Vụ cô mắng trò "khốn nạn": Nhà giáo cần kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, sự việc cô mắng trò "khốn nạn" ở Tuyên Quang là kết quả của áp lực mà người thầy phải đối mặt trong cuộc sống lẫn chuyên môn.

Áp lực công việc và cuộc sống dẫn đến kiệt quệ về tâm lý và mất kiểm soát cảm xúc

Sự việc giáo viên ngữ văn mắng học sinh "mất dạy", "khốn nạn", "mặt trơ trơ như chó" và đuổi ra khỏi lớp vì học sinh ko tập trung trong giờ học xảy ra tại Trường THCS Trần Phú (Tuyên Quang).

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường đã có nhiều buổi làm việc với giáo viên, yêu cầu cô tường trình, kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Hiệu trưởng nhà trường nhận định hành vi của cô là sai và đã kiểm điểm giáo viên. Đồng thời, ông đánh giá chuyên môn của cô giáo "vững vàng", cô tâm huyết, nhiệt tình nhưng "thắng thắn, nóng tính".

Nhận định về sự việc sau khi xem clip cô giáo mắng học sinh, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nêu quan điểm:

"Tôi khẳng định hành vi mắng chửi học sinh trong lớp học là hành vi vi phạm chuẩn mực nhà giáo, không thể chấp nhận nhưng nó thường là kết quả của một loạt áp lực về cả cuộc sống cá nhân lẫn chuyên môn của người đứng lớp".

Vụ cô mắng trò khốn nạn: Nhà giáo cần kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần - 1

Hình ảnh hai học sinh bị đuổi ra khỏi lớp học (Ảnh cắt từ clip).

Theo PGS.TS Trần Thanh Nam, giáo viên trong câu chuyện có thể đã quá tải với cường độ công việc cao từ quản lý lớp học, chuẩn bị bài, chấm bài, cập nhật công nghệ, đổi mới chương trình và rất nhiều các hoạt động để đáp ứng chỉ tiêu. Áp lực công việc và quá tải dẫn đến kiệt quệ về tâm lý và mất kiểm soát cảm xúc.

Bên cạnh đó, giáo viên thiếu kỹ năng quản lý lớp học do không thật sự hiểu đúng tâm lý của thế hệ học sinh GenZ và GenAlpha. 

Sự mất tập trung chú ý của học sinh có thể đến từ phương pháp giảng dạy không phù hợp của giáo viên. Nhưng giáo viên không nhìn thấy điều này mà nghĩ rằng thái độ của học sinh là sự chống đối, là sự thiếu tôn trọng giáo viên. 

PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, bản thân giáo viên có thể có những kỳ vọng không hợp lý.

"Ví dụ như kỳ vọng tất cả học sinh phải theo khuôn mẫu, nhất nhất phục tùng vô điều kiện, ngoại cảnh phải theo ý cô. Tất cả phụ huynh phải suy nghĩ theo cách của cô, hiểu sự vất cả của cô khi lên lớp dạy con của họ.

Xã hội phải đánh giá cao nghề giáo và giáo viên cần được xã hội, đồng nghiệp, phụ huynh công nhận những đóng góp của bản thân chứ không thể như thực tế hiện tại được.

Những kỳ vọng đó, những niềm tin cứng nhắc đó làm gia tăng sự ấm ức và giận dữ ở người thầy", ông Trần Thành Nam phân tích.

Ngoài những kỳ vọng thiếu hợp lý, những áp lực chuyên môn, thiếu sự hỗ trợ trong công việc, cuộc sống cá nhân của người thầy cũng là một yếu tố tác động đến tâm lý giảng dạy, làm tăng cảm giác bất lực, thất vọng của người giáo viên dẫn đến việc phản ứng một cách tiêu cực quá mức đối với học sinh.

Giáo viên cần được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe tinh thần 

Cô Nguyễn Thị Hẹn, một giáo viên ngữ văn về hưu, chia sẻ: "Xem clip tôi rất giận. Nhưng thương thì vẫn thương. Để đi đến những lời mắng mỏ mạt sát đó, phải có một quá trình tích tụ nỗi ấm ức, bất lực lâu dài".

Cô Hẹn cho biết, việc dạy học sinh lớp cuối cấp có rất nhiều áp lực với giáo viên. Áp lực từ thành tích của nhà trường, từ chỉ tiêu liên quan tới chuyên môn, từ kỳ vọng của phụ huynh. 

"Áp lực trong công việc làm gia tăng áp lực trong cuộc sống. Người thầy nào cũng có một gia đình cần phải chăm lo, nhưng công việc lấy đi của họ rất nhiều thời gian, mối bận tâm và trao cho họ rất nhiều căng thẳng, mệt mỏi. Từ đó, cuộc sống cá nhân cũng bị ảnh hưởng. 

