Vụ 161 sinh viên Việt “mất tích” tại Hàn Quốc: Bộ GD&ĐT lên tiếng
(Dân trí) - Ông Phạm Quang Hưng – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GĐ&ĐT) cho biết, liên quan đến cảnh sát Hàn Quốc vào cuộc điều tra 164 sinh viên “biến mất”, có 161 sinh viên Việt Nam và 3 sinh viên Uzbekistan. Các đối tượng này không đến trường chứ không mất tích tại Hàn Quốc.
Ngày 9/12, Đại học Quốc gia Incheon (Hàn Quốc) đã trình báo với cảnh sát về vụ 164 sinh viên, đa phần là người Việt đang theo học chương trình tiếng Hàn tại trường đã không đến lớp trong 15 ngày. Nhiều tờ báo của xứ sở kim chi đồng loạt đưa tin về sự việc và cảnh sát đang vào cuộc điều tra.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Quang Hưng – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GĐ&ĐT) cho hay, Bộ GD&ĐT đã liên hệ và đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để xử lý trong trách nhiệm của mình.
“Ngay khi nghe thông tin về vụ việc, Cục Hợp tác quốc tế đã lập tức liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Theo thông tin chúng tôi nhận được, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã làm việc với Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc Đại học Quốc gia Incheon và được biết: Hiện có 1.800 sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây.
Trong số này, có 161 sinh viên Việt Nam và 3 sinh viên Uzbekistan đã vắng mặt không đến trường học 15 ngày. Những sinh viên này không đến trường học chứ không phải như một số báo có nêu là “mất tích”.
Hiện nay, các cơ quan chức năng phía bạn đang phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh để xác định rõ nguyên nhân những sinh viên này đi đâu, làm gì”, ông Hưng chia sẻ.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết thêm, đơn vị này sẽ tìm hiểu về việc các sinh viên nói trên đi du học theo hình thức nào, có qua tổ chức tư vấn du học không và nếu có, sẽ kiểm tra các công ty đó có vi phạm hay không, nếu có xử lý nghiêm theo quy định.
Nhằm tăng cường tác quản lý các hoạt động du học, nhất là du học tự túc, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng hệ thống phần mềm quản lý công tác tư vấn du học; tiến tới triển khai trên toàn quốc.
Các tổ chức tư vấn du học cần đăng ký và khai báo thông tin cụ thể về công tác tư vấn du học, cũng như các lưu học sinh đi học thông qua các các tổ chức tư vấn này.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan quản lý tại địa phương cũng như với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam cần; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và truyền thông để người dân hiểu hơn về việc đi học hay đi làm ở nước ngoài.
Hiện nay, có khoảng 170.000 lưu học sinh Việt Nam học tập ở khoảng 50 nước trên toàn thế giới, tập trung ở những nước có nền giáo dục tiên tiến.
Trong số này, chỉ có khoảng 4% đi theo diện học bổng của Chính phủ Việt Nam (bao gồm học bổng hiệp định và học bổng ngân sách Nhà nước). Số du học sinh tự túc kinh phí chiếm đến khoảng 90%.
Số lượng sinh viên, học viên Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc hiện khoảng 37.426 người, tăng hơn 10.000 người so với cuối năm 2018 và chiếm 23,4% tổng số sinh viên nước ngoài tại Hàn Quốc.
Với những lưu học sinh đi học theo diện tự túc kinh phí không cần có quyết định cử đi của các cơ quan chức năng Việt Nam. Đối tượng đi du học tự túc có thể chủ động tìm trường và đi học hoặc qua các tổ chức tư vấn du học. Các tổ chức tư vấn du học chịu sự quản lý trực tiếp của địa phương và thực hiện việc báo cáo theo các quy định của Nhà nước.
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, theo báo Korea Times (Hàn Quốc), Đại học Quốc gia Incheon ngày 9/12 đã trình báo với cảnh sát về vụ 164 sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình tiếng Hàn tại trường đã không đến lớp trong 15 ngày.
Luật pháp Hàn Quốc quy định các trường đại học phải có trách nhiệm trình báo nếu phát hiện các sinh viên nước ngoài vắng mặt trong 15 ngày.
161 sinh viên trên nằm trong số 1.900 sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình đào tạo tiếng Hàn kéo dài 1 năm tại Đại học Quốc gia Incheon. Chương trình này mới bắt đầu cách đây 4 tháng.
Cảnh sát tin rằng mục đích thực sự của những sinh viên này khi tới Hàn Quốc là kiếm một công việc sau khi học tiếng Hàn trong khoảng thời gian ngắn.
Lệ Thu