhân
 
Ngày 13/4, trao đổi với PV Dân trí xoay quanh việc nhiều học sinh tại một số trường học ở huyện Hướng Hóa không biết đọc và viết chữ, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, sẽ xem xét kiểm điểm từng cá nhân liên quan trong việc để học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Ông Hoàng Đức Thắm cho rằng: “Để xảy ra tình trạng học sinh không biết chữ, trách nhiệm lớn thuộc về các thầy, cô, nhà trường đã thiếu sự quan tâm sâu sát, không đánh giá đúng năng lực của từng học sinh. Thầy, cô biết năng lực học sinh chưa đạt yêu cầu nhưng vẫn che giấu. Cùng với đó, Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm quản lý nhưng không phát hiện, báo cáo kịp thời để chấn chỉnh”.

“Có thể, do thầy, cô và nhà trường quá thương học sinh, không muốn các em nản chí rồi bỏ học nên mới giấu giếm để cho học sinh lên lớp mà không biết rằng việc làm ấy vô tình làm hại các em, khiến các em mất đi kiến thức căn bản. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng chưa quan tâm kèm cặp, bồi dưỡng kiến thức cho các em” - ông Thắm thẳng thắn.

Nhiều học sinh được nhà trường cho lên lớp nhưng vẫn chưa biết đọc và viết chữ. (Ảnh: Đăng Đức)
Nhiều học sinh được nhà trường cho lên lớp nhưng vẫn chưa biết đọc và viết chữ. (Ảnh: Đăng Đức)

Tuy nhiên, ông Thắm nói, đây chỉ là một số những học sinh cá biệt, trí tuệ phát triển chậm nhưng cha mẹ các em không muốn đưa vào trường hòa nhập vì sợ con mình không theo kịp bạn bè.

Nói về vấn đề cấp trên có đặt nặng về chỉ tiêu phổ cập, gây áp lực cho các trường phải cho học sinh lên lớp, ông Thắm cho rằng, Bộ GD-ĐT cũng như Sở không đề ra chỉ tiêu, nếu học sinh nào không đạt chuẩn kiến thức thì có thể cho ở lại lớp. Tiêu chí đạt phổ cập giáo dục là huy động được 80% số học sinh đến trường đúng độ tuổi. Việc đánh giá chất lượng học sinh là do giáo viên đứng lớp, và giáo viên tự chịu trách nhiệm về kết quả từng quá trình học của học sinh. Trong sự việc này, có thể do giáo viên sợ không hoàn thành nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua nên mới cho học sinh lên lớp.

“Trước mắt, Sở đã yêu cầu các trường phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho các em để giúp các em tiếp cận với chuẩn kiến thức. Bên cạnh đó, chỉ đạo cho Phòng Giáo dục rà soát, thống kê lại chất lượng, học sinh nào không đáp ứng yêu cầu thì sẽ cho các em ở lại lớp. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện từng bước” - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị thông tin.

Nguyễn Hùng - Đăng Đức
 
 

Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!