Thế nhưng, dù họ dành nhiều tâm huyết cho công việc mà hiệu quả lại không đạt, học sinh không hợp tác, không chịu học, có thái độ chống đối… Điều này sẽ làm họ cảm thấy vô cùng thất vọng, giận dữ, cảm thấy bị phụ bạc.

Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần đối mặt với cảm xúc đó nên tôi hiểu cảm xúc của cô giáo trong clip", cô Hẹn bày tỏ.

Vụ cô mắng trò khốn nạn: Nhà giáo cần kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần - 2

Một tiết học toán của học sinh tiểu học (Ảnh: Mỹ Hà).

Tuy nhiên, cô Hẹn cho rằng, điều quan trọng với một người thầy là trong mọi hoàn cảnh cần ý thức sâu sắc về hành động của mình sẽ tác động đến học trò theo hướng tích cực hay tiêu cực. 

Giáo viên có thể mắng trò, phạt trò. Thời xưa, giáo viên được phép đánh học trò. Nhưng những hành động này được thực hiện để trò tốt lên hay để giải quyết sự tức giận bộc phát của người thầy sẽ cho ra những kết quả khác nhau. 

Bên cạnh đó, ứng xử của giáo viên phải phù hợp với tâm lý học sinh và những tiêu chuẩn, quy tắc trong giáo dục. Cả hai yếu tố này giáo viên phải cập nhật, tìm hiểu, nắm chắc. Giáo viên không thể hành xử theo thói quen hay theo suy nghĩ, quan điểm cá nhân rất có thể đã trở nên lỗi thời.

Ở khía cạnh chuyên môn, cô Hẹn cho rằng giáo viên cần linh hoạt khi giảng dạy với các đối tượng học sinh khác nhau. Nếu mặt bằng chung của lớp chỉ đạt trung bình, giáo viên nên đề ra một mục tiêu thấp, từng bước dẫn dắt học sinh đạt được, không nên đưa ra một mục tiêu ngang với những lớp học khá, giỏi.

"Trong một lớp trung bình sẽ có những em yếu hơn nữa, giáo viên nên phân nhóm học sinh nhỏ ra nữa, đưa ra mục tiêu thấp hơn nữa.

Khi học sinh đạt được mục tiêu phù hợp với khả năng của các em, các em mới có động lực để cố gắng chinh phục mục tiêu cao hơn. Đồng thời, giáo viên bớt đi kỳ vọng thì cũng bớt đi tâm lý sốt ruột, tức giận với học trò.

Giáo viên cũng cần hiểu rằng, một lớp 40-50 học sinh, không thể em nào cũng tập trung vào bài giảng. Nếu sự thiếu chú ý của các em không đến mức hỗn láo, quậy phá, chỉ cần khoanh vùng nhóm học sinh này lại, nói chuyện riêng với các em, đưa ra cảnh báo nghiêm khắc, hoặc mời phụ huynh tới trao đổi. 

Việc mắng các em trước lớp, mạt sát các em, đuổi các em ra khỏi lớp vừa không giúp các em ngoan hơn, vừa làm ảnh hưởng tới những học sinh vô can khác, không khí lớp học nặng nề, học sinh khó tiếp nhận những gì cô giảng giải sau đó. 

Chính bản thân cô cũng không cảm thấy vui vẻ thoải mái gì khi trút giận với học trò như vậy", cô Hẹn phân tích.

Cùng góc nhìn này, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, giáo viên chỉ vì không kiểm soát được cảm xúc cá nhân, chỉ vì giận dữ với một học sinh mà đã làm hỏng đi cả một tiết học, làm tổn hại tinh thần không chỉ của những học sinh bị nhắc nhở mà còn ảnh hưởng đến tất cả những học sinh đang ngồi trong lớp phải lắng nghe. 

Vụ cô mắng trò khốn nạn: Nhà giáo cần kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần - 3

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).

Cô giáo càng chỉ trích học trò, sự giận dữ trong cô càng lớn. Cô càng cảm thấy mình không được tôn trọng, không được ghi nhận. Những cảm xúc tiêu cực này càng nói ra sẽ càng lớn lên khiến hành động và lời nói của giáo viên ngày càng cay nghiệt, mất kiểm soát, vi phạm chuẩn mực.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng cho rằng, sự việc ở Trường THCS Trần Phú, Tuyên Quang, cần một sự nhìn nhận nhân văn, cảm thông hơn với người thầy. Trong bối cảnh hiện tại, nhà giáo cần được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe tinh thần và được tạo điều kiện thuận lợi hơn để làm việc. 

"Mỗi nhà giáo cần có kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình để biết cân bằng cảm xúc, tạm thời bỏ qua mọi lo toan áp lực cuộc sống, công việc, bình an và vui vẻ trước khi bước vào cánh cửa lớp học của mình", ông Trần Thành Nam khẳng định.