Vụ học sinh diễn kịch có “cảnh nóng”: Hiệu trưởng nói không trù dập, thầy giáo nói có

(Dân trí) - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) - nơi xảy ra sự vịệc thầy giáo bị đình chỉ vì để học sinh diễn kịch có cảnh "nhạy cảm" - cho rằng quyết định kỷ luật thầy Phạm Quốc Đạt không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hóa.

Ngày 30/3, Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TPHCM) - nơi xảy ra sự việc thầy giáo bị đình chỉ vì để học sinh diễn kịch có cảnh "nhạy cảm" - đã có những trao đổi thêm thông tin về sự việc đang gây xôn xao này. 

Vụ học sinh diễn kịch có “cảnh nóng”: Hiệu trưởng nói không trù dập, thầy giáo nói có - 1

Ông Lương Văn Định, hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản tại buổi họp có chia sẻ thông tin về sự việc kỷ luật thầy giáo để học sinh diễn "cảnh nóng".

Ông Lương Văn Định, hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho hay, quyết định kỷ luật thầy Đạt liên quan đến nhiều sai phạm chuyên môn khác chứ ở đây không trù dập thầy giáo. 

Một số sai phạm của thầy Phạm Quốc Đạt được ông Định chỉ ra như thay đổi phân phối chương trình, đi muộn 16 lần, vắng họp 3 lần, có những lời lẽ, phát ngôn xúc phạm danh dự, uy tín của người khác chứ không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hóa. 

Ông Định cho biết, để đi đến quyết định kỷ luật trên, nhà trường đã tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm gồm các thầy cô giáo trong trường để thăm dò về hình thức kỷ luật. Trước đó, nhà trường đã gặp gỡ, trao đổi để thầy Đạt sửa chữa, khắc phục nhưng thầy thiếu thiện chí.

Vụ học sinh diễn kịch có “cảnh nóng”: Hiệu trưởng nói không trù dập, thầy giáo nói có - 2

Giáo viên của trường chia sẻ ý kiến tại buổi họp 

Phía tổ chuyên môn Văn nhà trường thông tin, thầy Phạm Quốc Đạt để học sinh thực hiện sân khấu hóa các tác phẩm như Bỉ vỏ, Quan Âm Thị Kính... không nằm trong chương trình, trong kế hoạch và chưa được sự thống nhất của tổ chuyên môn. 

Theo đánh giá của một số giáo viên, họ cho rằng thầy Đạt để học sinh sân khấu hóa tái hiện tác phẩm một cách quá trớn, trần trụi, thô tục, không có tính sáng tạo và không mang tính giáo dục. 

Vụ học sinh diễn kịch có “cảnh nóng”: Hiệu trưởng nói không trù dập, thầy giáo nói có - 3

Một cảnh "nhạy cảm" trong vở diễn của học sinh qua cách thức chiếu bóng. (Ảnh cắt từ clip)

Trao đổi với Dân trí, thầy Phạm Quốc Đạt cho hay, thầy không hề được biết, được mời đến cuộc họp này. Thầy có cảm giác như mình đang bị đưa ra để "đấu tố", nhiều ý kiến mang tính quy chụp, gán tội cho mình. 

Thầy Đạt cho hay, ông chỉ đi muộn 4 lần, trong đó có những lần bị giám thị nhà trường săm soi, ghi sổ từng li từng tí.

"Tôi đã phản ứng về điều này nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn cứ quy chụp, trù dập. Tôi nghỉ phép đều nghỉ có đơn theo quy định, có giấy xác nhận của bệnh viện và đều có kế hoạch dạy bù đầy đủ", ông Đạt nói. 

Còn đối với việc một số giáo viên ở trường cho rằng học sinh tái hiện thô tục, thầy Phạm Quốc Đạt nhấn mạnh, mỗi người có một góc nhìn và họ đang đánh giá chỉ ở một phân cảnh, một clip bị cắt chọn ra phân cảnh "nhạy cảm" để tung lên mạng. Đánh giá như vậy không chỉ thầy mà rất tội nghiệp cho các em học sinh, các em rất áp lực, mang tiếng. 

Vụ học sinh diễn kịch có “cảnh nóng”: Hiệu trưởng nói không trù dập, thầy giáo nói có - 4

Thầy Phạm Quốc Đạt cho rằng mình bị trù dập và tiếp tục theo đuổi vụ kiện hiệu trưởng ra quyết định kỷ luật "oan sai"

Cho rằng mình bị kỷ luật "oan sai", thầy Phạm Quốc Đạt cũng đã gửi đơn "cầu cứu" lên Sở GD-ĐT TPHCM. 

Về việc gửi đơn kiện hiệu trưởng ra tòa án, thầy Phạm Quốc Đạt thông tin, mới đây, phía tòa trả đơn yêu cầu thầy phải gửi đơn qua Liên đoàn Lao động. Tuy nhiên, phía thầy Đạt cùng luật sư đã phản bác cho rằng đây là án dân sự. Sau đó, tòa hẹn ngày 3/4 sẽ có trả lời chính thức. 

Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến những sự việc trên, thầy Phạm Quốc Đạt bị nhà trường kỷ luật với hình thức cảnh cáo, đồng thời bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm khác cho nhà trường. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng.

Cả hai bên cần cùng nhìn lại 

 

Liên quan đến sự việc học trò diễn "cảnh nóng", thầy giáo bị đình chỉ, một giáo viên dạy Văn có tiếng ở TPHCM chia sẻ, về nội tình sự việc trong trường cô không nắm rõ. Nhưng xét tính chất sự việc quanh câu chuyện hình thức sân khấu hóa thì cả hai bên đều sai.

 

Theo cô, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học để làm rõ hơn về tác phẩm nhưng việc thực hiện không hề đơn giản. Có thể là học sinh vui, thích nhưng giáo viên thực hiện phải trả lời được học sinh học được cái gì? 

 

Dạy Văn trước hết phải giúp học sinh cảm thấu được ý nghĩa của tác phẩm bằng mặt ngôn ngữ chứ không phải là loại hình nào khác, nhiều người đang lạm dụng hình thức sân khấu hóa. Trong khi, từ đọc hiểu chuyển thể sang sâu khấu hóa là cả một quá trình. 

 

Giáo viên phải có sự chọn lọc, chọn lọc tác phẩm, chọn lọc phân cảnh. Cô khá bất ngờ ở sự việc này sao giáo viên lại chọn tác phẩm Bỉ vỏ. 

 

Tuy nhiên, cô không phủ nhận vai trò của hình thức sân khấu hóa trong dạy Văn và rất ủng hộ những giáo viên dấn thân, đổi mới. Và trên hành trình này, chính người thầy cũng cần được ủng hộ, hỗ trợ và giúp đỡ.

 

Trong sự việc này, nếu kỷ luật, đình chỉ thầy giáo liên quan đến việc tổ chức để học sinh sân khấu hóa thì nhà trường cũng rất cần xem lại để tìm tiếng nói chung trên tinh thần xây dựng. 

Lê Đăng Đạt