Vụ bé trai 4 tuổi có hành động nhạy cảm: Cần sửa sai hơn là xử lý!
(Dân trí) - Việc chuyển lớp bé trai có hành vi được cho là "nhạy cảm" với bé gái trong giờ ngủ trưa, đuổi việc cô giáo... có thể đẩy sự việc lẽ ra là bài học để tất cả cùng "sửa sai" lại thành ra lớn chuyện.
Sự việc bé trai tại một trường mầm non ở Kiến Thụy, Hải Phòng được cho là có hành vi "nhạy cảm" với bé gái trong giờ nghỉ trưa qua hình ảnh camera của lớp có thể gây bàng hoảng, sửng sốt cho nhiều người.
Nhưng trong sự việc được xem là "tế nhị" này, quan trọng hơn cả việc đưa ai ra xử lý, kỷ luật là lúc tất cả mọi người từ giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh, không riêng gì ở ngôi trường này, cần nghiêm khắc nhìn lại mình.
Phải nói, hình ảnh đó có thể gây "choáng" với nhiều người, cảm thấy thật khó hình dung. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, vì hiếu động, khó kiểm soát hành vi, chưa nhận biết được giới hạn nên hoàn toàn có thể vô tình có những động tác "vượt phép" như kéo áo mẹ, kéo váy bạn...
Hoặc các em có những hành vi này do sự thôi thúc sự phát triển tính dục giai đoạn này bởi đặc tính tò mò, hiếu kỳ. Điều này, có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào, không kể là con nhà ai, trường học nào.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ, ở lứa tuổi này, các em có thể có hành động vô tình động chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, có thể là sự phát triển khám phá cơ thể, hoàn toàn không mang ý nghĩa đạo đức hay ý nghĩa kích thích tính dục, quấy rối, xâm hại như người lớn.
Liên quan đến sự việc, lúc đầu, phụ huynh hai bé trao đổi và đưa ra giải pháp đề nghị bé trai chuyển lớp. Điều này, vô tình đẩy sự việc thành "to chuyện" đối với đứa trẻ. Sự xử lý như thế này của người lớn có thể làm đứa trẻ mang mặc cảm tội lỗi, ảnh hưởng không chỉ vào lúc này mà cả sự phát triển về sau của trẻ. Nhà trường có lý do khi từ chối yêu cầu chuyển bé trai đi lớp khác.
Được biết, mới đây, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) chỉ đạo nhà trường dừng hợp đồng lao động đối với 2 giáo viên chủ nhiệm lớp của bé trai có hành động "nhạy cảm" với bé gái trong giờ ngủ trưa. Không bàn về việc xử lý như vậy là "nặng" hay "nhẹ" vì còn cần xét nhiều yếu tố. Đặc riêng trong sự việc trên thì việc xử lý, kỷ luật không nên là ưu tiên hàng đầu mà phải là việc nhìn vào để sửa.
Đối với con trẻ khi có những biểu hiện "đáng ngại", hơn ai hết chính bố mẹ phải xem lại. Trong tình huống này, liệu ở gia đình, bố mẹ, người thân có những thói quen, sinh hoạt thiếu kín đáo để trẻ nhìn thấy, thôi thúc trẻ có ý muốn nhìn trộm, khám phá? Hay có khả năng khác, mình sơ sểnh trong việc kiểm soát, con đã vô tình nhìn thấy những hình ảnh đó qua điện thoại, máy tính?
Hơn lúc nào khác, bố mẹ phải nhìn và sửa thói quen của mình, xem lại việc gần gũi, quan tâm con hàng ngày.
Đây cũng như thể là một lời nhắc nhở với tất cả mọi phụ huynh, cần chọn cho con mình những trang phục kín đáo, an toàn hơn mà vẫn thoải mái, tươi tắn kể cả lúc đi học như một cách để bảo vệ con.
Đối với nhà trường, phải lập tức xem lại và khắc phục việc xếp giường ngủ cho bé trai và bé gái cùng dãy, sát vào nhau trong lớp học như hình ảnh qua camera. Rõ ràng, khoảng cách an toàn, giúp trẻ phân biệt và tôn trọng sự khác biệt về giới tính chưa được nhà trường để ý.
Đừng nhìn hạn hẹp sự việc xảy ra ở giờ ngủ nên chỉ chú ý đến chiếc giường. Nhiều hoạt động khác nhà trường luôn cần đảm bảo tính giáo dục về giới. Lúc các bé thay quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh... đều cần sự kín đáo, riêng tư nhất định.
Và đối với giáo viên, sau một buổi làm việc với hàng chục đứa trẻ, đói, mệt, khi các con con đi ngủ, các cô có thể đã chủ quan khi cả hai cô đã cùng nghỉ đi ăn trưa. Giáo viên cần có sự nhạy cảm, chú tâm hơn nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong mọi tình huống. Với trẻ nhỏ, có thể xảy ra rất nhiều vấn đề khác cần cô giáo bảo vệ cũng như để xử lý kịp thời.
Nhà trường cần có quy định chặt chẽ giáo viên phải thay phiên nhau có mặt theo dõi trẻ trong mọi thời điểm ở lớp.
Và đây cũng là là bài học về giáo dục giới tính mà chúng ta né tránh lâu nay. Ngay từ bé, trẻ cần được chỉ dẫn bài học quan trọng đầu tiên khi bước ra cuộc đời là tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng thân thể và nhân phẩm người khác.
Những biểu hiện "lạ" của con trẻ là dịp để người lớn uốn nắn chính mình.
Với đứa trẻ, cách giải quyết phải trên nền tảng tình yêu thương, được bảo vệ, được nâng niu về lòng tự tin, tự trọng. Với người lớn, không phải sự việc nào cũng theo lối mòn trong cách hành xử là kiểm điểm, kỷ luật mà có khi rất cần sự "im lặng để sửa".
Hoài Nam